Hội ND các cấp tích cực phối hợp bảo vệ môi trường nông thôn
10:02 - 27/03/2017
(MTNT) - Xác định công tác bảo vệ môi trường không chỉ bảo vệ sức khỏe con người, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, ở các xã thuần nông, việc sản xuất nông nghiệp luôn được gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Mô hình nông dân tự quản con đường sáng- xanh- sạch- đẹp được nhân rộng ở nhiều chi Hội



Do đó, các mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được xây dựng ở các cánh đồng được nhiều địa phương áp dụng. Tại huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng, mô hình này đã được Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện hỗ trợ cho Hội Nông dân xây dựng 23 hố thu gom bao bì thuốc BVTV ở 6 cánh đồng sản xuất tập trung.



Ngoài ra, mô hình công nghệ khí sinh học biogas cũng được áp dụng nhiều ở các xã: Long Hưng, Thuận Hưng, Mỹ Thuận. Bên cạnh đó, Hội ND huyện cũng vận động nông dân thành lập mô hình khu dân cư, xóm, ấp bảo vệ môi trường. Ở các địa phương khác, công tác bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp cũng được xem không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn có trách nhiệm của nông dân.



Năm 2016, Hội ND huyện đã phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện tổ chức các đợt truyền thông, phát động các phong trào thi đua, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên môi trường, bằng các việc làm thiết thực, như: tham gia trồng cây xanh ven đường giao thông nông thôn, trồng rừng phòng hộ chắn sóng biển… Hội cũng tham gia xây dựng 9 mô hình thu gom rác thải, 4 mô hình gom vỏ chai thuốc BVTV. Qua các mô hình, nông dân từng bước nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường vùng nông thôn.



Đồng thời, Hội ND tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tập trung xây dựng các dự án hỗ trợ sản xuất, mô hình điểm về bảo vệ môi trường nông thôn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ, hội viên, nông dân. Các nội dung phối hợp giữa hai ngành đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường.



Ngoài ra, Hội ND tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và các ngành chức năng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi xanh - sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình “Ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác và phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ”, mô hình “Lắp đặt túi ủ biogas trong chăn nuôi heo, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn Gap”, mô hình “Thu gom rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng”.


 
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh Đồng Nai với Sở Tài nguyên và Môi trường, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Vĩnh Cửu đã phát động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Hội đã chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thông qua công tác Hội và phong trào nông dân với hoạt động bảo vệ môi trường, coi đó là nhiệm vụ của tổ chức Hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới. 


Hàng năm, Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Hội Nông dân các cấp, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp theo dõi và tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường.



Hội Nông dân huyện đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn theo chủ đề của từng năm. Hội đã chỉ đạo và hướng dẫn Hội Nông dân cơ sở xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành có liên quan của địa phương tổ chức các đợt truyền thông phát động phong trào thi đua đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Mít tinh, tổ chức các hoạt động đồng loạt ra quân tạo, khí thế sôi nổi của hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tham gia các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, làm cho cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.



Nhìn chung, các mô hình của Hội nhận được sự đồng thuận của hội viên, nông dân và cộng đồng; sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn đối với hoạt động của mô hình. 



Thông qua hoạt động của các mô hình, các hộ dân được trang bị những chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các hộ nông dân đã từng bước nâng cao được nhận thức về xu thế tiến bộ của xã hội nhất là khoa học công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học. Từ đó họ xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động hội viên, nông dân cùng tham gia thực hiện bảo vệ môi trường nông thôn.



Năm 2016, Hội ND huyện đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 100 triệu đồng mua 140 ống cống để thu gom rác thải, từ chai lọ thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Hội ND huyện đã tổ chức bàn giao số ống cống này cho Hội ND cơ sở đưa vào sử dụng đồng thời phát động hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường. Đây là mô hình mới cần được nhân rộng bởi nó mang lại hiệu quả thiết thực gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.



Tại Hà Nam, các cấp Hội đã chủ động phối hợp, cụ thể hóa thông qua công tác Hội và phong trào nông dân với hoạt động bảo vệ môi trường, coi đó là nhiệm vụ của tổ chức Hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được trên 300 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng NTM; tuyên truyền và tham gia thành lập trên 1.000 tổ thu gom, phân loại, xử lý rác thải.



Hội Nông dân đã phối hợp tham gia xây dựng nhà phân loại, xử lý rác thải theo quy hoạch…toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động  của gần 1000 mô hình chi hội "Nông dân tự quản con đường sáng- xanh- sạch- đẹp" với trên 1.037,2 km đường giao thông nông thôn vơí tổng số gần 60.000 hộ thường xuyên tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Các mô hình trên đã đi vào hoạt động nề nếp, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.



Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, phù hợp, công tác tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp đã góp phần tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện bảo vệ môi trường, tự giác bảo vệ môi trường, sống thân thiện với môi trường.


 

Thái Bảo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn