Tăng cường xử lý rác thải nông thôn
16:06 - 19/09/2016
(MTNT)- Sự phát triển kinh tế - xã hội khiến khu vực nông thôn phát sinh không ít rác thải sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác thải hiện còn hạn chế dẫn tới tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc chúng ta phải đề cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường nông thôn.
Tăng cường xử lý rác thải nông thôn (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Rất nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Rác thải chủ yếu do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi, từ đường thôn, ngõ xóm đến kênh, mương, ao hồ, sông, suối... chỗ nào tiện và gần cũng có thể vứt rác, đổ chất thải sinh hoạt.
 
 
Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, mỗi ngày phát sinh từ 2.500 tấn đến 3.000 tấn rác sinh hoạt. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn rất hạn chế, chỉ đạt 70% nhu cầu, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng nhiều gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan. Nhiều địa phương không tìm được vị trí, địa điểm để thực hiện việc chôn lấp rác theo quy trình xử lý có kiểm soát, hợp vệ sinh, do không bảo đảm tiêu chí về khoảng cách, diện tích sử dụng và chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, cho nên phải tận dụng các ao, hồ, vùng trũng để đổ rác, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình, yêu cầu kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước ngầm và nước mặt của khu vực.
 
 
Ở một số huyện ngoại thành, ngoài chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt là lượng lớn chất thải rắn làng nghề, chế biến lương thực, thực phẩm, rác thải sinh hoạt như túi ni lông, chai lọ thủy tinh, nhựa... tồn đọng nhiều nơi. Do ưu tiên xử lý cho các quận nội thành, không có quỹ đất để xây dựng bãi tập kết nên lượng rác ở các huyện được đưa về khu xử lý tập trung thành phố thường thấp hơn so với mức phát thải. Cụ thể: Huyện Ba Vì, lượng phát thải hằng ngày khoảng 108 tấn nhưng chỉ được phân luồng xử lý 80 tấn, tồn lưu 28 tấn; huyện Chương Mỹ phát sinh gần 220 tấn rác, nhưng chỉ đưa được về khu xử lý tập trung của thành phố 90 tấn; huyện Đông Anh xử lý được hơn 90 tấn trên 180 tấn, Thường Tín xử lý gần 90 tấn trên tổng số 160 tấn, huyện Thạch Thất tồn 25 tấn, huyện Mê Linh tồn 29 tấn… Tổng số còn tồn đọng gần 670 tấn rác thải/ngày chưa được xử lý. Ngoài ra, ở một số huyện, rác thải chỉ được thu gom tại khu vực thị trấn và các xã lân cận, còn lại đều xử lý tạm bợ bằng cách chôn lấp, đốt tại chỗ, gây ô nhiễm môi trường.
 
 
Hiện nay, khoảng 40% số rác thải sinh hoạt nông thôn tại Hưng Yên chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý. Lượng rác thải này phần lớn được người dân đổ, đốt tràn lan ra nơi cộng cộng, ao hồ, sông ngòi, kênh mương, ven đường giao thông quanh nhà...
 
 
Không khó để bắt gặp những bãi rác di động cạnh các con đường lớn. Rác thải sinh hoạt còn được người dân ở một số địa phương đóng thành bao ném xuống sông. Đường làng cũng trở thành những điểm tập kết rác thải sinh hoạt bất đắc dĩ, nhất là những đoạn đường thưa vắng người qua lại. Tình trạnh này chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
 
 
Không những thế, hiện nay, chính các bãi rác thải sinh hoạt ở các thôn, xã hầu hết không bảo đảm vệ sinh môi trường, mới chủ yếu là bãi chứa rác thải. Tình trạng rác thải đổ xung quanh bãi chôn lấp, điểm tập kết, đốt rác thải và đổ trộm rác thải công nghiệp xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương. Ngoài ra, tần suất thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn còn thấp, trung bình hiện nay mới chỉ từ 1-2 lần/tuần, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.
 
 
Ngoài ra, môi trường nông thôn còn bị đe dọa bởi người dân có thói quen tiện đâu xả đó các loại bao bì, hộp nhựa thuốc trừ sâu, trừ cỏ và hàng ngàn tấn phân bón hóa học các loại ra môi trường khi vừa sử dụng xong. Loại rác thải này khi không được thu gom triệt để đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.
 
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân không cao, thản nhiên vứt rác bừa bãi ở bất cứ chỗ nào họ cảm thấy tiện. Vấn đề này hiện rất đáng báo động, do mọi người coi việc giữ gìn bảo vệ môi trường không phải là việc của cá nhân mình mà là việc của xã hội. Ngoài ra, còn một bộ phận nhỏ có tư tưởng rất thiển cận "sạch riêng, bẩn chung" môi trường phải chịu.
 
 
Một vấn đề nữa là đa phần người dân chưa biết cách hoặc không quan tâm đến việc tự xử lý phân loại rác dẫn đến việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn trong khi vùng dân cư nông thôn thì chưa có cơ sở thu gom xử lý rác thải. Song song đó, vấn đề mất vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay một phần do lượng lớn rác thải các chợ vùng nông thôn, nơi sinh ra đủ các loại rác mà chưa có biện pháp thu gom xử lý, chủ yếu quét dọn lại một chỗ rồi để khô đốt hoặc cho phân huỷ tự nhiên, nên ảnh hưởng nặng nề cho môi trường chung của địa phương.
 
 
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn trở thành vấn đề bức xúc cần được giải quyết bằng các giải pháp phù hợp, kết hợp phương pháp chôn lấp truyền thống với sử dụng công nghệ chế biến rác hiện đại.
 
 
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, ý thức của người dân và các doanh nghiệp là rất quan trọng. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân dần thay đổi thói quen về thu gom, đổ rác; khuyến khích nhân rộng các mô hình như gia đình thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, tổ phụ nữ tự quản tham gia bảo vệ môi trường, con đường tự quản… để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường… Ngoài ra, cũng cần dành nguồn kinh phí nhất định đầu tư quy hoạch, xử lý rác thải ở nông thôn. Thiếu bãi rác, thiếu các dịch vụ vệ sinh môi trường cũng là nguyên nhân để người dân tự “quy hoạch” bãi rác ngay bên lề đường, đầu cầu, bụi rậm, kênh mương, chợ...
 
 
Để xử lý triệt để và hiệu quả vấn nạn rác từ mỗi hộ gia đình, tổ chức... cần phải phân loại rác thành ba nhóm: (1) Nhóm vô cơ không thể tự phân hủy, bao gồm: sành, sứ, xỉ than, gạch... đây là những thứ không thể tái chế, đưa đi chôn lấp. (2) Nhóm rác có thể tái chế bao gồm: giấy, kim loại, vỏ hộp, nilon, chai nhựa... dồn lại bán tái chế. (3) Nhóm rác hữu cơ là các loại rác thực phẩm sau khi chế biến như: đồ ăn, rau củ quả... bỏ riêng để chế biến thành phân hữu cơ, hoặc đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đào một cái hố đổ vào đó chúng tự phân hủy thành phân bón cho cây trồng rất tốt. Muốn làm được điều này mỗi hộ gia đình cần phải có hai thùng (xô) đựng rác riêng biệt và khi bỏ rác vào thùng cần phân loại ngay, tạo thuận lợi khi xử lý về sau.
 
 
Ngoài sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, thiết nghĩ mỗi người dân trước hết cần nâng cao nhận thức của bản thân, ý thức, trách nhiệm trong việc xả rác thải ra môi trường. Mỗi gia đình nên tự thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt của mình đúng nơi quy định, hướng tới một môi trường trong lành, thân thiện và không ô nhiễm.
 
 
 
Như Phúc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn