Tích cực bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
09:16 - 28/09/2016
(MTNT) - Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm của Việt Nam thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. 
Tăng cường bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Do vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Cùng với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực cho loài người. 

Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc được tổng hợp từ các chất hóa học, dùng để phòng, trừ dịch hại trên cây trồng, điều hòa sinh trưởng thực vật, xua đuổi hoặc thu hút các loại sinh vật gây hại trên thực vật đến để tiêu diệt. Có thể nói, thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư kỹ thuật quan trọng góp phần hạn chế dịch hại, bảo vệ cây trồng, giữ vững và nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản. Hiện nay, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là một biện pháp trong hệ thống các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng, bảo vệ nông sản, ngược lại, sẽ gây hậu quả rất khó lường.
 
Khi sử dụng thuốc cần phải có kiến thức nhất định để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với chính bản thân người sản xuất, người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi và môi trường sống, đồng thời phát huy những mặt tích cực của nó. Gieo trồng các giống cây kháng sâu bệnh, bảo đảm yêu cầu phân bón và nước thích hợp, tận dụng các biện pháp thủ công. Chú ý bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc.

Trong điều kiện áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp, định hướng phát triển ngành nông nghiệp như: Năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường thì việc quản lý dịch hại cây trồng phải tổng hợp bằng nhiều biện pháp, trong đó sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chiếm vị trí đặc biệt.

Trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được sử dụng từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên thời kỳ đó, do tình hình phát sinh, phát triển của sâu hại, dịch bệnh diễn biến chưa phức tạp nên số lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật chưa nhiều.

Ngày đó do thiếu thông tin và do chủng loại thuốc bảo vệ thực vật còn nghèo nàn nên người nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, tồn lưu lâu trong môi trường. Ngày nay người ta đã thay dần bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới có độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường. Những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, do thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy số lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng tăng lên.
 
Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng. Nhằm ngăn ngừa, hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đồng thời phát huy những mặt tích cực của nó thì khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần phải có kiến thức nhất định.

Ngoài ra cần tăng cường việc tuyên truyền sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng liều lượng nồng độ, đúng cách; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững (Rainforest) nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP trong sản xuất, chế biến để tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Để bảo vệ môi trường bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hoá học trong sản xuất nông nghiệp, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Đối với ngành trồng trọt, cần ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM (công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép. Sau khi phun thuốc phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm.

Như vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ một nền sản xuất nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Nhà nước cần có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các chương trình sản xuất  và ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào công tác phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.

Chọn lọc các loại  thuốc, dạng thuốc bảo vệ thực vật an toàn có tính chọn lọc cao, phân giải nhanh trong môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật. Phối hợp các lực lượng liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật; Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường, nâng cao nhận thức về  trách nhiệm và nghĩa vụ của những người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường.

 Để công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn trên cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về công tác bảo vệ môi trường sinh thái và biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng hướng, khuyến khích phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn và kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Quang Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn