Hội viên, nông dân tích cực thu gom và xử lý rác thải trên đồng ruộng
11:42 - 20/07/2016
(MTNT)- Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt và vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, tạo thuận lợi cho bà con trong việc xử lý rác thải, tích cực bảo vệ đồng ruộng và môi trường nông thôn.
Xả bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại chỗ gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 67% dân số cả nước, ước tính khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi năm khoảng 6,6 triệu tấn, tỷ lệ thu gom tại các vùng ven đô thị đạt khoảng 80%, nhưng tại một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tỷ lệ thu gom mới đạt 10%. Hầu hết rác thải không được thu gom, xử lý mà người dân thường đổ tự phát tràn lan ra ao hồ, sông ngòi, cánh đồng, quanh nhà...
 
 
Trên những cánh đồng, vẫn còn tình trạng bà con nông dân sau khi sử dụng xong các loại thuốc bảo vệ thực vật thường tiện tay ở đâu thì vứt vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật lại đó. Điều này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với đất, nguồn nước sản xuất vì đây là loại rác thải rất độc hại, khó phân hủy hoặc không thể tự phân hủy.
 
 
Tại Hưng Yên, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng điểm mô hình chi Hội “3 không”: Không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng; không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thải phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường; không đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường. Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã xây dựng trên 260 bể chứa, xử lý rác thải từ vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các cánh đồng của nông dân; đặt 475 thùng chứa rác thải để thu gom vỏ bao, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật tại các trang trại lớn trên đồng ruộng tại địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần là điểm tựa cho phong trào bảo vệ môi trường phát triển, nhân rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh.
 
 
Tại Đồng Tháp, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã Thắng Lợi, huyện Tháp Mười.
 
 
Tham gia mô hình này, Hợp tác xã được trang bị 30 thùng rác bằng bê tông kiên cố, có nắp đậy, đảm bảo chống thấm nước. Những thùng rác này được đặt ngoài đồng để nông dân dễ dàng bỏ rác vào. Từ ngày tham gia thực hiện mô hình, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng được nông dân là thành viên Hợp tác xã Thắng Lợi tập hợp lại và cho vào thùng rác tránh gây ô nhiễm.
 
 
Định kì hàng tháng, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang sẽ đến thu gom và chở đi tiêu hủy đảm bảo quy trình. Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm mô hình thu gom rác thải bảo vệ thực vật, xung quanh đồng ruộng tại Hợp tác xã Thắng Lợi đã không còn vỏ chai, bao nhựa thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như trước đây và người nông dân đã bắt đầu thấy được hiệu quả của mô hình.
 
 
Tại TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), theo thống kê, thành phố có trên 5.400 ha đất nông nghiệp, trong đó trên 3.600 ha đất trồng lúa và hơn 256 ha trồng màu. Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Sóc Trăng đã xây dựng mô hình “Thu gom rác thải và bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” nhằm bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp.
 
 
Mô hình được triển khai trên địa bàn 9 phường do phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 hố xử lý rác bằng bê tông kiên cố, đảm bảo chống thấm nước, dễ tiêu hủy và được đặt ngoài đồng để nông dân dễ dàng bỏ rác vào. Tham gia mô hình này có 167 thành viên và thành lập Ban chủ nhiệm cụ thể để quản lý mô hình. Từ khi thực hiện mô hình, chai lọ và bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng được nông dân thu gom lại và cho vào hố xử lý để tránh gây ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh. Hiện trên các cánh đồng đã có sự thay đổi rõ nét, vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không còn vứt tràn lan như trước, qua đó người nông dân đã bắt đầu thấy được hiệu quả của mô hình ngoài bảo vệ đồng ruộng mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính mình, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nông dân.
 
 
Qua gần 2 năm thực hiện mô hình này, bà con nông dân thành phố đã thu gom, tiêu hủy gần 2000 kg bao bì, chai lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và hơn 7000 kg rác thải sinh hoạt, qua tuyên truyền, phát động đã có trên 3000 hội viên nông dân chủ động hưởng ứng thực hiện.
 
 
Tại xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), Hội Nông dân xã đã thành lập những bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật ngay trên đồng ruộng, tạo thuận lợi cho bà con vứt các loại vỏ thuốc sau khi đã sử dụng, giảm thiểu công sức thu gom của Hội và dễ dàng xử lý sau thu gom.
 
 
Với số tiền vận động được hơn 20 triệu đồng từ công tác xã hội hóa, các doanh nghiệp, ban ngành trên địa bàn ủng hộ, Hội đã tự thiết kế, tự xây dựng được 33 bể thu gom, được lắp đặt rải rác khắp các xứ đồng trên toàn xã. Trong đó khu vực cánh đồng mẫu lớn của xã tại thôn Lộc Trù là nơi được lắp đặt nhiều nhất. Các bể thu gom được thiết kế hình trụ, rộng 80 cm và cao 80 cm, đúc bằng bê tông dày, có đế, được đặt ở ngay các đầu đường nội đồng, nơi thuận tiện nhất cho bà con. Những bể thu gom này sau khi được lắp đặt tại các xứ đồng trong toàn xã đã được bàn giao lại cho chính những chi hội trưởng từng thôn phụ trách, sau một thời gian sẽ thu gom lại và mang đi chôn lấp tập trung tại khu xử lý rác thải của địa phương.         Mô hình đã được bà con hưởng ứng tích cực, ý thức người dân được nâng lên rõ rệt. 100% các hộ nông dân ủng hộ phong trào, đồng ruộng không còn rác thải, ý thức xây dựng cộng đồng của nhân dân được nâng cao.
 
 
Tại xã Đại Lai (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) Hội Nông dân thành lập Câu lạc bộ vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom vỏ bao thuốc trừ sâu trên đồng ruộng. Câu lạc bộ đi vào hoạt động từ đầu tháng 8-2015, ban đầu có 20 hội viên. Nhiệm vụ của các thành viên Câu lạc bộ là đi thu gom toàn bộ các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên các khu đồng, sau đó thu gom lại, phân loại để xử lý; các loại vỏ bao có chất liệu nilong thì được tiến hành bọc kín trong túi, sau đó để trong bể chứa được chuẩn bị sẵn, các loại chai thủy tinh thì được thu gom tập trung vào một địa điểm để có hình thức xử lý phù hợp. Sau gần 1 tháng hoạt động, CLB tiến hành 2 lần vệ sinh đồng ruộng, thu gom được 25 kg vỏ bao các loại và tiến hành xử lý đúng kỹ thuật. Hoạt động của Câu lạc bộ không chỉ có tác dụng làm sạch đồng ruộng mà còn có tác dụng nâng cao ý thức vệ sinh môi trường của người nông dân. Từ mô hình này Hội Nông dân huyện Gia Bình đã đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng.
 
 
Tại xã Vĩnh Ngọc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 95 ha diện tích trồng lúa, sau nhiều năm, số bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong không được thu gom, xử lý nên tích tụ lại trên ruộng đồng rất lớn. Năm 2015, Hội Nông dân xã đã triển khai thực hiện mô hình thu gom chất thải, rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Đây là mô hình đầu tiên ở địa phương được bà con nông dân hưởng ứng tích cực. Hội đã đặt 02 bi có đáy để chứa rác thải chai, lọ, bao bì  đặt ở những vị trí thuận lợi, bên cạnh  trục đường chính dẫn ra cánh đồng Xuân Lạc để tiện cho người nông dân bỏ những chai, lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân không vứt rác, xác chết súc vật xuống kênh mương và khuyến khích người dân có ý thức thu gom, xử lý các loại vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Nhờ vậy, tình hình vệ sinh môi trường trên cánh đồng của xã đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày thêm sạch đẹp, nhận thức về việc thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật đã trở thành thói quen trong đời sống sinh hoạt của người dân trong xã.
 
 
Đến nay công tác thu gom rác thải trên các cánh đồng đã có sự thay đổi rõ nét, người nông dân đã bắt đầu thấy được hiệu quả của việc bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe cho chính mình, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong bà con nông dân.

Minh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn