|
Cán bộ, hội viên, nông dân bảo vệ môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Tại Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân quận Hoàng Mai đã phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường quận duy trì và thường xuyên phát động các phong trào như: "Hoàng Mai, ngày chủ nhật không túi Nilon"; tổ chức Hội thị "Nông dân bảo vệ môi trường" theo hình thức sân khấu hóa thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần chuyển tải các nội dung kiến thức về bảo vệ môi trường đến với hội viên dễ hiểu, dễ nhớ.
Sau hơn 5 năm thực hiện, các phong trào đã có hàng trăm buổi tuyên truyền với các nội dung, hình thức phong phú thu hút hàng ngàn lượt hội viên nông dân tham gia. Đã có 18 lớp tập huấn pháp luật về bảo vệ môi trường được tổ chức ở cơ sở và quận; hơn 10.000 túi giấy và túi vải thân thiện với môi trường được phát đến hội viên; đều đặn các sáng thứ 7 hàng tuần hội viên nhiệt tình tham gia vệ sinh đường ngõ phố và các nơi công cộng; trên 1000 cây xanh đã được hội viên trồng...
Đến nay, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về công tác bảo vệ môi trường ở quận Hoàng Mai đã có chuyển biến rõ rệt, từ đó có thay đổi hành vi sống thân thiện với môi trường và hướng tới xây dựng môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp, bền vững.
Tại Hà Nam, các cấp Hội đã chủ động phối hợp, cụ thể hóa thông qua công tác Hội và phong trào nông dân với hoạt động bảo vệ môi trường, coi đó là nhiệm vụ của tổ chức Hội trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được trên 315 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng NTM; tuyên truyền và tham gia thành lập trên 1.000 tổ thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Hội Nông dân đã phối hợp tham gia xây dựng nhà phân loại, xử lý rác thải theo quy hoạch…toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động của 857 mô hình chi hội "Nông dân tự quản con đường sáng- xanh- sạch- đẹp" với trên 1.037,2 km đường giao thông nông thôn vơí tổng số 59.276 hộ thường xuyên tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng được 9 mô hình về nước sạch và thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn (trong đó: TW hỗ trợ 390 triệu đồng xây dựng 4 mô hình; Sở TN&MT hỗ trợ kinh phí phối hợp với Hội Nông dân tỉnh xây dựng 4 mô hình; Hội Nông dân tỉnh xây dựng 1 mô hình).
Sau 5 năm triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Các mô hình của Hội đã đi vào hoạt động nề nếp, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
Tại Thanh Hóa, từ tháng 7/2011 đến nay, mô hình nông dân tham gia BVMT thông qua công tác thu gom và xử lý rác thải được xây dựng. Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hàng chục mô hình thu gom rác thải tại các địa phương, như: Cẩm Tú (Cẩm Thủy), xã Đông Anh (Đông Sơn), xã Định Long (Yên Định), thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn)..., đã hỗ trợ trên 100 xe thu gom chuyên dụng, xây mới và sửa chữa gần 2.000m cống rãnh, tổ chức tập huấn cho gần 20.000 lượt hội viên về công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư.
Tại huyện Nga Sơn, Hội Nông dân huyện đã xây dựng mô hình điểm về “Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học”, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn cụ thể các bước để hội viên dễ dàng áp dụng. Sau 2 năm triển khai, đến nay huyện Nga Sơn đã có 40 hộ chăn nuôi gia súc, 600 hộ chăn nuôi gia cầm đang áp dụng công nghệ này. Năm 2015, được sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Nông dân huyện Nga Sơn đã có kế hoạch triển khai xây dựng tại 27 xã với 10 mô hình mỗi xã. Khi lợi ích thấy rõ, lại được sự hỗ trợ của các cấp hội, phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học được phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Thọ Xuân..., điển hình là Hội Nông dân huyện Thiệu Hóa với 500 mô hình đã được xây dựng.
Tại huyện Vĩnh Lộc, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền xây dựng mô hình “Vệ sinh môi trường ngoài đồng ruộng”. Từ mô hình điểm xây dựng tại xã Vĩnh Tiến, đến nay toàn huyện đã có 15/16 xã xây dựng, lắp đặt 450 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng. Ngoài việc tự thu gom ngay sau khi sử dụng, Hội Nông dân các xã tổ chức cho bà con tổng vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ sản xuất. Bà con đã hưởng ứng tích cực, hiện ở khắp các địa phương trong tỉnh đều đã có hàng ngàn điểm thu gom được xây dựng.
Tại thành phố Đà Nẵng, các cấp Hội Nông dân thành phố đã tuyên truyền, vận động cùng với việc triển khai xây dựng mô hình điểm và nhân rộng để hội viên nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác BVMT.
Ba năm qua, Hội Nông dân huyện Hòa Vang đã vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường với công tác thu gom và xử lý rác thải theo phương châm “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng”.
Ngoài việc tập huấn nâng cao nhận thức về công tác BVMT cho nông dân, Hội Nông dân 11 xã ở Hòa Vang đã phát động đợt cao điểm ra quân khơi thông, nạo vét gần 4.000 m cống rãnh, kênh mương, thu gom xử lý gần 250 m3 rác thải, trồng mới gần 1.500 cây xanh... xây dựng mô hình thí điểm “Thôn không rác” ở các thôn Cẩm Nê, Yến Nê 2 xã Hòa Tiến và thôn Phong Nam xã Hòa Châu.
Ở các quận nội thành, Hội Nông dân thường xuyên tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh hai bên vỉa hè các tuyến đường và các khu vực công cộng, vận động nông dân tận dụng những khu đất chưa xây dựng công trình để trồng hoa, trồng rau, không chỉ có thu nhập mà còn làm tăng thêm mỹ quan đô thị.
Dọc đường 30 Tháng 4, đường Lê Thanh Nghị và nhiều tuyến đường khác ở Hải Châu, Cẩm Lệ, hàng trăm lô đất trước đây um tùm cỏ cây hoang dại, nay đã trở thành những vườn hoa rực rỡ sắc màu như những điểm nhấn về cảnh quan trong lòng thành phố.
Tại hai quận Thanh Khê và Sơn Trà, Hội Nông dân phối hợp với Công ty giấy và bao bì Đồng Tiến tổ chức Hội thảo về kỹ thuật phân loại rác thải và thu gom vỏ hộp sữa. Sau hội thảo, nông dân đã thu gom gần 600kg vỏ hộp sữa, chuyển đến công ty chuyên ngành tái chế lại sử dụng.
Đến nay, công tác bảo vệ môi trường trong các cấp Hội đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân, nâng cao vai trò của Hội, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp.