(MTNT) - Thực tế hiện nay, rác thải sinh hoạt đang khiến môi trường các vùng nông thôn nhất là các địa phương ven thành phố ngày càng ô nhiễm. Không chỉ người dân thành thị loay hoay giải bài toán rác thải sinh hoạt mà ở vùng nông thôn, rác thải trở thành nỗi ám ảnh, vấn nạn chưa tìm thấy lời giải đáp.
|
Rác thải nông thôn cần được xử lý góp phần giảm thiểu ô nhiễm |
Rác thải sinh hoạt đa dạng, gồm cả rác thải hữu cơ và vô cơ. Và ở nhiều điểm đổ rác, người dân còn vứt cả xác động vật. Khi những bãi rác này ngập ngụa, bốc mùi hôi thối, những hộ dân sống xung quanh buộc phải đốt. Và như thế, môi trường lại thêm ô nhiễm. Nhiều người hiểu rằng, rác thải hữu cơ, nếu được tái sử dụng sẽ đem lại nhiều lợi ích cả về môi trường lẫn trong sản xuất kinh doanh. Rác thải vô cơ, nếu được phân loại tốt, tái chế sẽ đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống.
Vậy nhưng, không phải ai trong số chúng ta cũng làm được điều đó. Hầu hết ở vùng nông thôn, rác thải sinh hoạt được người dân xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Các loại rác thải rắn như bao bì, chai lọ… chưa được xử lý đúng phương thức. Việc xử lý các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, trấu... chủ yếu bằng cách đốt làm tro bón ruộng, rẫy. Cách làm này vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường do khói bụi và nguy cơ cháy nổ rất cao.
Cùng với đó, phương pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng còn giản đơn; nước và chất thải từ quá trình chăn nuôi nếu được xử lý thì chủ yếu bằng hình thức ủ trong hầm biogas.Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nông thôn trở thành nỗi ám ảnh thì nhiều. Nhưng tìm ra nguyên nhân chưa hẳn đã có lời giải, điều quan trọng là tìm và phát huy những mô hình tốt trong việc thu gom và xử lý rác thải. Nhiều địa phương đã có những mô hình hay cần được nhân rộng.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, hiện nay, gần 60% lượng rác thải sinh hoạt nông thôn ở Hưng Yên được thu gom, vận chuyển, xử lý. Số rác thải này chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác thải của thôn, xã; tại khu xử lý chất thải Đại Đồng (Văn Lâm) và một phần rác thải hữu cơ được xử lý tại các hộ gia đình. Toàn tỉnh hiện có hơn 400 thôn có bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải. Hơn 800 thôn, khu dân cư đã thành lập được tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình đến điểm tập kết rác thải, bãi chôn lấp rác thải của thôn, xã. Tại Hưng Yên, nguồn ngân sách phân bổ cho hoạt động bảo vệ môi trường khu vực nông thôn đã tăng gần gấp 4 lần trong năm 5 qua.
Trong đó, năm 2016, Hưng Yên đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Nguồn kinh phí này dành cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở khu xử lý chất thải tập trung Đại Đồng; xây dựng các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, điểm tập kết rác thải; mua sắm hóa chất, chế phẩm vi sinh xử lý bãi rác, trang bị phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải; tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường. Hiện nay, được đánh giá hiệu quả nhất trong thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại Hưng Yên là mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Mô hình này đem lại lợi ích kép nhờ giảm thiểu được lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng.
Ban đầu, mô hình được thí điểm thực hiện tại 100 hộ gia đình ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường (Kim Động). Đến nay, gần 22 nghìn hộ gia đình trong tỉnh đã tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ. Các hộ được hỗ trợ thùng xử lý rác thải, nắp hố rác, chế phẩm vi sinh xử lý rác. Theo tính toán của ngành chuyên môn, việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình sẽ giảm được khoảng 60% lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường.
Ngoài ra, trong tỉnh có mô hình thu gom vận chuyển, xử lý rác thải dân sinh hàng ngày hoạt động khá hiệu quả được thực hiện trên tuyến đường dọc hai bên quốc lộ 5A và đường tỉnh 385 qua địa bàn 6 xã thuộc 2 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ. Hiệu quả của mô hình là thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh hàng ngày, không để tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường.