Sản xuất nông nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường
08:55 - 27/04/2016
(MTNT) - Thực tế cho thấy việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bất hợp lý trong trồng trọt cùng với việc không kiểm soát tình hình xả thải trong chăn nuôi hiện nay đang khiến môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng.

 
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ảnh minh họa


Thống kê của Cục bảo vệ thực vật cho thấy mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 70.000 đến hơn 116.000 tấn thành phẩm hóa chất bảo vệ thực vật. Ước tính lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tức là số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.



Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc được tổng hợp từ các chất hóa học, dùng để phòng, trừ dịch hại trên cây trồng, điều hòa sinh trưởng thực vật, xua đuổi hoặc thu hút các loại sinh vật gây hại trên thực vật đến để tiêu diệt. Có thể nói, thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư kỹ thuật quan trọng góp phần hạn chế dịch hại, bảo vệ cây trồng, giữ vững và nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản.
 


Hiện nay, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là một biện pháp trong hệ thống các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng, bảo vệ nông sản, ngược lại, sẽ gây hậu quả rất khó lường.
 

Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần phải có kiến thức nhất định để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc có thể gây ra đối với chính bản thân người sản xuất, người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi và môi trường sống, đồng thời phát huy những mặt tích cực của nó.


 
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép trong nông sản, thực phẩm là mối đe dọa đối với sức khoẻ con người. Vì vậy, giải quyết hài hoà giữa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sản xuất nông nghiệp với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường là một đòi hỏi và thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật.


 
Trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được sử dụng từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên thời kỳ đó, do tình hình phát sinh, phát triển của sâu hại, dịch bệnh diễn biến chưa phức tạp nên số lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật chưa nhiều. Ngày đó do thiếu thông tin và do chủng loại thuốc bảo vệ thực vật còn nghèo nàn nên người nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, tồn lưu lâu trong môi trường.
 


Ngày nay người ta đã thay dần bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới có độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường. Những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, do thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy số lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng tăng lên.



 
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua các cấp, các ngành và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu như: Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức bằng cách tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân ý thức việc sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường, giúp nâng cao tính thích ứng với những biến đổi xấu của khí hậu; Tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên ở cấp cơ sở về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh, sâu hại trên cây trồng và rau màu; Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì đúng cách sau khi sử dụng; Xây dựng nhiều mô hình trình diễn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
 


 
Để ngăn chặn, hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch nên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm ngay tại ruộng đồng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất. Cần ứng dụng rộng rãi công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ sâu bệnh cây trồng. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất.



Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  không có trong danh mục cho phép. Sau khi phun thuốc phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm sẽ góp phần giúp nông dân sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng một cách đúng đắn, phù hợp, tiết kiệm, đảm bảo môi trường sinh thái và sức khỏe người sử dụng.
 

 
Chúng ta phải luôn xác định bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn là một công việc lâu dài, phải làm công phu, bền bỉ, cần được thực hiện một cách đồng bộ giữa các cấp, các ngành, phối hợp chặt chẽ với người dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến.
 
 

Qua đó góp phần cải thiện chất lượng môi trường cuộc sống, cũng như chất lượng môi trường trong nông nghiệp nông thôn, giúp diện mạo nông thôn cả nước ngày càng trong sạch, tạo nền tảng vững chắc cho ngành nông nghiệp, từ đó góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.
 


 
Hoàng Thông
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn