(MTNT) - Những năm gần đây, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, cho đến sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện rất nhiều địa phương trong tỉnh, mà nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Chưa bao giờ lượng rác thải sinh hoạt lại nhiều như bây giờ.
Ngoài ra, môi trường nông thôn đang bị tàn phá do trồng trọt, chăn nuôi không được kiểm soát tốt. tình trạng sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian bón, phương thức bón cho cây trồng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian gần đây khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và độ màu mỡ của đất giảm.
Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại và phần lớn không thu gom mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng, kênh mương gây ô nhiễm môi trường trong vùng sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp có xu hướng gia tăng, thiếu kiểm soát. Thống kê của Cục BVTV cho thấy mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng từ 70.000 đến hơn 116.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV. Ước tính lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tức là số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc BVTV lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ước tính khối lượng chất thải rắn của vật nuôi là hơn 82 triệu tấn, trong đó chỉ khoảng 60% số chất thải này được xử lý, còn lại thường được xả trực tiếp ra môi trường. Tình trạng giết mổ cũng không khả quan. Hiện cả nước còn tồn tại gần 35.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phần lớn điểm giết mổ nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, chỉ có 35,8% trong số đó được kiểm soát.
Đa số vùng nuôi không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, việc kiểm soát môi trường ao nuôi, xử lý nước thải còn nhiều bất cập dẫn đến lượng chất thải gây ô nhiễm từ ao nuôi rất lớn, hầu hết lượng chất thải này chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Giải pháp để bảo vệ môi trường nông thôn thông dụng nhất hiện nay mà các hộ gia đình ở khu vực nông thôn cần làm đó là nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, chôn lấp hoặc bỏ đúng nơi quy định để đội vệ sinh mang đi chôn lấp hoặc xử lý tập trung để làm phân hữu cơ bón cho cây, hoặc đồng ruộng.
Nước thải và phân trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm biogas, phân phải được ủ trước khi sử dụng, không thải trực tiếp nước, phân và chất thừa thải thẳng ra môi trường.
Trong sản xuất nông nghiệp, nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hãy thu vỏ chai, lọ, vỏ bao đựng đến nơi quy định để xử lý. Nên tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hoá học, không nên dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau xanh, hoa mầu để phát tán ra môi trường.
Sự phát triển không ngừng của nền kinh tế đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang rất cần đến sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn và cho người dân.
Điệp Anh