Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lí, các doanh nghiệp mà đó còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, vì tập trung ưu tiên phát triển kinh tế và cũng một phần do nhận thức hạn chế nên việc gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường chưa chú trọng đúng mức. Tình trạng tách rời công tác bảo vệ môi trường với sự phát triển kinh tế - xã hội diễn ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều cấp, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn.
Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tỉ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lí nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí.
Đến nay, mới có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lí nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành) và 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lí nước thải. Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác.
Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận... Có nơi, hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp đã phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, tạo ra những cánh đồng hạn hán, ngập úng và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Nhìn chung, hầu hết các khu, cụm, điểm công nghiệp trên cả nước chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư lân cận với các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm hoạ về môi trường. Họ phải sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp...
Từ đó, gây bất bình, dẫn đến những phản ứng, đấu tranh quyết liệt của người dân đối với những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, có khi bùng phát thành các xung đột xã hội gay gắt.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2011- 2015, đã giảm dần số lượng và mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm tác động xấu lên môi trường. Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Áp lực của sản xuất nông nghiệp lên môi trường đã giảm đáng kể.
Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng, thoái hóa, bạc màu, hoang hóa đã có xu hướng giảm dần. Tỷ lệ nước thải, chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tăng.
Tính đến nay, đã có 29 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất hơn 789.000m3/ngày, đêm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại các khu vực nội thị trung bình đạt khoảng 85%. Tỷ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên đáng kể qua các năm. Ô nhiễm môi trường ở nước ta vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây đã được ngăn chặn. Mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi không tăng hoặc tăng không đáng kể, chất lượng môi trường có nơi, có lúc được cải thiện.
Mặc dù vậy, hiện nay ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu nhiều mặt đến môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy.
Công nghệ sản xuất trong nước nhìn chung lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả. Chúng ta đang phải giải quyết hậu quả của hơn 5.400 công-ten-nơ rác thải công nghiệp đang tồn đọng tại các cảng biển. Sản xuất theo mô hình làng nghề đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe một bộ phận lớn người dân…
Theo thống kê từ các tỉnh, thành lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc ước khoảng 800.000 tấn/năm, chủ yếu từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Đa phần các nguồn thải có phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn hàng năm đều đã được thu gom, và đưa đến các cơ sở đã được cấp phép để xử lý. Cụ thể, năm 2014, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc chiếm khoảng 23 triệu tấn, tương đương với 63.000 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Riêng tại Hà Nội, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lên tới 6.420 tấn/ngày và TP Hồ Chí Minh là 6.739 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Địa chất (Đại học Mỏ - Địa chất), cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 83 doanh nghiệp với 56 đại lý có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, và khoảng 130 đơn vị do các địa phương cấp phép hoạt động. Trong đó, riêng công suất xử lý chất thải nguy hại được Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép là khoảng 1.300.000 tấn/năm.
Ông Lâm cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85% so với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60%.
Hiện tượng các chất thải không có giá trị kinh tế được thu gom và đổ lẫn với chất thải sinh hoạt, thậm chí còn lẫn với chất thải nguy hại, gây khó khăn cho quá trình thu gom, xử lý. Tại nhiều cơ sở sản xuất, hệ thống kho chứa chất thải rắn công nghiệp cũng chưa đạt yêu cầu, không có mái che, khi nước mưa xuống, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, các tỉnh thành triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật tham gia bảo vệ môi trường trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, ưu tiên vốn đầu tư phát triển, vốn vay ODA để giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe người dân.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hình thành sản phẩm xanh, dịch vụ xanh thân thiện môi trường… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội.
Việt Khoa