(MTNT) - Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Quảng Nam đã và đang nảy sinh, làm ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của nhân dân và gây bức xúc cho xã hội. Vùng bờ biển đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do sức ép của phát triển kinh tế và tác động xấu của con người. Chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang tích cực tìm giải pháp trả lại môi trường xanh – sạch cho biển.
|
Cần tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường biển tại Quảng Nam. Ảnh minh họa |
Môi trường biển ô nhiễm chủ yếu từ rác thải sinh hoạt, chất thải từ làng nghề chế biến nước mắm, các cơ sở chế biến hải sản… Đặc biệt, hệ lụy nuôi tôm lót bạt trên cát ngoài biến dạng địa hình, triệt hạ rừng cây chắn sóng còn làm cho nguồn nước nhiễm bẩn. Ô nhiễm từ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, chất thải chăn nuôi xả trực tiếp xuống sông, biển làm mất vệ sinh môi trường. Việc ngư dân thường xuyên khai thác bằng dụng cụ giã cào, nghề pha xúc ven biển… dễ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản gần bờ.
Việc khai thác hải sản bằng nghề giã cào là hình thức tận diệt sinh thái biển. Theo quy định, phương tiện có công suất máy từ 20CV đến dưới 90CV thì khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, tuyệt đối không được khai thác vùng ven bờ. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho hoạt động khai thác gần bờ thấp, chuyến ra khơi ngắn ngày nên chủ phương tiện vẫn bất chấp hoạt động trái phép, trong khi đó các cơ quan chức năng gần như không đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý.
Quan trắc một số khu vực vùng biển gần đây của ngành chức năng cho thấy, kim loại sắt và dầu mỡ khoáng tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành) có thời điểm vượt giới hạn cho phép. Nguyên nhân xác định là khu vực cảng biển, cửa sông có các phương tiện giao thông thủy hoạt động, đậu đỗ có khả năng bị ăn mòn hòa tan vào môi trường, dầu mỡ chảy tràn từ các phương tiện này bị cuốn trôi vào nguồn nước biển. Kim loại sắt tại hầu hết bãi tắm và dầu mỡ khoáng tại hai điểm lấy mẫu Cửa Đại (TP.Hội An), xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) vượt giới hạn cho phép vào một số đợt quan trắc.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mặc dù Nhà nước đã có hành lang pháp lý kiểm soát khai thác theo hình thức hủy diệt môi trường, song thực tế không đem lại kết quả như mong đợi. Cho nên, về lâu dài phải ổn định đời sống cho ngư dân ven biển, trong đó ưu tiên sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp, kiểm soát chặt chẽ số lượng phương tiện làm nghề già cào, pha xúc bằng cách không cho đóng mới, sang tên, sửa chữa, cải hoán tàu làm nghề này. Cạnh đó, vận động nhóm ngư dân làm nghề lưới kéo chuyển sang ngành nghề khác như câu, lưới vây, lưới rê…
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam ban hành hàng loạt quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch ven biển, khu dân cư... Tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ban quản lý các khu công nghiệp kiểm tra hướng dẫn các nhà máy, cơ sở sản xuất thực hiện đúng quy trình xử lý nước thải, chất thải, nhất là các cơ sở thường gây ô nhiễm như nhà máy chế biến thủy sản, tinh bột sắn, bia... Thường xuyên kiểm tra và không cấp phép khai thác mới titan vùng ven biển.
Ðối với những dự án đã cấp phép khai thác cần phải chấm dứt khi hết hạn hợp đồng và phải phục hồi nguyên trạng vùng đất đã khai thác. Ðối với các khu du lịch ven biển, tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch cùng Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát... thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Ðối với các dự án xây dựng khu du lịch, vui chơi giải trí có quy mô từ 5ha trở lên, dự án xây dựng khu khách sạn, nhà nghỉ quy mô từ 50 phòng trở lên phải thực hiện lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cần có kế hoạch quy hoạch, xây dựng các khu xử lý rác một cách đồng bộ và hoàn chỉnh, bảo đảm đạt tiêu chuẩn về môi trường; đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng các công trình xử lý môi trường cũng như trang thiết bị phục vụ kiểm tra bảo vệ môi trường. Tiến hành xây dựng nhanh các nhà máy xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.