Báo động vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề
15:24 - 23/07/2015
(MTNT) - Làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam. Đa số làng nghề đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa


 Phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.Theo báo cáo môi trường quốc gia cho thấy ở nước ta, làng nghề phân bố tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng (chiếm 60%), ở miền Trung 30% và miền Nam 10%.


 
 Dựa trên các yếu tố tương đồng về ngành sản xuất, sản phẩm, thị trường nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, có thể chia hoạt động làng nghề nước ta ra thành 6 nhóm ngành chính gồm: Thủ công mỹ nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm; chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng, khai thác đá; tái chế phế liệu và các ngành nghề khác. Mỗi ngành chính có nhiều ngành nhỏ.

 
 
Bộ TN&MT cho biết có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép.Theo số liệu điều tra, kiểm tra môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên và Môi trường một năm gần đây đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để cho đến năm 2020.
 

 
Trong đó, có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép, đây thực sự là con số đáng báo động. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Hầu hết các cơ sở tại làng nghề  không có biện pháp xử lý nước thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường.
 


Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế chất thải như giấy, kim loại, nhựa, dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp đang là vấn đề hết sức bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.


 
Theo đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương phải xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời thanh tra, kiểm tra 100% cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhôm, giết mổ, chế biến gia súc, thủy sản... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong các làng nghề, buộc cơ sở vi phạm khắc phục hậu quả và lập kế hoạch di dời cơ sở sản xuất vào khu, cụm công nghiệp hoặc yêu cầu chuyển đổi sản xuất.
 


Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam đã ở mức “báo động đỏ”. Kéo theo nó là những hệ lụy ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động sản xuất mà còn gây tổn hại đến sức khỏe người dân.



Môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là việc rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, bã nhôm đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axit, sút không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng được các ống khói đạt tiêu chuẩn đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân tại nhiều địa phương.
 


Đồng thời, nhận thức của người dân còn thấp, chưa có ý thức chung trong việc bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng làng nghề ô nhiễm nặng. Trong đó làng nghề gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội hiện nay cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi và khí CO2. Càng đi sâu vào trong làng, ô nhiễm càng nặng, khắp nơi bao phủ một lớp đất nung, bụi gốm. Đường vào làng cũng bụi mù mịt, nhất là khi ô tô, xe máy chạy qua.
 


Ông Hà Văn Lâm, Trưởng Ban đại diện Làng nghề gốm Bát Tràng cho biết, không chỉ thải bụi, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường, mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu.


 
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức đáng báo động, song người dân chỉ thực hiện các biện pháp đơn giản như phun nước để giảm bụi, đội mũ kín, đeo khẩu trang. Nếu không sớm áp dụng những phương pháp sản xuất sạch, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, sự phát triển bền vững tại Bát Tràng sẽ ngày càng bị đe dọa.


 
Đó tình trạng chung hàng nghìn làng nghề ở Việt Nam đang vướng phải nghịch lý giữa sự phát triển và vấn đề môi trường. Ở rất nhiều làng nghề, các chỉ số về ô nhiễm môi trường đã vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Trước hết, người dân ở chính các làng nghề phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra.


 
Nhận thức được điều đó nhưng để giải quyết bài toán này không phải chuyện dễ dàng.Nguyên nhân là các cơ sở sản xuất, hộ gia đình chỉ chú ý đến việc tăng doanh số, mặt hàng mà thiếu quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Tại khu vực sản xuất cũng như cống rãnh ở các làng nghề chế biến nông sản trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì đều có lượng chất thải lớn, bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhất là khi thời tiết nắng nóng và ách tắc cục bộ khi trời mưa.
 


Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do ý thức người dân. Nhiều người biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn vi phạm, trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa chú trọng việc kiểm tra, xử lý, nếu không nói là thiếu trách nhiệm đối với công tác này.


 
Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình không có kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn...
 


Bên cạnh đó, thiết bị, công nghệ sản xuất ở các làng nghề vẫn lạc hậu, mặt bằng thì chật hẹp. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quy mô sản xuất trong các làng nghề là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống ở địa bàn nông thôn hướng đếnnhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình; công nghệ sản xuất và thiết bị phần lớn ở trình độ lạc hậu, chắp vá, chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, vấn đề thu gom xử lý chất thải, khói bụi độc hại, nước thải của các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.


 
Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% số làng nghề có môi trường (không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) bị ô nhiễm nặng và có 27% ô nhiễm vừa. Hiện nay, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.




Vì vậy, để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý. Trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
 

Vĩnh Hảo

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn