Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
09:46 - 29/06/2015
(MTNT) -Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Ảnh minh họa


Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nhằm xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 17 là tiêu chí về môi trường, bao gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; các cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. 


 

Bảo vệ môi trường là một trong 1những tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu chung của tiêu chí này là: Bảo vệ môi trường, sinh thái, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn.





Có thể nói đây là một tiêu chí khó với nhiều chỉ tiêu cần thực hiện để đạt theo yêu cầu đề ra khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, đặc biệt đối với cộng đồng người dân sống ở khu vực nông thôn. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó là ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm môi trường không khí từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen đốt rác; chất thải rắn không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, nuôi trồng thuỷ sản không đúng qui định...




Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.  Trong đó, các hoạt động bảo vệ môi trường gồm: Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái, phát triển cây xanh.Về xử lý nước thải, Thông tư nêu rõ, việc xử lý nước thải phải phù hợp với điều kiện các vùng nông thôn, công nghệ đơn giản, chi phí đầu tư, chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp, quản lý vận hành đơn giản, dễ thực hiện. Nước thải chăn nuôi hộ gia đình phải thu gom, xử lý bằng các hình thức hầm biogas, hố ga lắng cặn, ao sinh học… trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã hoặc thải ra môi trường. Nước thải sinh hoạt phải thu gom, xử lý bằng các hình thức bể tự hoại, hố ga lắng cặn.




Đối với chất thải rắn, phải xử lý theo hình thức chôn lấp. Các bãi chôn lấp chất thải rắn ở xã nông thôn mới không có hệ thống thu gom rác thải chung của huyện, thành phố phải đáp ứng các yêu cầu như: đảm bảo quy mô sức chứa ít nhất 10 năm, có hàng rào cách ly với khu dân cư xung quanh; không có hiện tượng nước chảy tràn ra khỏi khu xử lý…



Một nhiệm vụ quan trọng khác để bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới là cải tạo, xây dựng ao hồ sinh thái, phát triển cây xanh. Theo đó, hệ thống ao hồ sinh thái trong khu dân cư phải đảm bảo tạo mặt bằng thoáng, điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan đẹp, có khả năng phát triển chăn nuôi, thủy sản, tạo nguồn lợi kinh tế.
Hệ thống cây xanh trong các xã nông thôn mới phải đảm bảo diện tích bằng hoặc lớn hơn 2m2/người. Không gian xanh trong nông thôn mới được gắn kết với nhau bằng dải cây xanh liên tục trên các đường liên xã, liên thôn và nội đồng. Ưu tiên trồng cây xanh ở các địa điểm công cộng như trụ sở xã, nhà trẻ, trường học, trạm y tế xã…



 
Môi trường là một trong 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện tiêu chí, huyện ĐăkGlong (Đắc Nông)đã nhận được sự tham gia ủng hộ của đông đảo nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.



 
Trong các tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí số 17 về môi trường là một tiêu chí khó thực hiện và được các cấp, các ngành huyện Đăk glong quan tâm trong việc triển khai thực hiện NTM. Chính vì thế, UBND Huyện Đăk Glong đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường như: Ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường , tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chỉ đạo với Phòng ban chức năng có liên quan tổ chức lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với mục tiêu 100% các xã, thị trấn trong huyện xây dựng được bãi tập kết rác thu gom rác thải sinh hoạt.




Huyện cũng đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy nội lực, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường; Lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hội phụ nữ đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh môi trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, thực hiện việc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường.




Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện tiến hành cam kết bảo vệ môi trường và đã được phê duyệt. Hàng năm, UBND huyện tiến hành các đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, nên hạn chế tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường.



 
 Bên cạnh đó, huyện Đăk Glong còn thành lập các tổ tự quản về vệ sinh môi trường ở 7/7 xã và các thôn, bon. Ban tự quản tại các thôn, bon, đã tích cực tuyên truyền và vận động người dân thực hiện bằng những việc làm cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, 100% hộ dân đã tự giác ký cam kết và tham gia mô hình này. Nhờ đó, tình hình vệ sinh trong khu vực thôn xóm đã cải thiện rõ rệt. Các hộ dân tự giác nhắc nhở nhau quét dọn nhà cửa, sân vườn và đoạn đường trước nhà mình hằng ngày, giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.



Tại  huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) sau hơn 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đã có 2 xã của huyện cơ bản đạt chuẩn về tiêu chí môi trường là Gia Điền và Mai Tùng. Số xã còn lại có trên 24.300 hộ đạt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, (đạt 85,7%). 100% các xã không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; 75% các xã đã xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch.





Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện hầu hết đã đáp ứng được chỉ tiêu về bảo vệ môi trường. Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, môi trường sống ở Hạ Hòa đã có những chuyển biến và được cải thiện đáng kể. Đặc biệt ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí về môi trường, huyện Hạ Hòa cần quan tâm đầu tư trang, thiết bị thu gom, vận chuyển rác, quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về vệ sinh môi trường nhằm xây dựng các khu dân cư xanh - sạch - đẹp, sớm đáp ứng được các tiêu chí trong xây dựng NTM.




 Những năm tiếp theo, huyện Hạ Hòa tiếp tục đề ra nhiều giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhân thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường trong đó chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khắc phục, phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình phối hợp với Sở Tư pháp, các ban ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức BVMT, đồng thời tích cực hưởng ứng tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...




 
Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải, nước thải. Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với tình hình mỗi địa phương. Ðể bảo vệ môi trường sống trong lành, các tỉnh đã xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình tự quản về BVMT, trong đó chi Hội Nông dân thamn gia thu gom, xử lý rác thải. 100% các xã, thị trấn đã thành lập đội vệ sinh môi trường tự quản đảm nhận việc thu gom, vận chuyển rác thải về khu tập kết tập trung; 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 78% số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.



 
Xã Quỳnh Mỹ huyện Quỳnh Phụ được chọn là 1 trong 10 xã điểm xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó, không những đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn mà còn cần có sự vào cuộc của người dân. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Quỳnh Mỹ tập trung thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường nhằm thay đổi những thói quen xấu, ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư kinh phí xây dựng khu xử lý rác thải tập trung. Nhờ đó, xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường và 16 tiêu chí khác, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới trong năm 2015.



Nhìn chung, vấn đề môi trường nông thôn cần phải được triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và tích cực mới đảm bảo được tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.



Mai Huê

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn