Một số giải pháp xử lý hóa chất BVTV tồn lưu
15:36 - 28/05/2015
(MTNT)- Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp, nhưng cũng thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu.
Ảnh minh họa


Ngoài mặt tích cực của hóa chất BVTV là tiêu diệt các sinh vật gây hại cây trồng, bảo vệ sản xuất, hóa chất BVTV còn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như phá vỡ quần thể sinh vật trên đồng ruộng, tiêu diệt sâu bọ có ích (thiên địch), tiêu diệt tôm cá, xua đuổi chim chóc. Phần tồn dư của hóa chất BVTV trên các sản phẩm nông nghiệp, rơi xuống nước bề mặt, ngấm vào đất, di chuyển vào nước ngầm, phát tán theo gió gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
 
Tuy nhiên, thời gian qua lượng hóa chất BVTV được sử dụng ở nước ta tăng quá nhanh. Hầu hết hóa chất BVTV tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu như trước năm 1985 khối lượng hóa chất BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 03 năm gần đây, hàng nămViệt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn, tăng gấp hơn 10 lần. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam nhập khẩu bình quân trên 70.000 tấn thành phẩm hàng năm với trị giá từ 210 - 774 triệu USD. Trên 90% hóa chất BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại VN đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí.  Tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật an toàn sinh học còn rất thấp và biện pháp phòng chống dịch hại chủ động theo hướng IPM (phòng chống tổng hợp) sử dụng công nghệ hóa học đang còn được áp dụng rất hạn chế.
 
Nhìn chung các loại hóa chất BVTV mà Việt Nam đang sử dụng có độ độc còn cao (nhóm độc I chiếm 11,8-22%, nhóm độc II 40-58,8%, nhóm độc III 11-30%, nhóm độc IV 10-17%), trong đó nhiều loại thuốc đã lạc hậu. Một số thuốc cũ đã hạn chế hoặc cấm sử dụng như Wofatox, Monitor, Kelthan, Azodrin, Thiodan… vẫn còn nông dân một số vùng trồng rau sử dụng.
 
Để xử lý hóa chất BVTV tồn lưu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước và Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2010-2015. Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành Thông tư số 43/2013/TT-BTNMT ngày 25/12/2013 về qui định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng xử lý hóa chất BVTV hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất.
 
Bên cạnh những giải pháp về chính sách, hiện nay có nhiều giải pháp về kỹ thuật đang được áp dụng để tiêu hủy hóa chất BVTV. Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Hội HCH và hóa chất trừ sâu (Mr.J.Vigen) đã phân chia các giải pháp công nghệ thành hai nhóm chính, đó là giải pháp đốt (combustion) và giải pháp không đốt (non-combustion).
 
Phương pháp đốt là phương pháp được áp dụng tại các nước Âu, Mỹ từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, để xử lý các hóa chất BVTV thành các chất vô cơ không độc hại như: CO2, H2O, Cl,… Đây thường là biện pháp cuối khi không còn cách tiêu hủy nào khác hữu hiệu và triệt để đối với những hóa chất, thuốc BVTV có độc tính cao, quá bền vững.
 
Đối với nhóm giải quyết đốt, có 02 loại hình công nghệ đang được áp dụng chính là lò đốt chất thải chuyên dụng và đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng. Hiện nay, ở nước ta có 02 đơn vị được cấp phép áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng để xử lý hóa chất BVTV POP là Công ty xi măng Holcim và Công ty xi măng Thành Công. Đối với các lò đốt chất thải chuyên dụng, có khá nhiều các lò đốt chất thải thông thường và chất thải nguy hại được áp dụng và cấp phép, tuy nhiên chưa có cơ sở nào được cấp phép để đốt hóa chất BVTV POP.
 
Nhóm giải pháp không đốt hiện có nhiều phương pháp đang được áp dụng tại Việt Nam, bao gồm: phương pháp cô lập triệt để, công nghệ chôn lấp, công nghệ khử bằng natri, phân hủy bằng tia cực tím hay công nghệ Fenton, công nghệ vi sinh…
 
So sánh giữa hai nhóm công nghệ đốt và không đốt cho thấy, nhóm công nghệ không đốt có rất nhiều các công nghệ cụ thể, đa dạng và phong phú hơn nhiều so với nhóm đốt. Các công nghệ thuộc nhóm đốt được quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ hơn qua các quá trình giám sát, quan trắc và cấp phép. Các công nghệ thuộc nhóm không đốt đã có những du nhập khá rõ ràng trong thời gian vừa qua, tuy nhiên cần nhiều thời gian để lựa chọn công nghệ phù hợp nhất, và cần thiết có các yêu cầu kỹ thuật chuẩn để áp dụng một cách đúng quy trình.
 
Cùng với những giải pháp về chính sách, kỹ thuật, các giải pháp về truyền thông cũng cần được đẩy mạnh như việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng hóa chất BVTV hiện hành một cách có ý thức.
 
Đến nay, kết quả triển khai các nhiệm vụ xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu của các cấp chính quyền và người dân đã được nâng lên rõ rệt. Sau khi ban hành và triển khai Kế hoạch, các Bộ và địa phương tích cực triển khai các chương trình điều tra, khảo sát và lập kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu. Đến nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường thông qua Dự án POP-PEST đã xử lý 09 khu vực ô nhiễm tại Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho 49 dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các khu vực ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu cho 12 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 242 tỉ đồng. Nguồn lực cho công tác khắc phục ô nhiễm các khu vực tồn lưu hóa chất BVTV đã tăng lên rõ rệt, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Ngoài ra, các Bộ, ngành và địa phương đều thúc đẩy hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực tài chính khác để góp phần triển khai thành công kế hoạch đề ra.
 
Hiện đã có khá nhiều các công nghệ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường được thúc đẩy và chuyển giao như: công nghệ Fenton, công nghệ sắt TAML, công nghệ nghiền bi, công nghệ giải hấp nhiệt, công nghệ đốt, đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng… Việc phát triển thị trường công nghệ sẽ góp phần giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu nói riêng và hoạt động bảo vệ môi trường nói chung.
 
Năm 2015, để thực hiện Đề án Tái cơ cấu và Phát triển nông nghiệp nông thôn trong lĩnh vực trồng trọt và thực hiện chủ đề “An toàn thực phẩm trong nước”, ngành Bảo vệ thực vật sẽ tập trung vào một số giải pháp chính, gồm: Tuyên truyền, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật IPM để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường thanh tra, kiểm tra kết hợp với việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sản xuất của cộng đồng, làm sao để đáp ứng yêu cầu vừa bảo vệ tốt được sản xuất, vừa cắt giảm được thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn nâng cao được hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, cho cộng đồng, đảm bảo sử dụng an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta.

Lê Tâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn