Hà Nội: Nan giải xử lý ô nhiễm làng nghề
15:35 - 29/04/2015
(Cổng TTĐT Hội ND)- Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút gần 750.000 người tham gia sản xuất, với hơn 175.000 hộ gia đình, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 HTX và 50 hội, hiệp hội. Trong đó số lao động tại 286 làng nghề được công nhận là gần 465.000 lao động, chiếm 79% tổng số lao động trong các làng nghề, với hơn 142.000 hộ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đã và đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới chất lượng sống của cư dân và gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Ảnh minh họa.

 
Tại làng nghề thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) chuyên tái chế lông vũ từ lông gia cầm và tái chế phế liệu, năm 2014, 100% nước thải trong sinh hoạt và sản xuất chưa được thu gom và xử lý tập trung. Rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất được thu gom ước tính khoảng 17-18 tấn/ngày đêm, tập kết tại 2 thôn. UBND xã đã ký hợp đồng với Xí nghiệp môi trường đô thị thu gom vận chuyển về nơi quy định để xử lý. Tuy nhiên, số lượng rác thải chưa được thu gom, vận chuyển kịp thời trong ngày còn nhiều dẫn đến phát sinh một số địa điểm chôn rác tự phát nằm ven làng gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Tại thôn Triều Khúc, một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt và sản xuất để lưu cữu chưa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.
 
Tại làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình, Thường Tín), nổi tiếng với nghề ủ da và sản xuất lược từ sừng trâu, sừng bò, nước thải xả trực tiếp ra cống làng, chảy xuống ruộng khiến hàng chục héc ta không thể canh tác được, không khí xung quanh nồng nặc mùi do quá trình ủ da trâu, bò.
 
Tại 61 làng có nghề ở huyện Quốc Oai, trong đó 16 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nước thải chung ở các cụm làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai đang ở mức báo động với nhiều chỉ tiêu vượt quá giới hạn từ vài chục tới… hơn 160 lần. Đáng báo động là chất lượng nước ngầm khu vực xã Cộng Hòa, Tân Hòa đang bị ô nhiễm nặng. Hàm lượng cyanua trong nước giếng đã vượt tiêu chuẩn cho phép 108 lần, nitơrat vượt 1,71 lần và số lượng khuẩn 236-241 con/100ml. Gây ô nhiễm nghiêm trọng là nhóm làng nghề chế biến nông sản, chế biến lâm sản và mộc dân dụng.
 
Theo kết quả điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tại các làng nghề sơn mài Hạ Thái, bánh dày Thượng Đình, cơ khí Liễu Nội (Thường Tín) và bún bánh Phú Đô (Từ Liêm) cho thấy, cả nguồn nước ngầm và ao hồ, kênh mương thủy lợi ở những nơi này bị ô nhiễm bởi các chất hóa học độc hại. Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm bởi COD, NH4, phenol; các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg khá cao. Nguồn nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi thì bị nhiễm độc bởi SS, BOD5, COD, NH4, NO2¸PO4, Hg, phenol, dầu mỡ, ecli, coliform... Môi trường đất đều có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng như đồng, kẽm tại tất cả các vị trí quan trắc... Còn theo kết quả khảo sát 43 làng nghề trên địa bàn thành phố của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động.
 
Ô nhiễm tại các làng nghề tại Hà Nội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, gây ra các bệnh về tiêu hóa và mắt, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi, họng, thần kinh... mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội.
 
Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là hầu hết các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, nằm trong khu dân cư, do mặt bằng chật hẹp nên khó xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Đại đa số các hộ sản xuất của làng nghề chưa đầu tư thích đáng nhằm giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, bụi, chất thải rắn. Nước thải sản xuất chưa qua xử lý cùng nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống thoát nước mặt. Công tác quản lý và những giải pháp bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức... Mặt khác, do ý thức và nhận thức của người dân làng nghề về bảo vệ môi trường còn chưa cao nên ô nhiễm môi trường trở thành mối đe dọa tới sinh thái, sức khỏe cộng đồng dân cư, đến sự tồn tại, phát triển của chính các làng nghề và là một trong những thách thức lớn, rất khó kiểm soát.
 
Tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề đang là vấn đề nan giải, khó kiểm soát, đe dọa tới sự phát triển bền vững. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện nhiệm vụ "Khắc phục và cải thiện môi trường tại các làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015. Sở Công thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội với kinh phí khoảng 1.350 tỷ đồng. Cụ thể, đến năm 2020 cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm; giai đoạn 2021 - 2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác...
 
Tại huyện Hoài Đức, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do các làng nghề trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn 2 xã: Sơn Đồng và Vân Canh. Theo đó, giai đoạn 2014-2016, triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, với tổng mức đầu tư 231,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội làm chủ đầu tư; giai đoạn 2014-2017, triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 139,9 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
 
Tuy nhiên, để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý..., trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.


Hoàng Phú
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn