(MTNT) - Phát huy những giá trị về biển trong phát triển kinh tế, cũng như các địa phương khác tỉnh Quảng Trị cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; nhất là tình trạng xả rác thải bừa bãi của cộng đồng dân cư ven biển và của du khách tại các bãi tắm, vào các kỳ nghỉ lễ đang ở mức đáng báo động.
|
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường. |
Quảng Trị có đường biển dài 75km, có nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và ngư trường khoảng 8.400km2 với nhiều loại hải sản qúy hiếm, có giá trị kinh tế cao với 4 huyện ven biển là: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và 1 huyện đảo Cồn Cỏ nằm cách bờ 28km. Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường biển và phát huy tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển tỉnh Quảng Trị không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững đã được tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai trong những năm qua. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt là cộng đồng dân cư ven biển về tác hại của rác thải đối với đời sống con người nói chung và đối với biển nói riêng.
Nhiều hoạt động, chương trình được tổ chức để tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường biển như: “Hãy làm sạch biển”, “Tuổi trẻ chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”, “Chủ nhật xanh làm sạch biển” để thực hiện nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường biển như: Thu gom, tiêu hủy rác thải; trồng các loại cây chắn gió tại khu vực ven biển; tuyên truyền, vận động người dân các xã ven biển thu gom rác thải…
Các hoạt động đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung và cư dân ven biển trong việc chung tay bảo vệ môi trường.
Phát huy lợi thế vùng cửa biển, những năm qua người dân thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã tập trung phát triển các ngành nghề chính là khai thác, đánh bắt và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá… trên địa bàn đã có đội tàu với hơn 200 chiếc.
Để phục vụ cho mỗi chuyến đi biển đánh bắt thuỷ sản, các chủ tàu sẽ phải mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết để sinh hoạt như: Mỳ tôm, nước khoáng, nước ngọt, túi ni lông để đựng thực phẩm… Bởi vậy, toàn bộ rác thải nhựa sau sử dụng nếu không có biện pháp thu gom, thì khả năng tất cả đều đổ xuống biển, gây ô nhiễm cho sinh vật biển và hệ sinh thái biển là điều khó tránh khỏi.
Nhận thức rõ vấn đề, vì vậy trong thời gian qua công tác tuyên truyền đã được các cấp Đảng uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội đoàn thể của thị trấn Cửa Việt tích cực triển khai thông qua hệ thống loa phát thanh, biển báo pano áp phích, các cuộc họp… đến người dân và đặc biệt là các chủ tàu trên địa bàn. Từ việc tuyên truyền đó mà các chủ đầu đã cùng nhau ký cam kết không vứt rác ngoài biển khơi.
Cồn Cỏ vốn là một đảo quân sự không có cư dân sinh sống, chỉ có các đơn vị bộ đội đóng quân tại đó. Từ khi thành lập huyện đảo để tập trung phát triển du lịch, trên đảo đã có một số hộ dân tình nguyện ra ở lại xây dựng đảo.
Những năm gần đây, Cồn Cỏ ngày càng thu hút nhiều du khách tới thăm quan. Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển đó là việc môi trường bị ảnh hưởng, lượng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi cũng tăng lên. Chính vì vậy, để giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường, chính quyền, người dân và những người làm du lịch huyện đảo Cồn Cỏ đã triển khai quy chế bảo vệ tài nguyên và môi trường, trong đó ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong bảo vệ tài nguyên - môi trường.
Bên cạnh đó, huyện Cồn Cỏ cũng phát động các phong trào “Nói không với túi ni lon”, “Chống rác thải nhựa”, “Bỏ rác đúng nơi quy định”, “sử dụng vật liệu thân thiện môi trường”… mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhờ sự đồng thuận cao của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, cấp cấp ủy, chính quyền địa phương, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội ND các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với Biến đổi khí hậu; Tích cực phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường gắn với xây dựng Nông thôn mới. Những nỗ lực đó đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân sống thân thiện với môi trường, đồng thời, khẳng định được vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội ND trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.