Xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun đất
15:26 - 28/09/2022
(MTNT)- Xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun đất giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chuyển hóa phân gia súc, gia cầm thành nguồn phân bón hữu cơ cao cấp cho cây trồng và tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng.
Giun đất có thể xử lý trực tiếp phân của các loại gia súc ăn cỏ.


Giun đất được sử dụng trong công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi là giun đỏ (Lumbricus rubellus), giun quế (Perionyx excavatus), giun hổ (Eisennia fetida), giun hổ đỏ (Eisenia fetida). Trong đó, hai loại giun được sử dụng phổ biến ở nước ta là giun đỏ và giun quế. Hai loài này thuộc nhóm ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, là những loài đã được thuần hóa, nhập nội và đưa vào nuôi thương phẩm ở nước ta hiện nay.
 
 
Sở dĩ có thể sử dụng giun để xử lý chất thải chăn nuôi là do trong ruột giun có chứa hàng triệu vi khuẩn hiếu khí có vai trò phân giải các sinh khối hữu cơ, hóa chất và cũng là tác nhân kích thích sinh học. Một quần thể giun 15 nghìn con tạo hàng tỷ vi khuẩn trong một thời gian ngắn. Chính quần thể vi khuẩn này giữ vai trò phân giải các chất hữu cơ của chất thải. Đồng thời trong ruột giun còn chứa nhiều các enzyme như protease, lipase, amylase, cellulose, chitinase cũng là những tác nhân phân giải các vật liệu giàu protein và chất xơ trong chất thải hữu cơ. Trong quá trình phân hủy chất thải, giun thải dịch chất từ ruột và dịch chất này có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong khối phân ủ. Chất thải khi đã được giun đất xử lý sẽ giảm sự độc hại đối với môi trường. Hơn nữa, các chất có thể làm tắc nghẽn hệ thống cống như rơm rạ, cặn bã thức ăn… ở trong môi trường nuôi giun đất sẽ mục rữa, có thể làm phân bón tốt cho cây trồng.
 
 
Phân thải động vật có thể xử lý bằng hình thức là đánh luống. Tuy nhiên, một số nơi có thể xử lý phân thải bằng giun đất trong thùng. Luống để nuôi giun có thể xây bằng gạch hoặc có thể quây bồ là được. Nếu nuôi giun bằng thùng, tùy theo quy mô chăn nuôi lớn nhỏ mà chuẩn bị thùng cho phù hợp. Thùng có độ lớn đảm bảo chứa hết lượng phân của vật nuôi và không làm thay đổi nhiệt độ trong thùng và có lỗ thoát nước khoảng 5 mm, để phía đáy thùng không quá bị ẩm ướt. Đáy thùng được lót một lớp rơm, rạ. Thùng đựng phân thải có nắp đậy kín đảm bảo giun không bò ra ngoài. Các thùng nuôi giun thường làm bằng gỗ, nhựa.
 
 
Nơi bố trí luống để xử lý phân thải bằng giun đất phải thoáng mát, không bị ngập úng và tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Chủ động nguồn nước sạch để tưới thường xuyên, đảm bảo độ ẩm. Có chất nền xốp, kết cấu tương đối thô, có khả năng giữ ẩm tốt.
 
 
Dù xử lý theo hình thức đánh thành luống hay trong thùng, cần có biện pháp hạn chế và tiêu diệt kiến. Luống phân nuôi giun cần được che chắn và bao lưới xung quanh để không cho các loại địch hại như: Vịt, gà, cóc, nhái,… ăn giun. Nơi bố trí luống hoặc thùng để xử lý phân thải bằng giun đất phải thoáng mát, không bị ngập úng và tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Chủ động nguồn nước sạch để tưới thường xuyên, đảm bảo độ ẩm. Có chất nền xốp, kết cấu tương đối thô, có khả năng giữ ẩm tốt.
 
 
Giun đất có thể xử lý trực tiếp phân của các loại gia súc ăn cỏ. Với phân của những loại gia súc nhỏ hay gia cầm cần phải đánh đống ủ hoai trước khi xử lý. Sau đó, đánh thành từng luống với độ dày 3 - 4 cm, rồi tiến hành thả giun giống. Bà con nên dùng giun sinh khối để làm giống, mật độ 9 - 20 kg/m2, tùy lượng phân hàng ngày, thường lượng giun thả nuôi tương ứng với lượng phân cung cấp hàng ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng giun tinh với lượng 1,5 - 2 kg/m2. Lượng giun thả nuôi phải tương ứng và tùy thuộc vào lượng phân cung cấp hàng ngày. Thường thả giun giống vào lúc sáng sớm, theo một đường thẳng ở giữa luống hoặc giải thành từng đám ở giữa mặt luống.
 
 
Giun có tập tính sống trong môi trường tối. Khi trời sáng, giun chui sâu xuống dưới tầng mặt nên cần che phủ mặt luống để tạo bóng tối cho giun lên mặt luống ăn thức ăn cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, cần thường xuyên tưới nước cho giun, đặc biệt trong những ngày hanh, nắng. Độ ẩm thích hợp của luống nuôi là 70%. Vào những ngày trời quá nắng cần có biện pháp che nắng và giảm nhiệt độ trong luống giun.
 
 
Hàng ngày bổ sung phân với độ dày khoảng 5 cm trên mặt luống. Có thể tiếp tục bổ sung thêm phân khi thấy bề mặt luống tơi xốp. Nếu sau 1 ngày thấy lượng phân còn thừa nhiều thì cần giảm lượng thức ăn hoặc thả thêm giun giống. Sau 20 - 30 ngày, tiến hành thu giun và phân giun 1 lần.
 
 
Để tăng hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi có thể kết hợp ấu trùng ruồi đen với giun đỏ hay giun quế nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi. Sự phối hợp hai loài này với nhau có tác dụng phân hủy rất tốt phân và các chất thải hữu cơ khác nhau do chất thải của ấu trùng ruồi đen được giun sử dụng làm thức ăn. Giun đỏ nuôi trên chất thải của ấu trùng ruồi đen lớn nhanh gấp 2 - 3 lần nuôi trên chất thải là phân ủ. Ấu trùng ruồi đen ăn chất thải thối rữa mà đôi khi giun đỏ không ăn, trong khi giun đỏ lại có thể ăn những chất xơ mà ấu trùng ruồi đen khó phân hủy. Hai loại côn trùng này phối hợp với nhau có tác dụng phân hủy rất tốt phân và các chất thải hữu cơ khác nhau.
 
 
Cũng có thể sử dụng ấu trùng ruồi đen và giun để xử lý chất thải đệm lót sinh học. Phân và nước tiểu của vật nuôi được vi khuẩn trong lớp đệm lót sinh học xử lý một phần, phần còn lại là nguồn thức ăn của ấu trùng ruồi đen, chất thải của ấu trùng ruồi lại là nguồn thức ăn của giun.
 
 
Mặc dù giun có thể sống trong điều kiện nhiệt độ 5 - 300C. Tuy nhiên, ở dưới 100C giun ít hoạt động, dưới 50C, giun ngủ đông, dưới 00C và trên 400C giun chết, ở nhiệt độ 28 - 300C giun hạn chế sinh sản hoặc di chuyển đến nơi ở khác. Nhiệt độ 25 - 280C là thích hợp nhất để giun sinh trưởng và phát triển, đồng thời giun có thể xử lý chất thải chăn nuôi tốt nhất. Vì vậy, trong điều kiện khí hậu ở nước ta thay đổi theo mùa, qua các vùng miền, cần có các giải pháp phù hợp để hạn chế tác động xấu của môi trường đến sinh trưởng, phát triển và khả năng xử lý chất thải của giun.
 
 
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun đất không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chuyển hóa phân gia súc, gia cầm thành nguồn phân bón hữu cơ cao cấp cho cây trồng mà giun đất còn được xem là nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, rất tốt cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản…. nhờ chứa hàm lượng protein tới 68-70% (tính trên lượng chất khô).
 
 
Tại Mỹ, Tom Herlihy - CEO R.T.Solution Inc đã sử dụng 8 triệu con giun đất xử lý môi trường trong trang trại nuôi bò, biến nguồn chất thải thành loại phân bón giàu dinh dưỡng. Nghiên cứu cho thấy, 1-2 lạng giun có thế xử lý tối đa khoảng 300kg rác thải. Trong 60 ngày, đội ngũ giun đã sản xuất ra 600 tấn phân hữu cơ cho nông nghiệp.
 
 
Tại thành phố Hà Nội, sau khi thí điểm thành công mô hình tái sử dụng phần lớn rác thải hữu cơ (70% là rác thải chợ) tại 5 hộ nông dân xã Lam Hồng, huyện Đông Anh và khu chợ Bưởi, chợ Long Biên, mô hình đã được mở rộng ứng dụng tại một số địa phương khác như huyện Mê Linh, các quận: Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai.
 
 
Theo đó, rác thải được thu gom từ các hộ gia đình, các khu chợ và được lựa chọn, phân loại riêng trước khi đem ủ. Thấy rác thải có dấu hiệu hoại mục thì thả giun vào, từ đó rác thải hữu cơ đã trở thành thức ăn nuôi giun. Chỉ cần 1 - 2 lạng giun đã có thể xử lý 300kg rác thải hữu cơ, với hiệu suất xử lý đạt 100%. Theo ghi nhận từ những người nông dân đang trực tiếp ứng dụng mô hình, sử dụng phân từ rác hữu cơ do giun xử lý để bón rau xanh mang lại hiệu quả rất tốt và đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đặc biệt lấy giun nuôi gà, vịt rất nhanh lớn, khỏe mạnh, thịt chắc, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
 
 
Để trồng tiêu không phân bón hóa học, nông dân xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song (tỉnh Đăk Nông) sử dụng giun trùn quế để sản xuất nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng tại chỗ. Theo ông Hà Văn Kuôn, phân bò từ các hộ chăn nuôi được gom lại, trở thành thức ăn cho trùn quế. Sau khoảng một tháng ủ thì bón cho cây tiêu.
 
 
So với loại phân hữu cơ thông thường, phân trùn quế chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, thời gian phân hủy nhanh hơn. Nguồn phân bón này góp phần mang sản lượng 34.400 tấn mỗi năm về cho vùng hồ tiêu 27.500ha tại Đắk Song, đáp ứng nhu cầu trong nước và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Nhật. Ngoài tiêu Nâm N’Jang, nhiều vùng sản xuất rau, cà phê nơi đây cũng nuôi giun để tạo phân.
 
 
Việc nuôi giun đất để xử lý ô nhiễm môi trường đã được nhân dân ta áp dụng từ lâu. Nếu ta suy nghĩ sử dụng giun đất vào việc làm sạch môi trường chắc chắn sẽ có nhiều hướng hay. Điều này cho thấy giun đất là người bạn tốt của chúng ta trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trọng Sơn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn