Xử lý ô nhiễm môi trường nhờ ruồi lính đen
11:36 - 27/09/2022
(MTNT)- Nhắc tới những loại ruồi, muỗi hay các loại côn trùng khác, chúng ta thường biết tới với những tác hại của chúng đối với sức khỏe con người. Nhưng có một loại côn trùng lại có rất nhiều lợi ích với các loại động, thực vật và môi trường xung quanh con người, đó là ruồi lính đen. Đây là giống côn trùng mà Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) công nhận được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho các thức ăn cho một số vật nuôi.
Thức ăn của ruồi lính đen khá đa dạng, từ phân bón chăn nuôi, đến các loại rác thải thực phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.


Ruồi lính đen có tên khoa học là là Hermetia Illucens, là loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H.illucens. Ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, dài 12–20 mm. Chúng có vòng đời khoảng 45 ngày. Ấu trùng của ruồi đen là loại côn trùng phàm ăn, ấu trùng có hàm lượng dinh dưỡng cao nên được gọi là sâu canxi. Ruồi lính đen là loại sinh vật đặc biệt dễ nuôi, sinh sản rất nhanh. Chi phí dành cho nuôi ruồi rất thấp, trại nuôi không cần tốn nhiều diện tích và cũng không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
 
 
Ruồi lính đen được coi là loài không gây hại, phân bố khắp nơi trên thế giới và không mang các tác nhân gây bệnh như ruồi nhà. Ấu trùng ruồi lính đen có thể sinh trưởng rất nhanh. Một ấu trùng có thể ăn 25 - 500 mg thức ăn tươi/ngày. Thức ăn của chúng khá đa dạng, đồng thời cũng là chất nền, từ phân bón chăn nuôi, đến các loại rác thải thực phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Một chu kỳ sinh trưởng của ấu trùng ruồi lính đen kéo dài 15 ngày tới khi đạt trọng lượng trung bình 0,25 g trong điều kiện nhiệt độ tối ưu (30ºC). Khi chuyển sang giai đoạn nhộng đen, chúng sẽ được loại bỏ tác nhân gây bệnh, giảm mùi hôi và ngăn chặn tiếp xúc với ruồi nhà.
 
 
Thành phần dinh dưỡng của ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng là: 43 - 51% protein, 15 - 18% chất béo, 2.8 - 6.2% canxi, 1 - 1.2% phốt pho, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi như lợn, gà, vịt,… đồng thời là thức ăn sống tốt nhất để nuôi các động vật đặc sản như tôm, cua, cá, lươn, ếch.
 
 
Ngoài ra, ấu trùng ruồi có thể cô đặc, sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng của ruồi lính đen khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Đây là loại mồi sống rất thích hợp cho làm thức ăn cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Chúng còn bổ sung canxi và phốt pho cho gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng,… giúp bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, kích thích ra lông tốt,… Ngoài ra, ruồi lính đen còn rất phù hợp với nhiều loại thú cưng khác như cá cảnh, chim cảnh, bò sát, kỳ tôm (rồng đất),… Trứng của ruồi lính đen nở thành nhộng là thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi. Ấu trùng của chúng là thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản. Chính từ lợi ích nhiều mặt của ruồi lính đen, trên thị trường gần đây xuất hiện nhiều mô hình nuôi ruồi lính đen làm nguồn thức ăn hữu ích cho nhiều loại vật nuôi.
 
 
Ruồi lính đen giúp xử lý rác thải nông nghiệp một cách triệt để đồng thời thải ra lượng hữu cơ và phân bón giàu dinh dưỡng. Đây là một loại ruồi được nhiều nước trên thế giới sử dụng để phân hủy rác thải hữu cơ trong nông nghiệp, làng nghề rất hiệu quả.
 
 
Khi sử dựng ruồi lính đen để xử lý rác thải, ấu trùng tiết ra emzim giúp tiêu hủy chất hữu cơ động vật, hữu cơ thực vật và phân hữu cơ vì loại enzim này có khả năng phân hủy được cả xenlulo và protein. Hàm lượng protein trong ấu trùng đạt cao nhất sau 2 - 3 tuần tuổi. Việc sử dụng nguồn protein từ ấu trùng ruồi lính đen vừa đem lại lợi nhuận khổng lồ, vừa giúp giảm thiểu lượng chất thải hữu cơ trong tự nhiên. Qua đó, giúp tạo ra nguồn protein bền vững, đồng thời kiểm soát được chất thải ra môi trường.
 
 
Thực tế khi cho ấu trùng ruồi lính đen ăn các phế phẩm từ nhà hàng, kết quả khả năng phân hủy thực phẩm thải của ruồi lính đen là rất nhanh và hiệu quả. Khoảng 50% lượng phế phẩm được chúng phân hủy trong vòng 24 giờ, qua đó cho thấy chúng có khả năng tiêu thụ một lượng lớn phế phẩm khoảng 100 - 200 tấn mỗi ngày.
 
 
Trong thế giới tự nhiên, ấu trùng ruồi lính đen được biết đến như là một kẻ phàm ăn nhất. Với cấu trúc miệng lớn và mạnh, ấu trùng ruồi lính đen ăn tất cả các chất thải hữu cơ một cách nhanh chóng trước khi các hợp chất hữu cơ có thời gian phân hủy và tạo ra mùi hôi; do đó, loại bỏ được mùi hôi của rác. Chỉ với 1 mét vuông ấu trùng có thể ăn tới 40 kg phân lợn tươi mỗi ngày và cứ 100 kg phân có thể sản xuất ra 18 kg ấu trùng. Thành phần của ấu trùng ruồi: 42% protein, 34% chất béo. Đặc biệt, protein của ấu trùng ruồi rất giàu lysine; trong chất béo của ấu trùng ruồi đen có tới 54% là axit lauric, một axit có tác dụng tiêu diệt virus có vỏ bọc bằng lipid (như virus HIV, sởi) cũng như Clostridium và các protozoa gây bệnh.
 
 
Khi ăn, ấu trùng thải ra một lượng phân rất nhỏ so với khối lượng chất thải chúng ăn vào. Theo các nghiên cứu, chỉ bằng phương pháp ăn vào và tiêu hóa, ấu trùng có thể làm giảm từ 80 - 90% lượng chất thải cùng bất kỳ các mầm bệnh nào.
 
 
Phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác thải hữu cơ không gây ra mùi hôi, không tạo ra nguồn nước thải, không tạo ra hiệu ứng nhà kính, lại làm giảm thể tích chất thải đến 90%. Một ưu điểm khác đáng được quan tâm là do lượng chất thải hữu cơ nhanh chóng được giảm thiểu và tái chế (thông qua ấu trùng) tại các hộ gia đình, nên sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải hữu cơ.
 
 
Điều lý thú nữa là với số lượng lớn ấu trùng ruồi lính đen ăn và thải phân, ấu trùng tạo ra một loại chất gây bất lợi đối với việc đẻ trứng và quá trình nở ra của các loại ruồi và côn trùng khác. Đó là chưa kể đến việc do phàm ăn, nên ấu trùng ruồi lính đen cũng trực tiếp tranh giành lượng thức ăn của các loại ấu trùng khác. Ấu trùng ruồi lính đen cũng là nguồn thức ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng để nuôi gà, vịt, cá…
 
 
Ruồi lính đen còn giúp phân hủy rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ chất lượng cao, giàu dinh dưỡng góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường tự nhiên. Phân ấu trùng ruồi lính đen còn lại (trông như bã cà phê, màu đen hoặc nâu đậm và nhuyễn) được xem như là một loại phân hữu cơ, giàu dinh dưỡng và nhiều lợi khuẩn, có thể dùng để bón bổ sung cho cây trồng hoặc cải tạo đất bạc màu. Ngoài ra, phân của chúng cũng được sử dụng làm thức ăn rất tốt cho các loài trùn, như trùn quế.
 
 
Anh Trình Huy Hoàng ở thôn 10, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) là một thành viên của Tổ nghề cá xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, hiện gia đình anh đang nuôi 50.000 con cá lăng nha trên lòng hồ Thác Mơ. Chi phí để nuôi cá rất tốn kém, trung bình mỗi ngày phải cho ăn 02 bao cám trị giá khoảng 700.000 đồng.
 
 
Để giảm chi phí đầu tư, anh đã mạnh dạn mua 100g trứng ruồi lính đen về ấp thử (khi đó trứng ruồi có giá bán trên thị trường là 15 triệu đồng/kg). Sau một thời gian nuôi nhận thấy chúng phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, từ 100g trứng có thể ấp nở ra 300kg sâu canxi. Thức ăn cho sâu canxi rất đơn giản là các phế phụ phẩm nông nghiệp như trái cây hư hỏng, thức ăn thừa, cám gạo, bã đậu … các loại thức ăn này rất dễ kiếm. Nuôi ruồi lính đen thuận lợi, anh đã vay 10 triệu đồng Quỹ HTND huyện đầu tư 150m2 nhà lưới để nuôi và nhân đàn.
 
 
Thức ăn của ruồi là các loại thức ăn dư thừa của gia đình và phế phẩm nông nghiệp như rau củ quả hư hỏng nên để lâu sẽ có mùi hôi. Để hạn chế mùi hôi anh dùng thêm các loại chế phẩm men vi sinh để khử mùi. Đến nay, gia đình anh đã nuôi thành công ruồi lính đen và có nguồn thức ăn bổ sung đều đặn cho đàn cá nuôi. Trung bình mỗi ngày anh cho cá ăn bổ sung sâu canxi nên giảm được lượng cám xuống còn 400.000 đồng/ngày (tiết kiệm được 300.000 đồng/ngày). Ngoài ra anh còn bán sâu canxi cho khách hàng có nhu cầu với giá 15.000 đồng/kg, trứng ruồi anh bán với giá 5 triệu đồng/kg. So với chi phí để sản xuất ra 01kg sâu canxi (chỉ 5.000 đồng/kg) thì mô hình đã mang lại hiệu quả đáng kể.
 
 
Ngoài nuôi cá, anh còn sử dụng sâu canxi cho đàn gà của gia đình ăn thêm. Chất thải của ấu trùng được anh thu gom bón cho cây trồng. Hiện anh đang trồng 2 sào đu đủ để tận dụng nguồn phân bón từ việc nuôi ruồi.
 
 
Có thể thấy, xử lý rác thải hữu cơ là các phụ phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường bằng ruồi lính đen là một giải pháp đa lợi ích. Không những xử lý được trác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng mà còn tạo ra nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho động vật, thủy sản giúp giảm chi phí sản xuất, kỹ thuật nuôi đơn giản, không tốn diện tích, chi phí thấp phù hợp với các nông hộ. Đây là một trong các mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ mà chúng ta đang hướng tới.
Minh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn