|
Nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt hiện đang có xu hướng gia tăng |
Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón tràn lan đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực và hiện chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để. Để khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cần các chính sách khuyến kích sử dụng cần ưu tiên và cụ thể hơn.
Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cắt giảm các điều kiện trong việc công nhận thuốc bảo vệ thực vật sinh học; giảm thuế nhập, thuế sản xuất trong nước. Ngoài ra, việc nghiên cứu các sản phẩm phải có trọng điểm, tránh tràn lan rồi sản phẩm không đưa được vào ứng dụng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, đất đồi núi miền Bắc bị trôi khoảng 1cm đất mặt, nghĩa là mỗi ha đất mất đi trên 100 khối đất, tương đương 100 tấn đất màu mỡ. Hơn thế, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, hiện tượng phá rừng, canh tác chưa tuân theo đường đồng mức, thiếu phân hữu cơ, đặc biệt là thói quen sử dụng các loại phân gốc chua, phân tan nhanh đã vô tình khiến quá trình thoái hóa đất ngày càng mạnh.
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là một trong những vật tư quan trọng, góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Song hiện nay việc sử dụng phân bón của nông dân còn rất nhiều bất cập như việc chưa biết lựa chọn phân bón phù hợp với đất đai và cây trồng; nông dân chủ yếu sử dụng phân hóa học, dùng nhiều loại phân bón tan nhanh, kỹ thuật bón không đúng cách, bón phân không cân đối các chất dinh dưỡng đa – trung - vi lượng... gây ra sự lãng phí rất lớn.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), tính trung bình tỷ lệ thất thoát phân bón ở nước ta chiếm tới 50%, Đó là chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng làm tăng nguy cơ dịch bệnh, từ đó phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn. Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, gây ra suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Có thể thấy, nguyên nhân của tình trạng lạm dụng phân bón là do tập quán canh tác cũ và đa số nông dân chưa được đào tạo, tập huấn về sử dụng phân bón.
Thực tế cho thấy, để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân đã tăng lượng phân bón gấp 2 - 3 lần, thậm chí 5 - 7 lần so với nhu cầu, dẫn đến dư thừa lượng nitrat trong rau, củ, quả, gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Theo thống kê từ FAO – Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, phân bón hóa học quyết định 50% tổng lượng nông sản tăng thêm. Ở Việt Nam, trung bình phân bón hóa học làm tăng 35% tổng lượng nông sản.
Phân bón hóa học được sử dụng một lượng rất lớn mỗi năm và là vật tư không thể thiếu đối với nông dân để tăng sản lượng cây trồng. Đây là vấn đề đáng báo động cho môi trường khi phân bón hóa học đang bị lạm dụng quá mức trong sản xuất. Vậy tác hại của phân bón hóa học ảnh hưởng đến môi trường và chúng ta như thế nào.
Trước hết việc lạm dụng phân bón hóa học làm ảnh hưởng đến chất lượng đất. Sử dụng quá nhiều phân bón hoá học có thể làm thay đổi và gây mất cân bằng môi trường đất tự nhiên.
Các chất độc hại từ phân bón hoá học sẽ thấm dần vào đất, tăng mức độ acid, khiến đất đai bị chua, bạc màu. Bón phân vô cơ quá mức sẽ gây chết các loài sinh vật tự nhiên trong đất, khiến nguồn đất dần mất đi độ tơi xốp, màu mỡ.
Đất không thể dùng để trồng trọt hoặc nếu có cây trồng sẽ còi cọc, không có nông sản hoặc nông sản thu hoạch kém chất lượng.
Ngoài ra, các chất hóa học dễ hòa tan có trong phân bón sẽ lẫn vào nguồn nước sinh hoạt, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các sinh vật sống trong nước. Không những vậy, sức khoẻ của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng khi sử dụng phải nguồn bị nhiễm chất hóa học này.
Chất hóa học trong phân tan vào nước lâu ngày sẽ sinh ra hiện tượng “phú dưỡng hóa”.Hiện tượng này làm nước màu xanh lục, hôi thối, nhiều bọt, rong tảo gây chết các sinh vật trong nước.
Đồng thời việc lạm dụng phân bón ảnh hưởng đến thực vật và hệ sinh thái vì chất hóa học trong phân sẽ tiêu diệt các vi sinh vật tốt cho đất, ngăn cản sự hấp thụ các dưỡng chất cần thiết có trong tự nhiên, cây bị sốc và rối loạn chất dinh dưỡng, cây còi cọc, kém phát triển dẫn đến nông sản thu hoạch kém chất lượng.
Mặt khác lạm dụng phân bón hóa học quá nhiều sẽ khiến tồn dư chất độc hại trên nông sản. Nếu không rửa sạch trước khi chế biến thì lượng chất hóa học này sẽ dần ngấm và tích tụ trong cơ thể chúng ta.
Một số trường hợp sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm, hình thành nên một số loại ung thư và nặng nhất là dẫn đến tử vong nếu dùng quá nhiều nông sản có chứa chất hóa học độc hại.
Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%.
Việc người dân sử dụng bừa bãi các loại phân bón vô cơ không theo khuyến cáo của nhà sản xuất là nguyên nhân chính gây sản phẩm rau không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Gây lãng phí và ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đất, nguồn nước.
Thời gian gần đây, phân hữu cơ được sử dụng khá phổ biến ở một số vùng chuyên canh rau là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sử dụng cá loại phân hữu cơ, đặc biệt là các loại phân ủ chưa hoai và rác thải chưa được chế biến, có thể gây ô nhiễm môi trường. Nếu trong phân có mầm bệnh cũng là một nguyên nhân gây mất an toàn cho rau.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm.
Kiên Vy
Nguồn:
https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/giai-phap-bao-ve-moi-truong-trong-san-xuat-nong-nghiep-ben-vung.html
https://uphanhuuco.com/bi-quyet-han-che-tac-hai-cua-phan-bon-hoa-hoc-den-moi-truong-song-1769.html
https://moitruong.net.vn/o-nhiem-moi-truong-tu-phan-bon-hoa-hoc-bai-1-nong-dan-lam-dung-trong-trong-trot-11972.html