Hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi từ đệm lót sinh học
15:10 - 25/08/2022
(MTNT)- Ngành chăn nuôi đang đứng trước cơ hội phát triển ngày càng nhanh nhưng những hệ lụy về ô nhiễm môi trường liên quan đến chất thải chăn nuôi đang ảnh hưởng xấu đến đời sống và môi trường. 
Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái hạn chế gây ô nhiễm môi trường; không có mùi hôi thối từ phân, nước tiểu của vật nuôi; hạn chế ruồi muỗi phát sinh.


Đến nay, nhiều công nghệ sinh học được các chuyên gia nghiên cứu ứng dụng vào việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi như: Công trình xử lý nước thải chăn nuôi bằng khí sinh học – hầm biogas, công nghệ đệm lót sinh học, công nghệ oxy hóa… Trong đó, đệm lót sinh học được đánh giá cao vì nó là giải pháp mang nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với các công nghệ khác.


Đệm lót sinh học dùng cho chăn nuôi lợn, bò, gà thường là một lớp đệm dày từ 10 - 60cm bao gồm tro than hút ẩm, trấu và rơm cắt nhỏ… được trộn với chế phẩm vi sinh có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu, hình thành một lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi. Đối với chăn nuôi lợn, lượng nước có thể tiết kiệm tới 80%, chi phí lao động cũng giảm 60% do không phải tắm cho lợn và rửa chuồng. Ngoài ra, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái còn hạn chế gây ô nhiễm môi trường do chất thải được phân hủy hoàn toàn ngay tại chuồng nuôi; không có mùi hôi thối từ phân, nước tiểu của vật nuôi do hệ men vi sinh vật trong chế phẩm sử dụng đã cạnh tranh và diệt hết các vi sinh vật có hại và các vi sinh vật gây mùi khó chịu; không còn nước để ruồi muỗi sinh sản, đẻ trứng nên hạn chế ruồi muỗi phát sinh. Các mầm bệnh, nguyên nhân lây lan và bùng phát các bệnh dịch bị tiêu diệt hoặc hạn chế tới mức thấp nhất.
 
 
Tại tỉnh Lai Châu, hộ anh Đoàn Văn Kiên - tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên là điển hình về cơ sở chăn nuôi tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm, chủ động từ nguồn con giống đến khai thác chế biến nguồn thực phẩm và thành phẩm bán ra thị trường với nhiều loại khác nhau. Sản phẩm thịt bò sấy, thịt trâu sấy tại cơ sở này cũng đang được huyện xây dựng trở thành sản phẩm OCOP trong năm nay.
 
 
Với quy mô trung bình khoảng 50 con bò (3B, lai Sind) sinh sản và hàng trăm con lợn, cơ sở chăn nuôi của gia đình anh đã sử dụng đệm lót sinh học trong khu chuồng trại chăn nuôi bò. Nhờ đó, không còn mùi hôi làm ô nhiễm môi trường xung quanh; không tốn công thu dọn phân gia súc mà vật nuôi lại sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh.
 
 
Cơ sở chăn nuôi của anh Kiên được đổ bê-tông toàn bộ nền chuồng và làm hệ thống cống ngầm chắc chắn. Lớp men sinh học có kèm theo mùn cưa, trấu rắc trên nền bê-tông với độ dày khoảng 20cm. Theo quy trình sử dụng đệm lót sinh học, cứ 6 tháng lại thu phân chuồng và rắc men một lần.
 
 
Nếu tính chi phí cho nhân công dọn chuồng nuôi gia súc, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, với quy mô chuồng trại hiện tại, gia đình anh Kiên phải cần đến 5-10 người thực hiện trong 2 ngày. Với giá 200 nghìn đồng/ngày thì tổng chi phí riêng cho công tác vệ sinh chuồng trại có thể lên đến 1-2 triệu đồng/ngày. Nhưng nếu sử dụng đệm lót sinh học, khi độ dày của lớp phân gia súc lên khoảng 40cm thì đến lúc thu dọn chỉ cần 2 nhân công là đủ. Số tiền anh thu về từ bán nguồn phân chuồng cũng cao. Với giá 27.000 đồng/bao phân, mỗi lần thu hót phân tính lên đến hàng nghìn bao, tương đương khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này tiếp tục tái sử dụng đầu tư phục vụ chăn nuôi.
 
 
Đây là mô hình chăn nuôi tập trung quy mô trang trại gắn với an toàn sinh học, bảo vệ môi trường duy nhất trên địa bàn thị trấn đến thời điểm hiện tại. Nhận thấy lợi ích của mô hình này, hiện, Hội ND thị trấn đang định hướng, hỗ trợ kỹ thuật nếu các hộ chăn nuôi có nhu cầu áp dụng bằng phương pháp này.
 
 
Ở tỉnh Thái Bình, gia đình anh Phạm Văn Sáng ở xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà là chủ trang trại bò rộng 01ha với 100 con bò giống gồm: 3B, Brahman, lai Sind trọng lượng trên 500kg/con, nhưng khu chuồng nuôi lúc nào cũng khô ráo, thoáng mát và không hề có mùi hôi.
 
 
Trước đây, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, anh Sáng phải dành khá nhiều thời gian để tắm cho bò, rửa chuồng, gom chất thải. Song, từ khi sử dụng đệm lót, chỉ cần dành 1 - 2 giờ để đảo đệm lót, toàn bộ phân và nước tiểu đều được hấp thu và chuyển hóa thành phân hữu cơ vi sinh.
 
 
Mỗi lượt đệm lót anh sử dụng khoảng 1 tháng. Đệm lót có chứa rất nhiều vi sinh vật có lợi nên sẽ sinh nhiệt, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, từ đó góp phần tăng sức đề kháng và giảm bệnh tật, giúp đàn bò lớn nhanh. Nhờ nuôi bò vỗ béo, anh đạt thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, anh quyết định áp dụng đệm lót sinh học cho toàn bộ chuồng trại, liên kết với các hộ nông dân để tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất.
 
 
Tại Nghệ An, từ khi triển khai Dự án “Thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 xây dựng mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi (lợn, gà) nhằm góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Sở KH&CN tỉnh thực hiện. Đến nay phong trào chăn nuôi trên nền đệm sinh học đã được triển khai đến hầu hết các hộ chăn nuôi trong tỉnh.
 
 
Tiêu biểu như 30/168 hộ chăn nuôi ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu được thử nghiệm sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà. Tất cả các chuồng nuôi đã giảm thiểu được mùi hôi, chất thải của gà được phân hủy trực tiếp trên đệm lót.
 
 
Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đưa chế phẩm sinh học Balasa N01, với các chủng vi sinh vật có khả năng phân giải chất thải của vật nuôi và ức chế hoặc tiêu diệt vi sinh vật có hại hoặc lên men gây thối rữa; được phối trộn với các nguyên liệu có độ xơ cao như mùn cưa, trấu, lõi ngô nghiền để tạo nên hỗn hợp làm đệm lót chăn nuôi. Nhờ hoạt động của các vi sinh vật trong nền đệm lót mà phân của động vật được xử lý, không còn mùi hôi thối, hạn chế ruồi muỗi. Quá trình nuôi không cần dọn phân, không cần tắm và rửa chuồng cho vật nuôi nên giảm công lao động, nước, điện, giảm tỷ lệ bệnh cho vật nuôi. Khi vật nuôi ăn men vi sinh từ đệm lót sẽ giúp tiêu hóa tốt thức ăn, làm tăng khả năng hấp thu axit amin, qua đó tăng độ mềm, vị ngọt tự nhiên cho thịt vật nuôi. Đồng thời, giá thành để đầu tư làm đệm lót cho 1m2 nền chuồng chỉ khoảng 235.000 đồng, 1 lần đầu tư có thể sử dụng trong 4-6 năm, đa số các hộ chăn nuôi đều có thể chấp nhận được.
 
 
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc ứng dụng đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi đã được nhiều hộ chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn trên địa bàn tỉnh áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Một trong những trang trại tiên phong áp dụng đệm lót sinh học là trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba (huyện Châu Đức). Trang trại này có vụ nuôi đến 9.000 con gà nhưng không phải thuê một nhân công nào mà chỉ sử dụng 4 lao động gia đình. Việc sử dụng men Balasa N01 làm đệm lót sinh học đã giúp xử lý phân gà rất hiệu quả, gia đình ông đỡ tốn công sức dọn vệ sinh và đàn gà cũng khỏe mạnh nhờ môi trường chuồng trại luôn tốt.
 
 
Trước kia chưa sử dụng men Balasa N01, việc nuôi gà của gia đình ông tốn kém nhiều công lao động, bởi sau 1 tháng tuổi (bắt đầu tuần tuổi thứ 5) lượng chất thải từ phân gà quá lớn nên cứ 2 ngày phải làm vệ sinh chuồng gà 1 lần, mỗi lần dọn phải thay trấu mới, phun thuốc sát trùng… Riêng tiền mua trấu cho mỗi lứa gà đã lên đến hơn 10 triệu đồng, cộng với tiền nhân công cho 5 người thì mỗi lứa gà “ngốn” vài chục triệu đồng mà vẫn không khắc phục được mùi hôi thối.
 
 
Với 650m2 diện tích chuồng trại, mỗi đợt nuôi gia đình ông Tam chỉ bỏ ra khoảng 3 triệu đồng tiền men Balasa N01 để xử lý nhưng lại bảo đảm vệ sinh, tiết kiệm lao động. Hiện số gà hơn 1 tháng tuổi tại trang trại của ông Tam đã lên đến 6.000 con nhưng vẫn sạch sẽ, không có mùi hôi thối.
 
 
Kể từ khi sử dụng đệm lót sinh học Balasa N01, các loại bệnh thường phát sinh trên đàn gà đã giảm đáng kể. Đàn gà của ông Tam đạt tỉ lệ sống đến 95%, gà phát triển nhanh, khỏe mạnh và nhờ đó hiệu quả kinh tế rất cao. Tính ra lợi nhuận thu về trên mỗi con gà lên đến 40 ngàn đồng.       
 
 
Hộ ông Vũ Ngọc Bích, chủ trại lợn giống Trang Linh tại xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) từ năm 2012 đến nay đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái trên nền đệm lót sinh học. Theo đó, trên tổng diện tích chuồng nuôi 7.000m2, ông nuôi gần 3.000 lợn nái. Sau khi áp dụng phương pháp nuôi trên đệm lót sinh học, nền chuồng được làm ấm nên bệnh tiêu chảy giảm từ 70% xuống còn 10% so với trước; bệnh viêm phổi ở lợn và viêm khớp hầu như không có. Đối với lợn nái nuôi con thì mau lên giống, lợn nái sau cai sữa 2 - 3 ngày đã lên giống thay vì 5 - 7 ngày theo phương thức nuôi cũ. Đặc biệt, lợn nái không còn hiện tượng chết đột ngột do phải phun thuốc sát trùng. Ngoài ra, nuôi lợn nái trên nền đệm lót sinh học còn giúp tiết kiệm điện, nước, nhân công, hạn chế tối đa ruồi muỗi và mùi hôi.
 
 
Theo các hộ chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, với phương pháp này, một lao động có thể nuôi được 800 con lợn thịt, trọng lượng lợn cũng tăng 5% so với chăn nuôi thông thường, tổng chi phí cho một lợn nuôi thịt giảm khoảng 400 ngàn đồng. Đặc biệt, các sản phẩm sản xuất ra từ hệ thống chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bán được giá cao hơn. Sau một thời hạn sử dụng, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng bón cho cây trồng như phân hữu cơ vi sinh rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao.
 
 
Ngoài chức năng xử lý khí thải chăn nuôi, đệm lót sinh học còn được ứng dụng để xử lý rác thải làm phân bón hữu cơ, xử lý bã thải các nhà máy thực phẩm, nhà máy chế biến thủy sản, xử lý nước thải ô nhiễm. Với những thành tựu trong xử lý chất thải ô nhiễm, phương pháp này còn được gọi là phương pháp chăn nuôi không chất thải, phương pháp chăn nuôi tự nhiên hay phương pháp chăn nuôi sinh thái- một lựa chọn hợp lý cho bà con nông dân.

Văn An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn