Lợi ích từ công nghệ tưới tiết kiệm nước
14:11 - 24/08/2022
(MTNT)- Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đang được nhiều bà con nông dân nước ta đầu tư vì đem lại nhiều lợi ích, nhất là tiết kiệm nước và nhân công.
3 hình thức tưới tiết kiệm nước đang được bà con áp dụng gồm: Tưới nhỏ giọt, tưới nước phun sương, tưới nước phun mưa cục bộ.


Hiện có một số hình thức tưới tiết kiệm nước bà con đang áp dụng như: Tưới nhỏ giọt giúp giảm đến hơn 70% lượng nước tưới cho cây trồng, không chỉ vậy, cây vẫn có thể hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng, duy trì độ ẩm tối đa; tưới nước phun sương có thể tiết kiệm nước tưới đến 60%, điều tiết theo thời tiết giảm nhiệt độ trong khoảng 2-5 độ C (tuỳ điều kiện), phù hợp với các loại hoa, cây cảnh, hoa màu ưa ấm, đồng thời bảo vệ bộ lá của cây trồng, tránh tình trạng bị dập nát; tưới nước phun mưa cục bộ tiết kiệm nước khoảng 40%, tuy vẫn được nhiều nông dân áp dụng nhưng kém phổ biến vì bị hạn chế khu vực tưới tiêu.
 
 
Tại Lạng Sơn, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cho 7 hộ thuộc 2 xã: Chi Lăng, Hoà Bình với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Đến hết năm 2020, mô hình đã được mở rộng với tổng số 15 hộ thực hiện.
 
 
Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng có 0,4 ha bưởi – một trong các hộ được hỗ trợ và đối ứng của gia đình với tổng kinh phí khoảng 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, mỗi lần tưới, ông chỉ cần vận hành hệ thống và tưới trong thời gian 2 tiếng là xong. Trong khi trước đây, mỗi lần tưới cần 2 người và phải tưới liên tục 1 ngày mới xong. Hình thức tưới này có ưu điểm vượt trội đó là tiết kiệm nước, thời gian và nhân công.
 
 
Bên cạnh đó, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng tích cực ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm. Điển hình như HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát (huyện Cao Lộc) chuyên sản xuất cây trồng giá trị cao như: Dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây… Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, HTX đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới áp dụng cho diện tích 5.500 m2. Công nghệ này đã giúp tiết kiệm nước tới 30 - 40% so với tưới thông thường. Nếu như trước đây, trên cùng một diện tích, HTX phải mất 30.000 lít nước tưới thì khi áp dụng cách tưới này chỉ mất khoảng 10.000 lít nước. Ngoài ra, nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ và phát triển đồng đều, năng suất tăng. Ngay trong năm đầu tiên áp dụng công nghệ này, trừ mọi chi phí, doanh thu của HTX đạt 400 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.
 
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 hình thức tưới tiết kiệm nước gồm: Tưới phun, tưới nhỏ giọt bình thường, tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới. Các hình thức này được ứng dụng hầu hết tại các huyện với diện tích tưới đạt 230,6 ha cho các loại cây như: Cam, bưởi, na, rau… Toàn tỉnh đã có 16 HTX và 01 doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới cho các loại cây ăn quả, rau màu.
 
 
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều mô hình áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện tích cây trồng cạn. Bước đầu mang lại hiệu quả cao so với phương thức tưới truyền thống; đồng thời, mang lại tư duy sản xuất mới hiện đại, thân thiện với môi trường.
 
 
Anh Trần Văn Thanh ở thôn Tân Lập, xã Xuân Dương (huyện Thường Xuân) – chủ vườn sản xuất dưa Kim Hoàng hậu trên diện tích hơn 2.500m2 mang lại doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm. Trước đây, dù gần hồ cung cấp nước của xã, song diện tích sản xuất của gia đình nằm ở trên đồi, cao hơn khá nhiều so với nguồn nước nên việc cung cấp nước cho cây không hề đơn giản. Từ năm 2019, gia đình đã lắp đường ống dẫn nước lên đỉnh đồi và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để phát triển sản xuất. Hệ thống tưới nhỏ giọt gồm 2 bể lớn, được xây dựng trên điểm cao nhất của khu vườn, toàn bộ nước chứa dự trữ vào bể trước khi đi qua các ống dẫn được điều chỉnh bằng van áp suất để nhỏ giọt chính xác tại từng gốc cây.
 
 
Áp dụng công nghệ tưới này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, chi phí giảm, lượng nước được tính toán, cung cấp cho cây vừa đủ, đúng thời điểm nên cây phát triển rất tốt. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, nguồn nước thì việc bón phân cho cây cũng được thực hiện ngay khi thực hiện tưới nhỏ giọt nên vào đợt bón phân, chỉ cần 1 lao động/ngày, tiết kiệm được 50% công lao động và lượng nước tưới cho cây chỉ bằng 1/3 so với tưới thông thường. Nhờ đó, lợi nhuận trong sản xuất được tăng lên.
 
 
Với địa hình đa dạng, huyện Thường Xuân có khoảng 8.900 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 70% là diện tích đất đồi, núi. Ở những diện tích đất đồi có độ dốc từ 15 - dưới 25 độ và vùng đất bằng phẳng, người dân trên địa bàn huyện đã áp dụng hiệu quả các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tiêu biểu như: Mô hình tưới nhỏ giọt cho 8 ha cây ăn quả của Công ty TNHH Cảnh quan Hoàng Gia tại xã Ngọc Phụng; mô hình tưới nhỏ giọt cho dưa Kim Hoàng hậu trồng trong nhà lưới tại các xã Thọ Thanh, Xuân Dương, Luận Thành; mô hình tưới mía mặt ruộng tại xã Thọ Thanh... Nhờ áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, năng suất cây trồng tăng, giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc. Nhờ đó, thu nhập của người dân, doanh nghiệp tăng 10 - 50% so với không áp dụng công nghệ...
 
 
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như: Hỗ trợ 200 triệu đồng/km2 để kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng ở khu vực miền núi; hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới mía mặt ruộng 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ kinh phí 1 lần đầu tư xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn 50.000 đồng/m2. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công để triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp... Nhờ đó, tính đến tháng 2-2022, diện tích cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước toàn tỉnh đạt hơn 2.600 ha. Trong đó, có 63,82% là các mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, còn lại là công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ Israel và sản xuất trong nước thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài.
 
 
Việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tăng năng suất cây trồng cạn trung bình từ 10 - 30% tùy theo từng loại cây trồng, giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc từ 20 - 50%. Công nghệ này cũng tiết kiệm từ 20 - 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nhờ giảm từ 5 - 30% lượng phân bón trong quá trình canh tác. Thu nhập của người dân, doanh nghiệp tăng 10 - 50% so với không áp dụng công nghệ...
 
 
Bên cạnh đó, dưới tác động bất thường của thời tiết như hạn hán, nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại... việc áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ít bị ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, nhất là khi người sản xuất thực hiện tưới tiết kiệm kết hợp với biện pháp nhà màng, nhà lưới. Ngoài ra, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước sẽ giảm ô nhiễm nhờ sử dụng hợp lý và tiết kiệm phân bón trong quá trình canh tác, hạn chế cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm do khai thác quá mức cho phép...
 
 
Tại Quảng Nam, nhiều hộ nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Với 2 khu vườn rộng 7.500m², gia đình ông Nguyễn Quang Khánh - thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn quy hoạch thành 3 khu trồng cây ăn quả với 80 cây bưởi da xanh, 18 cây bưởi trụ Đại Bình, 12 cây sầu riêng. Ngoài ra, ông Khánh trồng xen một số loại cây ăn quả như: Bòn bon, cam, quýt, vú sữa… để rải vụ cung cấp quanh năm.
 
 
Từ năm 2018, ông Khánh đã đầu tư 40 triệu đồng xây dựng bể chứa nước 10m3 và hệ thống tưới phun mưa dưới gốc cây. Hệ thống này giúp lượng nước được phân phối đồng đều cho cây trồng và được điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, theo hệ thống tưới, phân bón hòa tan trong nước được đưa đến tận gốc cây, không gây xói mòn rễ. Nhờ đầu tư bài bản, đến nay mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng từ vườn cây. Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần. Thời gian tới, ông sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới mưa trên cao để giúp cây ăn quả phát triển tốt hơn.
 
 
Năm 2018, ông Phan Ngộ - thôn Đại Bình, xã Quế Trung (huyện Nông Sơn) phá bỏ vườn tạp, quy hoạch lại khu vườn rộng hơn 5.000m² của gia đình, chia thành 2 khu trồng gần 350 cây cam tiến vua, bưởi trụ Đại Bình, sầu riêng đúng khoảng cách, quy trình hướng dẫn. Ông còn đầu tư 250 triệu đồng đào giếng, xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống tưới mưa trên cao và tưới nhỏ giọt cho toàn diện tích vườn. Theo đó, khi cây còn nhỏ thì sử dụng tưới nhỏ giọt, đến khi cây cao 2m thì tưới mưa. Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, mỗi ngày đêm cung cấp 16m³ nước cho cả vườn.
 
 
Sử dụng kết hợp 2 hệ thống này giúp phát huy tối đa hiệu quả tưới, cung cấp nước đều toàn bộ cây, vừa giữ ẩm cho bộ rễ phát triển vừa làm mát thân cây, lá và quả, chống cháy lá, giúp quả đạt chất lượng cao. Nhờ đó, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt dù thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
 
 
Từ nay đến năm 2025, huyện Nông Sơn sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ tưới tiên tiến cho những hộ làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại, nhất là những vườn trồng cây ăn quả.
 
 
Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng nhiều giải pháp như: Tưới phun trên cao, tưới phun xung quanh gốc cây và tưới nhỏ giọt… trên các loại cây trồng nhằm giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm lượng nước tưới, giảm công lao động.
 
 
Anh Đào Huy Lực ở ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) trồng sầu riêng xen canh với mít Thái trên diện tích 7 ha. Anh đã đầu tư hệ thống đường ống tưới nước tiết kiệm phun dưới gốc cây với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Hệ thống được phủ rộng trên toàn diện tích cây ăn quả của gia đình.
 
 
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại những tín hiệu khả quan như: Chỉ cần mở khóa cho mô-tơ điện chạy, hệ thống nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng thấm sâu và hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi, giúp tiết kiệm nước rất hiệu quả so với cách tưới lan truyền thống. Ngoài ra, khi bón phân, chỉ cần hòa phân bón lẫn vào nước và cho vào bình chứa, sau đó tưới trực tiếp cho cây. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng phân bón rơi vãi, gây lãng phí. Mặt khác, tưới phun dưới gốc cây giúp giảm nhân công phun, tưới.
 
 
Ông Nguyễn Văn Triều, ở cùng ấp với anh Lực, đang canh tác 3 ha nhãn Ido hữu cơ theo hình thức rải vụ và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động cho vườn nhãn nên mỗi vụ lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/công.
 
 
Theo ông Triều, tưới nước phun quanh gốc cây làm ướt phần đất quanh khu vực bộ rễ cây nên tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới. Thời gian tưới nhanh hơn so với cách truyền thống. Với diện tích vườn hiện tại của gia đình, ông chỉ cần 1 - 2 người là có thể chạy máy bơm nước, vừa bón phân, mỗi lần chỉ mất 3 - 4 giờ, trong khi trước đây phải mất từ 1,5 - 2 ngày mới làm xong. Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm còn giúp dễ dàng điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây.
 
 
Thành phố Cần Thơ hiện có trên 23.000 ha diện tích cây ăn trái, diện tích cây ăn trái thời gian gần đây tăng đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nông dân chú trọng đầu tư khâu tưới nước tiết kiệm, phục vụ việc tái cơ cấu cây trồng cạn của địa phương để thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu. 
 
 
Có thể thấy, việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả tưới phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; ổn định sản xuất và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực tập trung. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ này còn giúp tiết kiệm lượng phân bón, nhân công lao động và hạn chế ô nhiễm, nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Hải Đông
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn