Cần thúc đẩy việc tái chế phế, phụ phẩm nông nghiệp để bảo vệ môi trường
09:26 - 26/07/2022
(MTNT)- Quá trình sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã tạo ra một lượng lớn phế, phụ phẩm. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn với 42,8 triệu tấn/88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt.


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm và trên 55 triệu tấn nước tiểu/năm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
 
 
Trong đó, riêng khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi, với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam bộ và 39,4 triệu tấn tại ĐBSCL (Kiên Giang là tỉnh có tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp lớn nhất vùng ĐBSCL với 5,7 triệu tấn/năm, đứng thứ hai là An Giang với 5,2 triệu tấn).
 
 
Phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn (42,8 triệu tấn), thân cây ngô (10 triệu tấn), rau và quả (3,6 triệu tấn), thân cây sắn (3,1 triệu tấn) và các loại  khác (6,1 triệu tấn). Phụ phẩm từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt gồm: Vỏ trấu 8,6 triệu tấn, bã mía 3,5 triệu tấn, lõi ngô 1,4 triệu tấn, vỏ củ sắn 1,3 triệu tấn và các loại khác là 2 triệu tấn.
 
 
Mặc dù vậy, tỉ lệ phụ phẩm cây trồng được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%. Trong đó, tỉ lệ sử dụng rơm lúa chỉ 56,3% (cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây...). Đặc biệt, một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là hành vi bị cấm theo quy định về pháp luật môi trường.
 
 
Phế, phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở nước ta có sản lượng lớn nhưng việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu cơ này chưa phù hợp. Đối với ngành thủy sản, việc thu gom, sơ chế, chế biến sâu trên 90%, chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi, như: Bột cá, bột đầu tôm, dung dịch protein thủy phân từ đầu tôm. Phế, phụ phẩm ngành lâm nghiệp thì thu gom, chế biến làm ván ép, gỗ ép, làm đệm lót sinh học trên chăn nuôi, ép viên làm chất đốt... Phụ phẩm từ ngành trồng trọt có khối lượng lớn nhất, chỉ tính gần 43 triệu tấn rơm mới thu gom, sử dụng được 52,2% làm thức ăn chăn nuôi, làm chất độn chuồng, trồng nấm, sử dụng để phủ luống, phân bón hữu cơ... xuất khẩu. Chất thải chăn nuôi cũng chưa được thu gom, xử lý, sử dụng hiệu quả triệt để và mới chỉ ở quy mô chăn nuôi trang trại (gần 100%), còn chăn nuôi nông hộ mới đạt 48%.
 
 
Thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường cho con người, vật nuôi, đất, nước, không khí, hệ thống nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học, góp phần tăng cường an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và nông nghiệp tuần hoàn... đem lại lợi ích đáng kể cho chủ sở hữu.
 
 
Với ngành trồng trọt, hiện thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng ĐBSCL ngày càng phát triển. Vụ Đông Xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng từ 55.000-75.000 đồng trên 1.000 m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg… Như vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm nếu đem bán.
 
 
Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối. Từ phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi này, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đã nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu. Nhờ đó, hiện bà con có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX thu về hàng chục triệu đồng/năm.
 
 
Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX đã được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản… Xơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường, được thị trường thế giới ưa chuộng nên tiềm năng còn rất lớn. HTX đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm chế biến hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này.
 
 
Trong năm 2022, HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình đã xuất được 5 chuyến hàng với khối lượng khoảng 15 tấn bẹ chuối sấy khô. Ngoài ra, còn một lượng lớn bẹ chuối sấy khô đang chờ xuất khẩu trong thời gian tới. HTX tạo được việc làm cho khoảng 60 lao động địa phương, trong đó khoảng 30 nhân công làm bẹ chuối.
 
 
Một mô hình cụ thể khác có thể kể đến là xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK. Người dân giữ lại rơm rạ không đốt, dùng sản phẩm sinh học xử lý, thậm chí không cần thời gian cách ly mà vẫn ngăn chặn được hiện tượng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ gây ra, giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa…
 
 
Trong 3 năm gần đây, theo tổng kết, nếu để lại toàn bộ rơm rạ trên ruộng, kết hợp với mật độ sạ thưa, chúng ta có thể giảm 50% lượng phân bón hoặc 50% thuốc BVTV, thậm chí nhiều hộ không phải phun thuốc BVTV vì không còn sâu bệnh trên đồng ruộng. Mô hình này đã áp dụng ở An Giang với diện tích 50 ha, Thái Nguyên (140 ha), Thanh Hóa (hơn 100 ha)… và được đông đảo người dân ủng hộ, đánh giá cao.
 
 
Với ngành chăn nuôi, các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi ở nông hộ mới dùng 48,5% ủ phân truyền thống (compost); 30,6% áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP hoặc tương đương); 11% áp dụng khí sinh học; 6% sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý chất thải; 2,7% sử dụng đệm lót sinh học... Riêng về xử lý, sử dụng phân vật nuôi tại trang trại mới đạt 73,3% lượng phân vật nuôi được bán và sử dụng làm phân bón hữu cơ, 26,7% được đưa xuống công trình khí sinh học để chạy máy phát điện hoặc sử dụng đun nấu, thắp sáng... tại cơ sở chăn nuôi.
 
 
Ngày nay, công nghệ vi sinh đang rất phát triển và có nhiều sản phẩm, chế phẩm vi sinh hỗ trợ hiệu quả việc xử lý chất thải chăn nuôi. Ngoài 4 biện pháp xử lý chính chất thải chăn nuôi nêu trên, nuôi các loại côn trùng từ chất thải chăn nuôi như trùn quế (giun), ruồi lính đen hiện nay ở nhiều địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi, thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, thủy sản và phân bón hữu cơ. Đây là giải pháp bền vững và rất phù hợp cho chăn nuôi nông hộ để chủ động xử lý chất thải chăn nuôi và thu nhập tăng thêm từ bán côn trùng và phân bón hữu cơ.
 
 
Ngành thủy sản hiện đang tận dụng tốt nhất phụ phẩm sau chế biến. Điển hình là việc tách chiết collagen trong da cá tra để làm mỹ phẩm (colagell), vảy cá được sấy khô, nghiền nhỏ để chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thậm chí xuất khẩu.
 
 
Theo Cục Chăn nuôi  (Bộ NN&PTNT), các phụ phẩm từ thủy sản có thể chế biến ra các sản phẩm với giá trị rất cao như: Tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra... thường ở các nhà máy hiện đại đầu tư công nghệ cao; làm thức ăn cho chăn nuôi như bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân..., hoặc làm phân bón hữu cơ. Song, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 281 triệu USD năm 2021, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4 - 5 tỷ USD.
 
 
Tiêu biểu tại tỉnh Sóc Trăng, hàng năm, sản lượng trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản tương ứng từ 300.000 - 330.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 250.000 - 260.000 tấn, sản lượng khai thác 60.000 - 70.000 tấn. Theo đó, phụ phẩm trong nuôi trồng (bao gồm vỏ đầu tôm, xương đầu cá), tỷ lệ phụ phẩm được tính theo tỷ lệ 6.4 - 7.0 và phụ phẩm trong khai thác.
 
 
Về tận dụng vỏ đầu tôm, trên địa bàn tỉnh có 1 công ty thu mua vỏ đầu tôm để sản xuất Chitin cho công ty tại Cà Mau xuất đi Trung Quốc (tỷ lệ 30kg vỏ được 1kg thành phẩm) và sản lượng thu mua vỏ đầu tôm của công ty khoảng 60 - 80 tấn/tháng. Lượng còn lại, các nhà máy chế biến ký hợp đồng thu gom phụ phẩm với các công ty khác ngoài tỉnh như: Cà Mau, Hậu Giang với giá khoảng 1.000 - 1.300 đồng/kg phụ phẩm và số phụ phẩm còn lại tiếp tục sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gà, vịt. Còn xương đầu cá và cá phân được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi hoặc sử dụng tái chế bột cá, bán cho các lái thu mua trong và ngoài tỉnh.
 
 
Có thể thấy, việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm nông nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, HTX. Để có thể sử dụng bền vững, đa dạng, hiệu quả nguồn tài nguyên tái tạo này, Bộ NN&PTNT đang xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp 4F (Thức ăn – Trang trại – Thực phẩm – Phân bón hữu cơ), quy trình nông nghiệp tuần hoàn hở hoặc kín để có cơ sở thực hiện việc tiêu thụ các sản phẩm là phụ phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.
 
 
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tập trung vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất phân bón hữu cơ (ở cả dạng phân bón hữu cơ truyền thống sử dụng tại chỗ và phân bón hữu cơ thương mại). Hỗ trợ thông qua thuế, lãi suất, vốn vay thương mại cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, đầu tư công nghệ phù hợp để sản xuất phân bón hữu cơ, đệm lót sinh học ở dạng công nghiệp và sản xuất điện từ khí sinh học trong chăn nuôi ở quy mô trang trại, cụm trang trại...

Huy Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn