Sử dụng phân bón “thông minh” không gây ô nhiễm môi trường
14:15 - 25/07/2022
(MTNT)- Thế kỷ 21 đi liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng nông nghiệp hữu cơ, khiến việc sử dụng phân bón chất lượng cao, hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, sử dụng tiết kiệm và không gây ô nhiễm môi trường được coi trọng hơn.
Canh tác thông minh giúp giảm lượng nước thủy lợi tới 30% và chi phí lao động cũng như chi phí giống tới 50%.


Các loại phân bón kiểm soát phát tán là một phần trong cách tiếp cận bền vững đối với nông nghiệp với tên gọi nông nghiệp chính xác. Cách tiếp cận này cải thiện năng suất cây trồng và tối thiểu hóa tình trạng dư thừa dưỡng chất phát tán bằng cách kết hợp phân tích dữ liệu, AI, và các hệ thống cảm biến đa dạng để quyết định chính xác cây trồng cần bao nhiêu phân bón và nước, ở bất cứ thời điểm nào, bằng cách sử dụng các phương tiện tự động để truyền tải các nguồn dinh dưỡng với lượng định sẵn tới các nơi chính xác.
 
 
Tuy nhiên, các hệ thống canh tác chính xác khép kín rất đắt đỏ nên chỉ sản xuất quy mô lớn mới có xu hướng sử dụng các công nghệ này. Ngược lại, các loại phân bón kiểm soát phát tán hiện đại lại khá rẻ và có thể là một công nghệ tiên phong giúp nông dân tăng sản lượng nông nghiệp một cách bền vững.
 
 
Tiêu biểu như sản phẩm phân nung chảy Văn Điển - phân khoáng thiên nhiên đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn. Một số loại phân Văn Điển gồm: Phân đa yếu tố NPK - là phân nung chảy Văn Điểu phối hợp với đạm, kali theo những tỷ lệ thích hợp đối với từng loại cây; phân lân Văn Điển được sản xuất bằng công nghệ nhiệt nung - phân giải quặng apatit và các loại khoáng như sà vân, sa thạch mang các chất trung vi lượng tự nhiên ở nhiệt độ cao 1.450 - 1.500oC rồi làm lạnh đột ngột, biến chất lân và khoáng từ dạng khó tiêu sang dạng dễ tiêu cho cây trồng.
 
 
Đây là loại phân bón đa dinh dưỡng, ngoài thành phần dinh dưỡng chính là P2O5 hữu hiệu từ 15 - 19% còn có nhiều chất dinh dưỡng khác rất cần thiết cho cây trồng như vôi (CaO 28-34%) để khử chua ém phèn, khử độc đất. Chất magie (MgO 15-18%) để tăng diệp lục cho lá và cấu tạo nên các enzim sinh hóa trong cây, chất si-lic (SiO2 24-32%) vừa giúp cải thiện độ tơi xốp đất, vừa giúp cứng cây, dày lá, chống mất nước, tăng khả năng chịu hạn, chịu rét và chống chịu sâu bệnh. Ngoài ra còn có các chất vi lượng khác như đồng, co ban, mô líp đen, bo… rất cần thiết cho cây trồng, tổng thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng trong phân lân nung chảy Văn Điển đạt tới 97 - 98%. Giàu chất kiềm và kiềm thổ nên đây là loại phân bón có tính kiềm tiềm tàng. Tác dụng khử chua và khả năng khử độc đất của 1kg phân lân nung chảy văn Điển tương đương 0.5kg vôi củ.
 
 
Mặt khác, phân không tan trong nước nên hiệu quả sử dụng đến 95-97% là loại phân bón bền vững, không bị rửa trôi, bay hơi hoặc bị các chất Fe, Al chuyển hóa thành các dạng khó tiêu cho cây trồng. Chỉ khi cây tiết acid hoặc trong môi trường chua thì phân mới tan, cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu cây trồng trong cả quá trình sinh trưởng  phát triển.
 
 
Do chậm tan, cây sử dụng được hết, không để lại chất độc hại tồn dư trong đất, không gây ô nhiễm nguồn nước và lớp đất canh tác, là loại phân thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nếu bón vào đất với lượng cao hơn nhu cầu cây trồng cũng không gây hiện tượng phú dưỡng, các chất dinh dưỡng sẽ được cây sử dụng dần trong cả quá trình sinh trưởng, phân còn dư sẽ được bảo tồn trong đất dành lại cho các vụ sau.
 
 
Tất cả các chất dinh dưỡng trong phân nung chảy Văn Điển được cây trồng hấp thụ hết trên 98%. Vì thế, không chỉ hiệu quả sử dụng của phân Văn Điển cao hơn các loại phân thông thường khác mà trong quá trình cây trồng sử dụng phân Văn Điển, độ pH trong dung dịch đất tăng dần, đất tơi xốp hơn.
 
 
Do vậy, khi sử dụng phân nung chảy Văn Điển và các loại phân đa yếu tố NPK được sản xuất từ phân nung chảy Văn Điển không phải bón thêm vôi. Trong vài năm sẽ làm thay đổi lý, hóa tính đất theo hướng có lợi cho cây trồng, giúp cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh và nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
 
 
Tại ĐBSCL của Việt Nam, bao gồm 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, nông dân đang chuyển dịch mạnh sang trồng lúa thông minh để cải thiện năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Nông dân giảm sử dụng giống, thuốc BVTV và phân bón so với các phương pháp truyền thống mà không làm giảm năng suất hoặc chất lượng, đồng thời tận dụng các công nghệ tiên tiến như gieo giống thông minh và các máy cấy cùng các thiết bị thông minh khác.
 
 
Tại Đồng Tháp và Trà Vinh, nông dân đánh giá rằng thực hành canh tác lúa thông minh mang lại hiệu ứng tốt. Mức độ sử dụng urea của họ giảm khoảng 40% và chi phí lao động bón phân giảm tới 75%.
 
 
Bón phân sâu cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính tới 40% khi thay thế cho phương pháp thủy lợi kết hợp. Canh tác thông minh giúp giảm lượng nước thủy lợi tới 30% và chi phí lao động cũng như chi phí giống tới 50%; đồng thời giúp giảm xâm mặn vào các ruộng lúa do nông dân có thể chủ động điều tiết nước ngọt thông qua các thiết bị thông minh chuyên để giám sát nước. Theo ước tính của bà con nông dân, lợi nhuận của mô hình này cao hơn 20% so với các phương pháp truyền thống.
 
 
Bên cạnh đó, phân bón hữu cơ (phân bón organic, hay còn gọi là compost) gồm các loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên được hình thành từ phế phẩm nông nghiệp, chất thải gia súc, gia cầm, rác thải… Với những thành phần lành tính chứa nhiều chất dinh dưỡng như trên hoàn toàn tốt cho cây cũng như thân thiện với môi trường.
 
 
Phân hữu cơ có nhiều ưu điểm như: Cung cấp dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh; cân bằng vi sinh vật cho đất trồng, bổ sung dinh dưỡng giúp đất tơi xốp; giúp tăng tính ổn định của kết cấu đất, hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn ở đất trồng; phân hữu cơ có thể phân hủy hết theo thời gian, không gây ô nhiễm môi trường; giúp tăng năng suất nông sản, tiết kiệm chi phí, công sức cho nhà nông.
 
 
Do có nguồn gốc đa dạng nên phân bón hữu cơ được phân chia thành nhiều loại khác nhau. Mỗi loại sẽ có những đặc điểm riêng, tính năng riêng phù hợp với những loại cây trồng khác nhau gồm: Phân hữu cơ truyền thống, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh, các loại phân hữu cơ khoáng.
 
 
Phân hữu cơ truyền thống có nguồn gốc từ phân của gia súc, gia cầm, phụ phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, các rác thải sinh hoạt, phân xanh như lá cây, cành cây, thân cây, rơm rạ… được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống. Phân truyền thống bao gồm các loại như phân chuồng, phân xanh, phân rác và than bùn. Các loại phân bón truyền thống thường chứa các chất dinh dưỡng, khoáng đa lượng, trung lượng, vi lượng. Đây là một trong những loại phân bón thân thiện với môi trường. Tuy nhiên loại phân này có hiệu lực khá chậm, thời gian để xử lý lâu cũng như hàm lượng chất dinh dưỡng lại thấp.
 
 
Phân bón hữu cơ sinh học là phân bón mà trong thành phần chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất một chất sinh học (acid humic, acid fulvic, acid amin, vitamin…) Loại phân này không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng hữu cơ dồi dào mà còn chứa các chất sinh học có vai trò kích thích sinh trưởng và phát triển ở cây, giữ nước cho đất, hỗ trợ hoạt động cho các vi sinh vật có lợi trong đất.
 
 
Phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón hữu cơ có sự tham gia của một hoặc nhiều chủng vi sinh có ích. Sản phẩm có được bằng cách phối trộn và xử lý các nguyên liệu hữu cơ sau đó ủ lên men với các chủng vi sinh đó. Phân hữu cơ vi sinh đặc biệt có chứa các chất hữu cơ trên 15%, vi sinh vật có mật độ từ ≥ 1×106 CFU/mg mỗi loại. Loại phân bón này được sử dụng chủ yếu cải tạo đất, giúp cây trồng tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng.
 
 
Phân hữu cơ khoáng ngày càng được sử dụng phổ biến trong nông nghiệp bởi nó được tạo thành từ nguyên liệu thiên nhiên lành tính như: Các phế phẩm thực vật, động vật hoặc sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại, phối trộn thêm các nguyên tố khoáng vô cơ gồm N,P,K. Phân hữu cơ khoáng có tính an toàn cho môi trường, cây trồng, vật nuôi và sức khoẻ của con người khi tiếp xúc.
 
 
Tiêu biểu tại tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Trang Trại Việt đã triển khai đề tài nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ. Theo đó, tất cả chất thải trong chăn nuôi từ phân đến xác gà, gà loại thải đều trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, vừa giúp chủ trại chăn nuôi tăng thu nhập, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
 
 
Chăn nuôi gà trang trại hiện chiếm khoảng 91% tổng đàn với tổng số 366 trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh. Hiện các trang trại chăn nuôi đều có hệ thống xử lý chất thải; trong đó, đệm lót sinh học là giải pháp có nhiều ưu thế nên được đa số các trang trại chăn nuôi gà sử dụng.
 
 
Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Trang Trại Việt, tổng khối lượng phân gà phát sinh tại các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh là gần 1,46 triệu tấn/năm gồm: Phân gà lẫn trấu tại những trang trại chăn nuôi gà thịt và gà hậu bị; phân gà tươi ở những trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Tỷ lệ gà bị loại, gà chết của đàn gà thịt chiếm khoảng 5,6%/lứa gà và gà đẻ trứng khoảng 0,01%/ngày. Như vậy, với 1 trại gà, 1 lứa nuôi khoảng 50 ngàn con, 1 năm nuôi 6 lứa có thể sản xuất ra hàng ngàn tấn gà, tỷ lệ gà chết, loại thải chiếm khoảng 5-6% trên tổng số thì có cả trăm tấn gà chết, gà loại thải. Đây là lượng chất thải rất lớn cần rất nhiều chi phí để xử lý.
 
 
Theo quy định về môi trường, gà chết trong quá trình chăn nuôi phải được xử lý bằng hình thức chôn hoặc đốt tại trại, đây là một khó khăn không nhỏ cho người nuôi. Hiện số gà này được Công ty thu gom làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ tạo thuận lợi cho trang trại chăn nuôi. Mọi công đoạn thu gom và xử lý toàn bộ phế phụ phẩm phát sinh từ các trang trại đều do Công ty thực hiện. Công ty cũng là đơn vị cung cấp trấu, chế phẩm, công tác vệ sinh chuồng trại, dải đệm sinh học trước khi thả gà cũng do Công ty chi trả nên chủ trại chăn nuôi giảm được chi phí và công thu gom, xử lý phế, phụ phẩm, chất thải.
 
 
Hiện nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty đạt công suất 200 tấn/ngày với thị trường tiêu thụ đã mở rộng trên cả nước. Công ty đang tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi với mục tiêu nâng công suất lên 500 tấn/ngày, hướng đến thị trường xuất khẩu.
 
 
Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ dinh dưỡng 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ là tối ưu cho phần lớn cây trồng, bảo đảm tăng năng suất, chất lượng, góp phần ổn định độ phì nhiêu của đất. Vì thế cung ứng phân hữu cơ chất lượng tốt cũng như phân vô cơ thế hệ mới với hiệu quả sử dụng cao là rất cần thiết. Do vậy, xu hướng sử dụng phân NPK chất lượng cao kết hợp với các loại phân bón hữu cơ, vi sinh kỳ vọng là động lực tăng trưởng cho ngành phân bón thế giới và Việt Nam trong giai đoạn tới.

Mạnh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn