Một số phương pháp tái chế rơm rạ thành sản phẩm hữu ích
10:07 - 23/11/2021
(MTNT)- Hiện mỗi tấn rơm được rao bán trên Amazon giá từ 80 - 100 USD/tấn. Trong khi đó,  Việt  Nam có khả năng sản xuất 43 triệu tấn thóc/năm, theo đó sẽ có 43 triệu tấn rơm. Nhưng Việt Nam chỉ sử dụng lại được khoảng 23% cho mục đích chăn nuôi, một phần sử dụng trong trồng trọt, còn gần 50% bị vứt bỏ,  hoặc nông dân đốt hay để phân hủy trong tự nhiên, gây lãng phí cả tỉ USD.
Hiền gần 50% rơm tại nước ta bị vứt bỏ, đốt hoặc để tự phân hủy.


Thành phần hóa học của rơm rạ gồm: Xenluloza (cellulose)-60%, linhin (lignin)-14%, đạm hữu cơ (protein)- 3,4%, chất béo (lipid)- 1,9%. Có nhiều phương pháp tái chế rơm rạ thành sản phẩm hữu ích. Đầu tiên là thu gom rơm lại để bán. Tại đồng bằng sông Cửu Long, trước đây rơm thường được bỏ phí trên ruộng đồng nhưng hiện nhiều hộ dân tận dụng mang đi bán, vừa có thêm thu nhập lại bảo vệ môi trường.
 
 
Trung bình một hecta ruộng người dân sẽ thu được 2,5-3 triệu đồng rơm rạ. Rất nhiều doanh nghiệp đứng ra thu mua rơm làm nấm xuất khẩu hoặc phân bón. Từ năm 2015, Nông trường Sông Hậu (thành phố Cần Thơ) còn có dự án chế biến rơm xuất khẩu sang Nhật làm thức ăn chăn nuôi.
 
 
Để vận chuyển đi xa, rơm được người dân sử dụng máy cuộn thành hình tròn, mỗi cuộn khoảng 18.000 - 20.000 đồng; cuốn gia công thì rẻ hơn một nửa. Vào mùa hạn hán, thức ăn cho gia súc thiếu, có thời điểm rơm rạ lên đến 40.000-45.000 đồng/cuộn, người dân không đủ cung cấp.
 
 
Thứ hai là làm phân bón. Sau mùa thu hoạch, nhiều hộ dân đã vùi rơm vào đất nhằm lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau và giúp duy trì đạm và các-bon trong đất. Đây là phương pháp thông dụng được người dân thực hiện ở nhiều địa phương.
 
 
@Ngoài ra, việc cày vùi rơm rạ vào đất sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rễ tốt hơn. Việc cày xới đồng ruộng vùi rơm rạ có thể sử dụng máy lồng loại lớn. Tất cả rơm rạ trên đồng ruộng được băm nhỏ bằng các máy băm sơ dừa, rơm rạ, rau củ, cành cây. Tuy nhiên để cho rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, cần phải phun chế phẩm sinh học vào rơm rạ trước khi cày xới đất. Sau đó làm đất bình thường như những ruộng khác.
 
 
Hiện nay có rất nhiều tổ chức sản xuất và bán các chế phẩm sinh học có khả năng tăng nhanh quá trình phân hủy sinh học các chất thải hữu cơ cũng như rơm rạ, như: Chế phẩm chế phẩm sinh học Bima – compost, Trichoderma, Dascela, Sumitri… Chế phẩm Sumitri là chế phẩm vi sinh do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ phối hợp với Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Phương Nam sản xuất. Chế phẩm Sumitri có chứa nhiều chủng loại vi sinh như: Trichodemar hazianum T22, Trichodemar viride, Trichodemar Parceramosum (T. longibrachiatum) có trong chế phẩm Bio-promote (Mỹ), Trichodemar. Sản phẩm được phân lập từ rừng Nam Cát Tiên.
 
 
Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng nghiên cứu thành công công nghệ vi sinh xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ một tấn phân bón hữu cơ từ rơm rạ, nông dân tiết kiệm gần 500.000 đồng. Theo đó, nếu sử dụng chế phẩm sinh học tốt thì trong một tấn phân bón hữu cơ từ rơm rạ sẽ có 10 kg đạm; 9,5 kg lân và 21 kg kali. Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ. Người dân không phải bỏ tiền mua 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng. Có thể thấy việc để lại rơm rạ trên đồng ruộng và cày vùi đất tuy có tốn thêm chi phí làm đất nhưng cuối cùng vẫn thực hiện được và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
 
 
Thứ ba là phương pháp sử dụng rơm rạ trồng nấm. Ở nước ta, từ lâu đời đã biết trồng nấm rơm ngay ở ngoài trời, tận dụng diện tích trống. Trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những hấp dẫn thị trường trong nước mà thị trường thế giới ngày càng ưa chuộng. Bởi theo các nhà khoa học, nấm rơm là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng mà không làm tăng lượng cholesterol trong máu. Hàm lượng protein trong nấm lên tới 5%, đặc biệt có 8 loại axit amin không thể thay thế trong số 19 axit amin có trong nấm. Nấm rơm có thành phần chất xơ cao và lipit thấp, phòng trừ bệnh huyết áp cao, chống béo phì, xơ cứng động mạch, chữa bệnh đường ruột…
 
 
Ngoài ra, bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng, làm cho đất tơi xốp và duy trì được độ màu mỡ. Cho đến nay việc trồng nấm đã phát triển ở khoảng 40 tỉnh thành, song chưa tương xứng với tiềm năng. Các nhà khoa học đã tính toán: Từ việc sử dụng 3 tấn rơm (của 1ha lúa) trồng nấm rơm có thể đem lại lợi nhuận từ 4,5-5,5 triệu đồng.
 
 
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển nghề trồng nấm như: Chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng và tháng lạnh không đáng kể, có thể trồng nấm rơm quanh năm. Trung bình cứ một tấn lúa có 1,2 tấn rơm, rạ, ngoài ra còn mạt cưa, bèo tây, bã mía,… là nguồn nguyên liệu lớn để trồng nấm rơm. Thời kỳ nông nhàn nhiều, nhất là mùa lũ, hơn nữa trồng nấm rơm không đòi hỏi cao về kỹ thuật. Nấm không chiếm nhiều diện tích, chủ yếu tận dụng diện tích trống, chi phí thấp; tăng thu nhập cho nông dân. Ở miền Bắc thích hợp trồng nấm vào khoảng thời gian từ 15/4 đến 15/9 hàng năm.
 
 
Thứ tư là chế biến rơm thành thức ăn gia súc. Ở Nhật Bản hiện đã có những dây chuyển công nghệ, khi thu hoạch lúa thì đồng thời thu gom và nghiền rơm, sau đó phun chế phẩm sinh học đóng luôn thành từng bao ủ chua làm thức ăn nuôi bò. Khảo sát tại Việt Nam nếu áp dụng công nghệ này vào đồng bằng sông Cửu Long để tận dụng, tái chế rơm thì sẽ tạo ra khối lượng lớn thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi.
 
 
Tuy nhiên, sản phẩm rơm, rạ hàm lượng dinh dưỡng thấp trâu bò không thích ăn, nhưng đem chế biến sẽ là nguồn thức ăn tốt giàu dinh dưỡng, hàm lượng Protein tăng lên gấp 2 lần. Các phương pháp chế biến gồm: Mềm hóa rơm; kiềm hóa rơm; ủ urê.
 
 
Sử dụng công thức: 100kg rơm khô + 4kg urê + 100 lít nước. Có thể dùng hố ủ nửa chìm như phương pháp ủ chua, hoặc xây bể nổi hoặc ủ trong bao nilon dầy hay ủ thành cây rơm xung quanh có ni-lông bao phủ kín có dây buộc chặt. Tùy vào lượng rơm cần ủ mà chọn kích thước cho phù hợp.
 
 
Thông thường chăn nuôi trong nông hộ số lượng trâu, bò ít, sử dụng bao nilon là phù hợp nhất, cách làm như sau: Cân 10kg rơm khô, rải đều lên sân gạch hoặc tấm vải nhựa. Dùng bình ô-doa chứa đúng 10 lít nước, cân đúng 0,4kg urê rồi hòa tan vào bình tưới và khuấy, trộn đều đến khi hòa tan hết urê vào nước. Tưới nước đã pha urê vào rơm, cứ 10kg rơm thì tưới 10 lít nước đã hòa với urê, nếu rơm tươi và ướt thì chỉ tưới 6-7 lít nước/10kg rơm, nhưng vẫn hòa đủ 0,4kg urê. Khi tưới xong đảo thật đều để rơm thấm urê sau đó dùng tay cuộn từng nắm rơm nhét vào túi nilon (đã lồng ngoài bao tải dứa) chú ý nhét thật chặt. Rồi tiếp tục rải tiếp 10kg rơm, lặp lại các động tác như trên cho đến khi hết rơm thì thôi. Sau khi đầy buộc chặt miệng lại và chuyển sang bao khác. Sau 7-10 ngày ủ, bắt đầu lấy cho trâu, bò ăn. Lúc đầu cho ăn ít khoảng 1-2kg, bà con phải tập cho trâu bò ăn dần bằng cách trộn lẫn với cỏ tươi, sau 2-3 ngày trâu bò sẽ ăn quen dần và lượng ăn tăng dần lên. Mỗi ngày cho ăn tối đa từ 7-10kg/con. Đây là phương pháp làm cho rơm mềm, có mùi thơm dễ chịu.
 
 
Một cách khác là xây bể hoặc dùng thùng phi, thùng nhựa để ngâm rơm, sử dụng nguyên liệu rơm khô, vôi, nước sạch theo công thức: 100kg rơm khô + 6kg vôi + 600 lít nước. Sau đó cho rơm vào bể hoặc thùng phi đổ nước vôi 1% vào đảo trộn đều trong 3 ngày (mỗi ngày đảo từ 2-3 lần), sau đó vớt rơm lên giá để chảy hết nước vôi. Dùng nước rửa sạch vôi, có thể cho bò ăn ngay hoặc phơi khô gác lên chuồng cho trâu bò ăn dần. Mỗi con có thể cho ăn từ 7-10kg/ngày. Đây là phương pháp mà bà con vẫn hay sử dụng nhất để cho trâu bò ăn. Rơm có thể khô hoặc tươi, bà con tính lượng rơm mà trâu, bò có thể sử dụng hết trong ngày để riêng ra một chỗ hoặc cho luôn vào máng ăn rồi dùng nước muối 1% tưới lên rơm, cứ 1kg rơm thì dùng 1 lít nước, làm như vậy trâu bò sẽ thích ăn. Chú ý ăn bữa nào ta làm bữa đó.
 
 
Thứ năm là dùng rơm để sản xuất ethanol. Viện Dầu khí Việt Nam năm 2013 công bố công trình nghiên cứu biến rơm rạ và các phụ phẩm như trấu, bã mía thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil). Với hiệu suất thu hồi lỏng dầu sinh học, nguồn nguyên liệu rơm rạ của Việt Nam có thể sản xuất được 31 triệu tấn bio-oil mỗi năm để làm nhiên liệu thay thế, đồng thời có thể nâng cấp để sản xuất xăng, dầu diezel trong tương lai gần. Nếu được ứng dụng vào thực tiễn, người dân có thêm nguồn thu nhập nhờ cung cấp rơm rạ cho các công ty sản xuất nhiên liệu, vừa giải quyết bài toán đốt rơm ngoài đồng.
 
 
Thứ sáu là sản xuất giấy từ rơm rạ. Một công ty ở bang Virginia (Mỹ) nhiều năm nay tận thu rơm rạ để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Sản phẩm giấy thường có màu sẫm hơn nhưng chất lượng rất tốt. Trung Quốc hay Thái Lan cũng thực hiện công nghệ sản xuất này từ lâu. Các chuyên gia khuyên Việt Nam nên tận dụng rơm rạ theo cách trên, ban đầu có thể sản xuất giấy làm hàng hóa hay bìa carton với giá thành rẻ. Việc này còn giúp Việt Nam không phải nhập khẩu bột giấy.
 
 
Ngoài ra, còn có phương pháp sử dụng dùng máy cuộn ép rơm rạ thành các thỏi nhiên liệu dùng để đốt lò sản xuất điện năng; phơi khô rơm rạ, xử lý nấm mốc và phối trộn với các chất keo phụ gia nén ép rơm rạ thành các tấm vật liệu cách nhiệt, cách âm và vật liệu hút âm…
Quang Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn