Hậu Giang: Các cấp Hội Nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường
(MTNT)- Trong thời gian qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tích cực triển khai các hoạt động phân loại rác thải, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng,… góp phần bảo vệ môi trường.
|
Hội ND phối hợp cùng Đoàn Thanh niên vận động hội viên, đoàn viên ra quân dọn vệ sinh (Ảnh minh họa) |
Hội Nông dân tỉnh đã triển khai tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường đến hơn 76.200 lượt cán bộ, hội viên; đồng thời phối hợp với Phòng TN&MT TP. Vị Thanh và TP. Ngã Bảy triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Hội Nông dân thành phố Vị Thanh đã chọn 500 hộ dân thuộc phường ở 5/9 xã, phường để thực hiện mô hình này. Cùng với đó các cấp Hội Nông dân còn vận động cán bộ, hội viên chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, giữ gìn cảnh quan môi trường nơi công cộng; xử lý triệt để chất thải phát sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đồng thời xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình về bảo vệ môi trường như mô hình tổ thu gom rác thải là bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dung; mô hình ủ rác thải thành phân composit bón cho cây trồng.
Theo Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, hiện nay địa bàn tỉnh đã thành lập được tổng cộng 438 tổ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với hơn 3.200 thành viên tham gia. Qua hoạt động của tổ thu gom đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm đất, nước nước từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, cải thiện môi trường trên đồng ruộng cũng như sông, kênh rạch.
Hội Nông dân thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cũng như các cấp chính quyền xã, huyện thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về tác hại của các loại bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, từ đó giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng phân thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời thu gom bỏ vào các hố lưu chứa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Được biết, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn; sự phối hợp giữa các cơ quan, các hội, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền vào nội dung các lớp tập huấn, hội thi về môi trường và nội dung sinh hoạt định kỳ của hội, đoàn thể đã từng bước làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tổ chức trên 3.600 cuộc phát động tuyên truyền, tập huấn hoặc lồng ghép triển khai về công tác bảo vệ môi trường trong các cơ quan, đơn vị với sự tham gia của hơn 190.000 lượt người. Nhiều mô hình mới về bảo vệ môi trường được triển khai xây dựng và mang lại hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc từng bước làm thay đổi thói quen, nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là các mô hìnhbảo vệ môi trường, thu gom rác thải của Hội Nông dân.
Tỉnh Hậu Giang đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 90%; hoàn thành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy; 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn; 50% hộ gia đình ở đô thị thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; 50% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở khu vực nông thôn được phân loại, thu gom, xử lý tập trung; 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định; 100% dự án đầu tư mới phù hợp với quy hoạch phải có hệ thống xử lý chất thải và công trình bảo vệ môi trường hoàn thiện.
Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và địa phương cùng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cơ sở sản xuất phát sinh nguồn thải lớn; bảo vệ, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hợp lý, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.