Hiệu quả của việc tái chế rơm rạ
09:42 - 02/11/2021
(MTNT) – Trước đây, rơm rạ được coi là một loại sản phẩm phụ đa mục đích đối với người nông dân Việt Nam, nhưng khi ngành trồng trọt phát triển mạnh, sản lượng lúa ngày càng gia tăng, nguồn rơm rạ được tạo ra hàng năm rất lớn và trở thành nguồn chất thải cần xử lý.
Bà con có thể xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng



Việc đốt rơm rạ tại hiện trường là một vấn đề lớn trong các hệ thống canh tác lúa thâm canh dẫn đến ô nhiễm môi trường, canh tác không bền vững và tăng phát thải khí nhà kính.


Theo Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), hiện mỗi năm Việt Nam đốt lãng phí trên 20 triệu tấn rơm rạ, chiếm khoảng 60%. Việc làm này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, cản trở giao thông…


Các chất hữu cơ trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi. Quá trình đốt rơm rạ ngoài trời không kiểm soát được lượng dioxid carbon (CO2) cùng với CO, CH4, NO2, SO2,... các khí trên đều rất có hại cho sức khỏe con người và làm tăng mức thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.


Hiện, lượng khí nhà kính phát thải từ sản xuất lúa gạo của Việt Nam chiếm khoảng 10% lượng khí nhà kính từ lúa gạo toàn cầu. Việc để lại rơm và gốc rạ trên ruộng ngập nước có nguy cơ làm tăng khí nhà kính từ 2 - 3 lần, khí nhà kính có thể giảm thiểu bằng cách làm tơi xốp đất


Do đó loại bỏ rơm rạ khỏi đồng ruộng sẽ làm giảm lượng phát thải khí nhà kính so với để lại rơm rạ, loại bỏ một phần rơm rạ có thể là một giải pháp tạm thời để giữ chân đất, tạo thêm thu nhập và giảm phát thải. 


Thêm nữa, đốt rơm rạ là một hành động lãng phí tài nguyên. Việt Nam đang sở hữu nguồn “tài nguyên" sinh khối rơm rạ khổng lồ, nhiều tiềm năng nguồn phân bón, chất dinh dưỡng cho đất, nguồn năng lượng tái tạo, nguồn vật liệu trồng nấm và thức ăn chăn nuôi.


Tuy nhiên, trong quản lý đốt rơm rạ còn nhiều thách thức gồm: Diện tích ruộng nhỏ manh mún; thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm từ tái sử dụng rơm rạ còn hạn chế; nhận thức của cộng đồng dân cư còn thấp…


Bên cạnh đó, rơm rạ là nguồn chất hữu cơ khổng lồ, chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa, mỗi hecta trồng lúa có 10 - 12 tấn rơm rạ. Nếu không xử lý tốt không những không tận dụng nguồn hữu cơ mà còn gây ô nhiễm môi trường. Với hàng triệu tấn rơm rạ khô mỗi năm, đây là nguồn nguyên liệu quý nếu sử dụng hợp lý làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.


Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Sau mỗi mùa thu hoạch, nông dân thường đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng gây ô nhiễm môi trường.  Việc đốt rơm rạ sinh ra khí CO - là loại khí rất độc có thể gây chết người, đồng thời gây khói bụi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và đường không trong khu vực. Ngoài ra, theo các chuyên gia, hàm lượng dinh dưỡng trong tro rơm rạ rất ít nên không có tác dụng cải tạo đất.


Trong khi đây là nguồn nguyên liệu rất có giá trị, có thể mang lại lợi nhuận cao nếu biết tận dụng làm nấm, phân bón hay sản xuất giấy.


Để chủ tận dụng nguồn rơm rạ khi thu hoạch, bà con có thế dự trữ, xử lý rơm để làm thức ăn trong vụ đông cho trâu bò.


Cân 10g rơm khô và rải đều lên ở sân gạch. Dùng bình ô doa có chứa 10 ít nước, cân đúng 0,4kg chất ure, hòa tan ở bình tưới rồi khuấy tới khi hòa tan. Tưới nước vào rơm, cứ 10kg rơm, bạn tưới 10 lít nước hòa thêm với ure.


 Nếu rơm ướt, tươi thì chỉ sử dụng 6kg nước nhưng vẫn phải hòa 0,4kg ure. Cứ như thế, tới khi hết rơm thì thôi. Sau 7 tới 10 ngày ủ thì lấy ra cho trâu và bò ăn. Lúc ban đầu thì cho bò ăn khoảng 1-2kg và cho ăn cùng với cỏ tươi. Sau 2 tới 3 ngày thì tăng lượng thức ăn lên.


Dụng cụ gồm thùng phi, bể xây, thùng nhựa để có thể ngâm rơm, dùng nguyên liệu rơm khô, nước sạch, vôi với công thức là 100kg rơm + 600 l nước + 6kg vôi.


Cách làm là cho rơm vào trong bể hay thùng phi và đổ nước vôi 1% đảo đều trong ngày. Sau đó thì vớt rơm ra giúp nó chảy nước vôi đi. Sử dụng nước rửa vôi, rồi cho bò ăn hay phơi khô gác ở trên chuồng. Đó là phương pháp mà nhiều người áp dụng cho gia súc.


Ngoài ra, bà con có thể thực hiện quy trình biến rơm thành phân bón hữu cơ được thực hiện thông qua các bước, rơm tươi sau thu hoạch được chất đống với chiều rộng 2m, cứ mỗi lớp 30cm tưới một lượt dung dịch chế phẩm sinh học, bổ sung thêm NPK và phân chuồng nếu có.


Sau đó, tiến hành ủ rơm bằng cách sử dụng nilon, bạt, tải rách, bùn che đậy kín bảo đảm nhiệt độ ủ từ 45 – 50°C . Sau 10 – 15 ngày tiến hành ngày kiểm tra và đảo trộn. Trong quá trình ủ phát hiện chỗ nào chưa bảo đảm độ ẩm thì tưới bổ sung thêm nước để cho nguyên liệu hoai mục hoàn toàn. Sau 25 – 30 ngày rơm rạ phân hủy tốt thành phân ủ hữu cơ.


Đồng thời rơm rạ cũng có thể sản xuất giấy. Công đoạn sản xuất bao gồm chuẩn bị nguyên liệu để để nghiền thô, ngâm rơm rạ trong dung dịch tẩy trắng. Sau đó đưa vào máy nghiền xay vụn.


 Sang bước nghiền tinh thì trộn dung dịch tẩy trắng lần hai cho vào máy khuấy, khuấy đều và ngâm trong hai tiếng để được lớp chất kết dính trắng mịn. Lọc bỏ nước để lấy bột giấy. Cuối cùng là quét bột giấy lên khung rồi đem ra phơi nắng.


Phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ dễ thực hiện, không đòi hỏi phải có công đoạn xử lý nguyên liệu ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao, lượng hóa chất tiêu thụ ít, lại thông dụng, rẻ và không độc hại.


 Ngoài ra, trong quá trình sản xuất do không có quá trình nấu nên vừa tiết kiệm được năng lược lại không sinh ra khí CO2. Nước thải ra sau từng công đoạn đảm bảo độ an toàn, có thể xử lý để tái sử dụng hoặc chuyển ra hồ sinh thái nếu còn dư thừa mà không gây ô nhiễm môi trường.


Trồng nấm được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm rạ hiệu quả nhất. Nấm rất giàu protein và sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.


Hiện mô hình trồng nấm rơm được nhiều địa phương ứng dụng bởi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống. Có gia đình thu nhập từ nấm mỗi năm lên đến chục triệu đồng.


Làm nấm rơm, người dân không cần phân bón vì rơm rạ khi phân hủy đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho nấm phát triển. Người trồng cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng cần sự cần mẫn, dành nhiều thời gian theo dõi nhiệt độ và độ ẩm.

 




Thành Tuyên



 
Nguồn:
https://stnmt.hanam.gov.vn/Pages/rom-ra-tu-phe-pham-thanh-san-pham.aspx https://baotainguyenmoitruong.vn/tai-che-rom-ra-bao-ve-moi-truong-242135.html https://moitruong.net.vn/cuoc-song-xanh-hon-nho-tai-che-rom-ra/

 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn