|
Trên thực tế, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bất hợp lý trong trồng trọt cùng với việc không kiểm soát tình hình xả thải trong chăn nuôi hiện đang khiến môi trường khu vực nông thôn bị ảnh hưởng |
Dư thừa đạm trong đất hoặc trong cây đều gây nên những tác hại đối với môi trường và sức khoẻ con người. Do bón quá dư thừa hoặc do bón đạm không đúng cách đã làm cho Nitơ và phospho theo nước xả xuống các thủy vực là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm cho các nguồn nước.
Các chất gây ô nhiễm hữu cơ bị khử dần do hoạt động của vi sinh vật, quá trình này gây ra sự giảm oxy dưới hạ lưu. Đạm dư thừa bị chuyển thành dạng Nitrat (NO3-) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thuỷ sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn do sử dụng nguồn nước (Tabuchi and Hasegawa, 1995).
Đặc biệt gây hại cho sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng các nguồn nước hoặc các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa Nitrat.
Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và photpho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người đặc biệt là trẻ em. Thực tế, nhiều nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV chỉ vì lợi ích trước mắt là làm sao cho cây trồng đạt năng suất cao mà không quan tâm đến tác hại lâu dài của nó.
Do đó, việc sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp không những không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất.
Khả năng hấp thụ của các loại cây trồng với phân bón, thuốc BVTV còn nhiều hạn chế, chỉ đạt từ 45 - 50%.
Việc canh tác thiếu biện pháp bảo vệ đất của người dân trong một thời gian dài như vậy đã dẫn đến tình trạng đất bị xói mòn, rửa trôi, ngập úng vào mùa mưa và khô cằn, nứt nẻ vào mùa khô, thể hiện rõ nhất là trong những năm gần đây.
Có thể thấy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là phân bón đã giúp người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất cây trồng. Theo đó, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, nhất là những hộ trồng các loại cây công nghiệp.
Tuy nhiên, nếu sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV quá nhiều, không cân đối sẽ làm giảm năng suất và chất lượng nông sản. Nói cách khác, bón phân không hợp lý, không đúng kỹ thuật có thể làm đất xấu đi hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Đó không chỉ là sự lãng phí lớn lượng phân bón do nông dân lạm dụng quá mức cần thiết mà còn làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường đất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hàng năm, đất đồi núi miền Bắc bị trôi khoảng 1cm đất mặt, nghĩa là mỗi ha đất mất đi trên 100 khối đất, tương đương 100 tấn đất màu mỡ.
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, hiện tượng phá rừng, canh tác chưa tuân theo đường đồng mức, thiếu phân hữu cơ, đặc biệt là thói quen sử dụng các loại phân gốc chua, phân tan nhanh đã khiến quá trình thoái hóa đất ngày càng mạnh.
Phân bón là một trong những vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, việc sử dụng phân bón của nông dân còn rất nhiều bất cập như việc chưa biết lựa chọn phân bón phù hợp với đất đai và cây trồng; nông dân chủ yếu sử dụng phân hóa học, dùng nhiều loại phân bón tan nhanh, kỹ thuật bón không đúng cách, bón phân không cân đối các chất dinh dưỡng đa – trung - vi lượng... gây ra sự lãng phí rất lớn.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, tính trung bình tỷ lệ thất thoát phân bón ở nước ta chiếm tới 50%. Đó là chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng làm tăng nguy cơ dịch bệnh, từ đó phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn.
Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, gây ra suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Sản xuất nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ là không được dùng thái quá hóa chất tổng hợp như phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chất bảo quản, vật liệu biến đổi gen mà là ưu tiên sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, phân khoáng thiên nhiên.
Công nghệ phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cân đối của cây trồng, vừa duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa không để lại dư lượng độc hại trong nông sản, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Điều này đã góp phần tích cực trong nâng cao đời sống cho nông dân, song, nó cũng tạo ra áp lực lớn trong công tác bảo vệ môi trường nếu như việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV và các chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất không được kiểm soát tốt.
Tỉnh cũng tập trung tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tránh bạc màu đất, thông qua các chương trình, dự án như chương trình IMP, hiệu ứng hàng biên, dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”.
Từ đó hạn chế tối thiểu sự ảnh hưởng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người, góp phần phần giảm nhẹ phát thải nhà kính, bảo vệ phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Sử dụng chế phẩm sumitri phân hủy rơm rạ sau thu hoạch, thực hiện bón phân hữu cơ vi sinh thay thế 30% lượng phân hóa học, thay thế một phần nhiên liệu từ than bằng trấu trong kỹ thuật sấy hạt giống, nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thải khí độc hại ra môi trường.
Với những giải pháp thiết thực, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, vừa thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.
Sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo môi trường đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tái cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
Thay đổi theo hướng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững đã và đang được nhiều tỉnh, thành thực hiện đồng loạt các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ môi trường trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức, hành động của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và hoạt động phát triển nông thôn.
Quang Sơn
Nguồn:
https://baothanhhoa.vn/moi-truong/can-hai-hoa-giua-phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ve-moi-truong/144454.htm
https://www.mard.gov.vn/Pages/anh-huong-cua-viec-su-dung-phan-bon-den-moi-truong-417.aspx
https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/giai-phap-bao-ve-moi-truong-trong-san-xuat-nong-nghiep-ben-vung.html