Tình trạng ô nhiễm đất trong sản xuất nông nghiệp
10:41 - 05/09/2021
(MTNT) – Hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không đúng cách, nguồn thải từ chăn nuôi là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm đất nông nghiệp.
Hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng hàng ngàn tấn chất thải nông nghiệp nguy hại



Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc nhập khẩu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang gia tăng báo động.


Tuy nhiên, kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45 – 50%. Nghĩa là nông dân cứ bón 100 kg phân urea hoặc NPK vào đất, chỉ có 45 – 50 kg phân là được cây trồng hấp thụ và cho ra sản phẩm nông sản phục vụ mục đích gieo trồng.


Số lượng phân bón bị rửa trôi mà cây không hấp thụ được chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm đất, một số loại phân bón có tồn dư axit, làm chua đất, giảm năng suất cây trồng và tăng độc tố trong đất.

 
Mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng hàng ngàn tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc BVTV, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng.


Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.


Nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV không rõ nhãn mác gây nguy hại đến sức khỏe và môi trường; việc bà con vứt bao bì thuốc BVTV tràn lan ra đồng ruộng, đây là loại rác thải nguy hại, nhưng hầu hết không được xử lý.


 Cùng với đó là chất thải trong sản xuất, chăn nuôi sẽ ngấm xuống đất, nước ngầm, gây ô nhiễm đất, nước và sẽ có những tác động ngược lại đến sức khỏe con người. Vĩnh Phúc nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, có sông Hồng, sông Lô, sông Đáy và sông Cà Lồ chảy qua cung cấp một lượng lớn phù sa bồi đắp.


Trong tổng số hơn 1.200 km2 đất tự nhiên thì phần lớn là đất phù sa (chiếm gần 22%) và đất xám (chiếm gần 31%). Gần đây, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần bị biến đổi cả về thành phần, kết cấu và hàm lượng dinh dưỡng.


Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), hiện nay, với hơn 90 nghìn ha đất nông nghiệp, trung bình một năm bà con nông dân sử dụng hơn 80 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại. Có khoảng hơn 300 loại thuốc bảo vệ thực vật đang lưu thông.


Do quá trình sử dụng không đúng quy trình, không theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng nên một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật đã phát tán và tồn đọng trong môi trường đất, trong đó, có một số loại thuốc chứa nhóm Clo, độc tính cao.


Nếu tồn tại nhiều trong đất, các hóa chất này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, hoạt động của vi sinh vật có ích khiến đất đai bị suy kiệt và mất dần khả năng canh tác.


Điều đáng nói nhất hiện nay là nông dân sử dụng tràn lan phân hóa học, không coi trọng các loại phân hữu cơ khiến hệ sinh vật trong đất giảm dần, đất bị chai cứng, kết cấu đất bị phá vỡ, giảm khả năng giữ nước, biến đổi dinh dưỡng, gây thoái hóa đất, giảm năng suất cây trồng.
 

Việc sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất.
 

Không chỉ do lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng xả nước thải chăn nuôi, chất thải trong hoạt động công nghiệp, vứt rác thải bừa bãi… lâu dần cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đất nông nghiệp.
 

Theo Trung tâm Kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và Vật tư nông nghiệp, để hạn chế tình trạng thoái hóa, ô nhiễm đất, không còn cách nào khác, bà con nông dân cần tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ để cải tạo đất. 


Việc bổ sung các loại phân bón hữu cơ sẽ làm tăng các loại vi sinh vật có ích trong đất. Các loại vi sinh vật này sẽ tiêu diệt các nấm bệnh, đảm bảo độ phì nhiêu cho đất.

 
Ngoài việc lấy mẫu phân tích 7 chỉ tiêu tại 36 điểm cố định ở 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt diễn biến dinh dưỡng của đất và định hướng cách sử dụng đất, phân bón hợp lý cho bà con, Trung tâm Kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và Vật tư nông nghiệp đã xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất; tích cực tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với đất nông nghiệp.

 
Tuy nhiên, để giữ sạch môi trường đất, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và phát triển bền vững, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, bà con nông dân cần chủ động tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật; tự giác nâng cao ý thức, nhận thức trong canh tác; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc đúng nồng độ, liều lượng, đúng cách, đúng lúc; không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ra đồng ruộng, kênh mương; tích cực sử dụng các loại phân xanh, phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ bổ sung cho đất...

 
Các địa phương quy hoạch, bố trí đất phát triển công nghiệp phù hợp với môi trường xung quanh theo hướng hạn chế thấp nhất khả năng phát tán rộng, tác động xấu của chất thải trên cơ sở xác định rõ các loại hình công nghiệp, lượng phát thải và tính độc hại của các chất thải; giải pháp khống chế, xử lý chất thải trong quá trình hoạt động.

 
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của tài nguyên đất, các nguy cơ tác động gây suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, từ đó nâng cao ý thức của bà con trong việc tham gia thực hiện các biện pháp cải tạo, bảo vệ tài nguyên đất.

 
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn các biện pháp cải tạo nâng cao chất lượng đất; hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tránh gây ô nhiễm môi trường đất, làm suy thoái đất.

 
 Cần chỉ đạo thực hiện triệt để việc thu gom các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vào bể chứa đã xây tại đồng ruộng, hợp đồng với đơn vị chức năng đến vận chuyển xử lý đúng quy định, góp phần hạn chế dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật rơi vãi phát tán ra môi trường đất, nước.


Ngành Nông nghiệp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ tài nguyên đất với các dự án cải tạo chất lượng đất, nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu mức độ phát sinh, phát tán nguồn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp gây tác hại ô nhiễm đến nguồn đất. 

 
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, hộ nông dân trong việc sử dụng và thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Phát động nhân dân định kỳ làm vệ sinh các tuyến đường thôn xóm, kênh rạch.


Điều tra, đánh giá hiện trạng các vùng sản xuất nông nghiệp trên các địa bàn; xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê về rác thải nông nghiệp nông thôn, rác thải nguy hại để các cấp, các ngành có cơ sở quản lý, chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ các vùng canh tác và đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường.




 
Mai Hà



 
Nguồn:
http://khuyennonghanoi.gov.vn/Pages/thuc-trang-va-giai-phap-bao-ve-moi-truong-trong-san-xuat-nong-nghiep-tai-lam-dong.aspx http://baonamdinh.vn/channel/5085/202012/khac-phuc-tinh-trang-dat-nong-nghiep-bi-o-nhiem-2541374/ http://www.vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/VanHoaXaHoi/View_detail.aspx?ItemID=9073
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn