|
Người dân nông thôn ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường |
Tiêu biểu như các mô hình: “hàng cây nông dân” ở Hội Nông dân huyện Trực Ninh; “xây dựng tuyến phố, ngõ xóm không có rác thải” ở Hội Nông dân thành phố; “chỉnh trang khuôn viên gia đình xanh - sạch - đẹp, xây dựng gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới”, “Vườn kiểu mẫu” ở huyện Hải Hậu, “vệ sinh môi trường và trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường” ở huyện Trực Ninh, Hải Hậu, “thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật” ở huyện Nam Trực, Ý Yên, “tham gia xây dựng cánh đồng lớn” ở huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, “tuyến đường, dòng sông không rác thải” ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, “tổ tự quản vệ sinh môi trường” ở huyện Vụ Bản.
Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt” được làm điểm đầu tiên tại xã Hải Lý huyện Hải Hậu. Sau hơn 02 năm triển khai, đến nay mô hình đã được nhân rộng ở 10/10 đơn vị huyện, thành Hội và 123 cơ sở Hội với 5.413 hộ hội viên tham gia góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các hội viên nông dân huyện Vụ Bản (Nam Định) tích cực đảm nhận nhiều mô hình tự quản bảo vệ môi trường. Đến nay, 100% các chi hội ở thôn, xóm trên địa bàn huyện đã thành lập tổ tự quản, với trên 1.560 hội viên nông dân tham gia.
Hội Nông dân tỉnh đã chọn huyện Vụ Bản là mô hình điểm để chỉ đạo nhân ra diện rộng, trong đó điểm mấu chốt là thành lập các “Tổ tự quản đường nông thôn sáng - xanh- sạch- đẹp”.
Huyện Vụ Bản có 100% chi Hội có tổ tự quản đường nông thôn. Nhiệm vụ từng thành viên của tổ tự quản được phân công phụ trách theo tuyến đường có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân giữ gìn vệ sinh môi trường tại khuôn viên hộ gia đình và khu dân cư, không vứt rác bừa bãi nơi cộng cộng; hướng dẫn các hộ dân tự phân loại rác tại nhà, đồng thời giao trách nhiệm cho từng gia đình tuyến đường thuộc địa phận của gia đình nào thì gia đình đó có trách nhiệm quản lý và vệ sinh, còn tổ tự quản làm vệ sinh cho các hộ già cả neo đơn, các tuyến đường trục xã và làm vệ sinh theo các đợt tập trung.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.019 tổ tự quản đường nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường do đồng chí chi Hội trưởng làm tổ trưởng chiếm 63% số chi Hội (trung bình có 7 thành viên/1 tổ tự quản).
Thành viên của tổ tự quản tham gia giám sát việc thực hiện qui định quản lý rác thải của các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn mình quản lý, thông báo kịp thời với cơ quan chức năng các vi phạm hành chính về quản lý rác thải trên địa bàn, không để vứt rác ra ngoài đường, không để hình thành các bãi rác tại các đường làng, ngõ xóm.
Ngoài việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, Hội ND tỉnh còn phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tín chấp cho hơn 700 ngàn hộ nông dân vay vốn xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh, với tổng số dư nợ khoảng 403 tỷ đồng.
Hiện, tỷ lệ hộ dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,78%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 64,3%; trên 80% số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; 90% số hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.
Ngoài ra, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các cấp Hội vận động 352.744 gia đình hội viên nông dân đăng ký thực hiện gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, có 319.113 hộ đạt (bằng 90,5 %). Vận động hội viên, nông dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.