|
Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh tại tỉnh Cao Bằng đã đạt 63%. |
Từ năm 2016 - 2020, chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai tại tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 1.611 hộ dân cải tạo và xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh, số hộ có nhà vệ sinh tăng từ 41,3% lên 63%. Năm 2019, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ thêm cho các hộ đăng ký xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới (mức 1,5 triệu đồng/hộ). Nhờ đó, số hộ đăng ký tham gia xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên đáng kể; năm 2019 có 828 hộ, năm 2020 có 2.062 hộ đăng ký.
Từ năm 2019, các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc trong vận động quyên góp, hỗ trợ người dân khu vực nông thôn (nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh. Hình thức hỗ trợ chủ yếu là gạch, xi măng... Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn các hộ dân tự bỏ kinh phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể, thôn, bản huy động lực lượng, tích cực hỗ trợ ngày công giúp các hộ khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Nhờ vậy, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ ngày càng nâng cao. Số nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn không ngừng tăng. Sáu tháng đầu năm 2020, mặc dù các hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn tỉnh vẫn có 674 hộ xây nhà tiêu. Đến nay, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khoảng 87%; riêng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2018 chỉ có 66% có nhà tiêu hợp vệ sinh thì nay tăng lên 72%.
Tiêu biểu như xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), cách đây 2 năm, nhiều gia đình không có nhà vệ sinh. Mỗi khi có “nhu cầu”, họ ra bờ suối, ven rừng... Bởi vậy tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn xã mới chỉ đạt 33,4%, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Trước tình hình đó, xã tập trung vận động tuyên truyền các hộ dân xây nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tổ chức cho các hộ chưa có nhà tiêu đến tham quan các nhà tiêu tự hoại của một số gia đình trên địa bàn. Cùng với đó, xã cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và huyện. Cụ thể, năm 2020, xã tiếp nhận 237 tấn xi măng, 50.000 viên gạch hỗ trợ các hộ xây nhà tiêu. Nhờ đó, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 77,3% trong tổng số 961 hộ dân.
Tại Đắk Lắk, toàn tỉnh đã xây dựng và cải tạo được 2.143 nhà tiêu hợp vệ sinh từ chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 – 2020 sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới kết hợp cùng nguồn vốn đối ứng của tỉnh.
Kinh phí xây dựng mỗi nhà tiêu trung bình là 2 triệu đồng; với mức hỗ trợ 50 USD/nhà giúp bà con xây mới hoặc cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh. 30 hộ dân ở xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) đã bỏ thêm từ 1 - 3 triệu đồng để xây dựng nhà tiêu kết hợp nhà tắm nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thói quen sinh hoạt. Hiện toàn xã đã có trên 96% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhờ đó môi trường sạch sẽ hơn hẳn.
Tương tự, ở huyện Krông Ana có 6 xã gồm: Quảng Điền, Bình Hòa, Dray Sáp, Băng Adrênh, Dur Kmăl và Ea Na được hỗ trợ xây dựng tổng cộng trên 1.000 nhà tiêu cho các hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều đáng mừng là sau khi thấy các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhiều hộ khác đã thay đổi nhận thức và làm theo mà không chờ sự hỗ trợ.
Nhiều địa phương trong tỉnh Kon Tum cũng có chuyển biến rõ rệt trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm thiểu tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường. Có được kết quả đáng mừng này một phần là nhờ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn WB đã hỗ trợ xây mới 1.270 nhà tiêu cho các hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã nằm trong chương trình đạt khoảng 70%.
Đến nay, hơn 75% dân số nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần đảm bảo tốt hơn môi trường sống cho người dân khu vực nông thôn và phòng chống dịch bệnh ở các địa phương. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, toàn quốc còn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, nhiều tỉnh còn có tỉ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình đạt thấp dưới 50%. Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi, đến năm 2030 tất cả các hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Do đó, các cấp, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết vệ sinh môi trường ở các hộ gia đình, nơi công cộng, trường học, quan tâm đến môi trường, cảnh quan… để cải thiện các điều kiện vệ sinh, góp phần phòng chống dịch bệnh.