Hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường
10:44 - 22/12/2020
(MTNT)- Hiện nay, xu hướng sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp được nhiều địa phương quan tâm. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, giảm bạc màu đất mà còn đảm bảo sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh, gốc rạ, rơm sẽ phân hủy trong vòng từ 7 - 10 ngày.


Được sự hỗ trợ của Dự án WB7 về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA), năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý gốc rạ sau khi thu hoạch lúa. Mô hình được triển khai tại các huyện: Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên. Tổng diện tích thực hiện 737 ha với 3.065 hộ tại 11 xã đủ điều kiện tham gia.
 
 
Trên cơ sở các hộ được lựa chọn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Ban Quản lý đầu tư các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn, đơn vị chủ đầu tư của dự án thực hiện cấp 1.842,5 kg chế phẩm vi sinh để hỗ trợ nông dân thực hiện. Sau khi sử dụng chế phẩm, gốc rạ, rơm sẽ phân hủy trong vòng từ 7 - 10 ngày, từ đó giúp đất giảm độ phèn, cây mạ bung rễ, mở lá và cứng cây hơn. Đồng thời quá trình sử dụng chế phẩm sẽ giúp tăng cường các vi sinh vật có lợi, giúp phòng các bệnh như: Đạo ôn, khô vằn, bạc lá,… hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ, tăng nguồn phân bón hữu cơ cho đất, giảm phân hóa học, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
 
 
Điển hình tại cánh đồng lúa Mùa của thôn Nà Cọ, xã Kim Thạch, huyện Vị Xuyên, những năm trước đây, để chuẩn bị cho vụ mùa, người nông dân phải làm đất, cài ải và bừa dập gốc rạ từ 15 - 20 ngày, sau đó mới gieo cấy. Năm nay, khi thực hiện mô hình, người dân chỉ mất 7 ngày là toàn bộ số gốc rạ đã mục nát, đất trở nên mềm hơn, tiết kiệm nhân công và chi phí đầu tư. Sau hơn 9 tháng triển khai mô hình CSA tại các huyện, kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế vụ Xuân cao hơn sản xuất đại trà từ 15-20%; về chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, các yếu tố cấu thành năng suất vụ Mùa đều cao hơn ruộng đối chứng; các chỉ tiêu đánh giá khác (tỷ lệ sâu bệnh gây hại) thấp hơn ruộng đối chứng. Từ thành công của mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhân rộng đại trà ra một số địa phương khác.
 
 
Tại tỉnh Bến Tre, năm 2019-2020, hạn mặn đến sớm và kéo dài 6 tháng, xâm nhập sâu, diễn biến gay gắt, khốc liệt; độ mặn 4‰; có thời điểm mặn trên 10‰. Mặc dù các ngành, các cấp ở địa phương cùng nhân dân đã có sự chủ động trong thực hiện các giải pháp ứng phó nhưng mặn đã gây thiệt hại rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại trên cây trồng khoảng 1.660 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực trồng trọt thiệt hại khoảng 1.448 tỷ đồng, lĩnh vực thủy sản gần 212 tỷ đồng.
 
 
Trước tình trạng này, các nhà khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã nghiên cứu chế phẩm vi sinh vật AT Bio – decomposer xử lý mặn. Đây là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật phục hồi sản xuất cây ăn quả trên đất bị nhiễm mặn tại tỉnh Bến Tre”.
 
 
Năm 2020, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Sở KH&CN, các hộ nông dân trồng bưởi da xanh và sầu riêng tại các xã Phú Nhuận, Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre); xã Long Thới, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) thực hiện mô hình thí điểm sử dụng sản phẩm AT Bio Decomposer trên cho cây bưởi da xanh và sầu riêng.
 
 
Trên cây bưởi da xanh, sản phẩm vi sinh xử lý mặn được thực hiện thí điểm tại các vườn ở các xã Phú Nhuận và Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre); trên vườn sầu riêng tại các xã Long Thới, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) trong điều kiện nước mặn khoảng 3‰. Chế phẩm đã đạt kết quả khả quan trên các vườn cây ăn trái trong điều kiện đất bị nhiễm mặn. Đối với bưởi da xanh, chế phẩm vi sinh AT-Bio Decomposer đã phân giải được mặn, giúp hệ rễ phát triển tốt, lá xanh hơn, tạo điều kiện cho cây ra chồi và hoa tốt hơn. Đối với cây sầu riêng (vốn rất mẫn cảm với mặn), khi sử dụng chế phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế chết cây. Thời gian tới, Viện di truyền nông nghiệp phối hợp với tỉnh Bến Tre đề xuất tiếp tục thực nghiệm trên diện rộng với nhiều loại cây trồng khác.
 
 
Là HTX gần trung tâm Hà Nội và góp phần cung cấp thực phẩm cho thủ đô, lúc cao điểm, HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) nuôi hơn 1.000 con lợn và 65ha diện tích trồng rau. Hàng ngày, các xã viên thường phải đối mặt với mùi hôi đặc trưng từ chất thải của gia súc, rau củ quả phế phẩm chất đống.
 
 
Để giải quyết tình trạng này, chị Phạm Thị Lý - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Tiên Dương được các nhà khoa học hướng dẫn cách phân lập 7 vi sinh vật bản địa bao gồm: Bacillus subtilis, Pseudomonas alcaligenes, Bifidobacterium thermophilus, Clostridium pastenisium, Nirosomonas europaea, Saccharomyces cereviseae và Lactobacillus casei với nồng độ mỗi loài từ 106 - 107 CFU/ml. Các loài này không đối kháng hoàn toàn mà hỗ trợ tương sinh cùng nhau phát triển.
 
 
Để tạo ra chế phẩm vi sinh, chị Lý và cộng sự xay mịn chuối chín rồi lần lượt bổ sung rỉ đường, cám gạo, tinh bột, dịch chiết nấm men vào dịch nền pha môi trường, khuấy trộn đều với 10% vi sinh gốc trong 1 giờ ở điều kiện yếm khí. Với hỗn hợp thu được, tiếp tục cho bột cây xuyến chi và bột cây đỗ tương và phần chế phẩm vi sinh gốc còn lại đã được hấp phụ lên than hoạt tính vào rồi ủ trong điều kiện yếm khí nhiệt độ từ 20 đến 25°C trong khoảng 5 - 7 ngày. Trước khi thu hoạch chế phẩm, trộn đều vào hỗn hợp lá sả xay nhuyễn rồi tiếp tục ủ trong 1 ngày.
 
 
Chế phẩm thu được ở dạng lỏng, đậm đặc, có màu nâu vàng, màu trắng xám với mùi thơm dễ chịu đặc trưng của nguyên liệu, nếm có vị chua ngọt, độ pH nhỏ hơn 4,5 được Công bố hợp chuẩn VN 6168 - 2002 vào tháng 2/2017 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 1-0019371 được công bố vào ngày 25/7/2018.
 
 
Thực tế, hiện bà con xã viên đang thực hiện ủ trộn cám ngô, cám gạo, đậu tương với men vi sinh trước khi cho gia súc, gia cầm ăn. Với mỗi kg cám, có thể tiết kiệm từ 7.000 - 8.000 đồng nhờ tác động của men vi sinh thúc đẩy quá trình phân hủy protein trong thức ăn, giúp vật nuôi hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn. Vì thế, cứ sử dụng 25 kg cám, các hộ chăn nuôi sẽ giảm được 20.000 - 25.000 đồng, tương đương giảm được 300.000 - 350.000 đồng/đầu lợn. Việc này giúp chất lượng thịt lợn ngon hơn, chất thải không có nhiều protein nên giảm được 70-80% mùi hôi, phân hủy nhanh (chỉ từ 15-30 ngày) thay vì 3 tháng so với phương pháp ủ truyền thống.
 
 
Hợp tác xã Tiên Dương còn đang phân phối chế phẩm vi sinh gốc VBIO 5n1 với giá 150.000 đồng/lít (trong khi chế phẩm sinh học xuất xứ Mỹ, Thái Lan được chào bán 800.000 - 1 triệu đồng/lít). Từ chế phẩm này, bà con sẽ được hướng dẫn quy trình làm chế phẩm vi sinh bằng cách tạo ra 150-200 lít thành phẩm, hoàn toàn không cần sử dụng đến thuốc hóa học, đảm bảo quy trình nuôi, trồng sạch cung cấp cho người tiêu dùng.
 
 
Năm 2019, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An sản xuất 01 tấn chế phẩm Probiotic và cung ứng cho các hộ chăn nuôi tại huyện Nam Đàn và Diễn Châu. Kết quả của mô hình cho thấy, việc bổ sung chế phẩm probiotic trong khẩu phần ăn của lợn, gà giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn; từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Mô hình có sử dụng thức ăn bổ sung chế phẩm probiotic cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng qui mô, điều kiện chăn nuôi.
 
 
Ngoài ra, Trung tâm đã tiến hành sản xuất và ứng dụng chế phẩm Bio-Adb xử lý nguyên liệu hữu cơ làm đệm lót sinh học tại 04 mô hình trình diễn của 02 huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên trên các gia trại chăn nuôi lợn, gà. Khi sử dụng, chế phẩm phối hợp với chất trộn (trấu, mùn cưa) tạo nên đệm lót sinh học sử dụng cho chăn nuôi lợn, gà. Các mô hình trình diễn được các hộ tham gia đánh giá hiệu quả như: Đệm lót sinh học đạt yêu cầu, tính cảm quan là tơi xốp, có màu nâu đen và mùi thơm của men vi sinh vật. Sau thời gian sử dụng sản phẩm đệm lót sinh học, khu vực chuồng nuôi cũng như môi trường xung quanh giảm thiểu mùi hôi thối rõ rệt, nhờ vậy mật độ nuôi trong chuồng tăng lên mà không làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi.
 
 
Từ quá trình khảo sát thực tế ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (thành phố Đà Nẵng) - cảng cá lớn nhất miền Trung đang bị ô nhiễm nặng nề do khai thác và vận chuyển thủy sản, nhóm nghiên cứu ở Trung tâm công nghệ môi trường (thành phố Đà Nẵng), thuộc Viện công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tìm cách tạo ra một chế phẩm vi sinh có khả năng làm sạch các chất ô nhiễm hữu cơ ở các vùng nuôi trồng và khai thác thủy sản.
 
 
Từ chính nguồn vi sinh vật bản địa, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu bùn đáy ở rất nhiều nơi để phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật. Trải qua một loạt công đoạn từ tuyển chọn cho đến nhân giống cấp 1 và nhân giống cấp 2, nhóm nghiên cứu đã tìm ra 3 loại vi khuẩn phù hợp. Các chủng vi khuẩn này sinh trưởng ở nhiệt độ từ 15-40oC, có khả năng sinh tổng hợp mạnh các enzym ngoại bào như: Xenlulaza, amylaza, proteaza cao - giúp thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước và trong bùn đáy.
 
 
Bên cạnh vi khuẩn, một thành phần khác không kém phần quan trọng trong chế phẩm vi sinh xử lý nước thải là chất mang - thành phần cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất, đồng thời làm giá thể để các vi sinh vật bám vào. Việc lựa chọn chất mang rất quan trọng bởi chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng chế phẩm. Dựa trên những kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ môi trường, nhóm nghiên cứu đã tìm ra công thức phối trộn chất mang tối ưu: 10% cám gạo, 10% vỏ trấu, 40% than bùn và 40% diatomit. Sau khi trộn đều các chất mang và sấy khô ở 130oC, nhóm nghiên cứu đã bổ sung thêm 10% dịch giống cấp 2 của ba chủng vi khuẩn trên và ép thành viên nén.
 
 
Nhờ tính năng mới và khả năng ứng dụng cao, chế phẩm vi sinh chịu mặn dùng để xử lý nước bùn đáy và nước bị ô nhiễm chất hữu cơ ở các vùng nước lợ và nước mặn, nghiên cứu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002100, công bố ngày 25/09/2019.
Quá trình thử nghiệm đã chứng minh hiệu quả xử lý ô nhiễm của chế phẩm: Sau 63 ngày theo dõi trong phòng thí nghiệm (thử nghiệm với mẫu nước lấy từ âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), chế phẩm có khả năng cải thiện chất lượng nước rõ rệt so với trước khi xử lý, các chỉ tiêu COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD (nhu cầu oxy sinh học) - hai tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ ô nhiễm nước và NH4+ ở mẫu nước xử lý đều đạt quy chuẩn chất lượng nước QCVN 08:2015/BTNMT.
 
 
Có thể thấy, tiềm năng sử dụng các chế phẩm sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững rất lớn, là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Vì vậy, các cấp, các ngành cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn bà con ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng hàng nông sản, tăng thu nhập và cải thiện môi trường.

Nguyễn Phi
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn