|
Nhiều năm nay, rơm, rạ vẫn bị đốt bỏ ở ngoài ruộng gây lãng phí một nguồn tài nguyên lớn và ô nhiễm môi trường. |
Tại vựa lúa số 1 của Việt Nam – đồng bằng sông Cửu Long, trước đây rơm thường bỏ phí trên ruộng đồng nhưng hiện nay nhiều hộ dân đã tận dụng mang đi bán để vừa có thêm thu nhập lại bảo vệ môi trường.
Trung bình một ha ruộng người dân sẽ thu được 2,5-3 triệu đồng từ bán rơm, rạ. Rất nhiều doanh nghiệp đứng ra thu mua rơm làm nấm xuất khẩu hoặc phân bón. Từ năm 2015, Nông trường Sông Hậu (thành phố Cần Thơ) đã có dự án chế biến rơm xuất khẩu sang Nhật dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Để vận chuyển đi xa, rơm được người dân sử dụng máy cuộn thành hình tròn, mỗi cuộn có giá khoảng 18.000-20.000 đồng; cuốn gia công thì rẻ hơn một nửa. Vào mùa hạn hán, thức ăn cho gia súc thiếu, có thời điểm rơm, rạ lên đến 40.000-45.000 đồng/cuộn mà người dân không đủ cung cấp.
Bên cạnh đó, rơm, rạ có thể ủ dùng làm phân bón. Sau mùa thu hoạch, nhiều hộ dân đã vùi rơm vào đất như cách để lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau giúp duy trì đạm và các-bon trong đất. Đây là phương pháp thông dụng được người dân thực hiện ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, rơm, rạ tươi không thể vùi ngay vào trong đất vì tỉ lệ C:N (Các-bon:Ni-tơ) rất cao, có thể dẫn đến làm giảm lượng dinh dưỡng hữu dụng quan trọng đối với sinh trưởng của cây trồng.
Tối ưu nhất hiện nay là dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ. Các chế phẩm giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong rơm, rạ sau thu hoạch, đồng thời làm tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất. Theo tính toán, nếu sử dụng chế phẩm sinh học tốt thì trong một tấn phân bón hữu cơ làm từ rơm, rạ sẽ có: 10 kg đạm, 9,5 kg lân, 21 kg kali.
Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng nghiên cứu thành công công nghệ vi sinh xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Ước tính cứ một tấn phân bón hữu cơ từ rơm, rạ, nông dân tiết kiệm được gần 500.000 đồng.
Vụ xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thực hiện mô hình xử lý rơm, rạ trên diện tích 50 ha ở thôn Trình Xá, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai với sự tham gia của 105 hộ. Trong quá trình triển khai, chế phẩm sinh học được dùng là AT-YTB, liều lượng 200g cho 1 sào (360 m2) bón bằng cách làm ẩm với nước trộn đều với cát, rắc đều trên bề mặt ruộng vẫn còn nguyên rơm, rạ, sau đó tiến hành bừa dập rạ, giữ nước thường xuyên để thuận lợi cho vi sinh vật phân hủy. Sau khi xử lý khoảng 2 tuần sẽ tiến hành bừa cấy. Lúc đó, rơm, rạ cơ bản đã hoai mục hoàn toàn làm cho lượng bùn tăng lên, bùn nhuyễn, không còn mùi hôi tanh, trở thành nguồn phân bón hữu cơ và tái tạo lại sự cân bằng cho đất, giảm thiểu sâu bệnh gây hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại.
Giai đoạn 2017-2020, UBND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ 40% kinh phí để người dân mua chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ. Hội ND các cấp triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ...
Theo các nhà khoa học, trồng nấm được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm, rạ hiệu quả nhất. Nấm rất giàu protein, được nhiều người ưa chuộng. Hiện mô hình trồng nấm rơm được nhiều địa phương ứng dụng bởi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống. Có gia đình thu nhập từ nấm mỗi năm lên đến vài chục triệu đồng.
Làm nấm rơm, người dân không cần phân bón vì rơm, rạ khi phân hủy đã cung cấp đủ dinh dưỡng cho nấm phát triển. Người trồng cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư, chỉ cần dành nhiều thời gian theo dõi nhiệt độ và độ ẩm.
Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang phát triển nghề chăn nuôi bò với quy mô lớn, do đó nhu cầu về rơm, rạ dùng làm thức ăn chăn nuôi rất cao. Qua nghiên cứu, rơm, rạ chứa hàm lượng năng lượng và dinh dưỡng mà gia súc có thể tiêu hóa được. Mặt khác, lượng nhiệt được sinh ra trong ruột con vật ăn cỏ nên việc tiêu hóa rơm, rạ có thể hữu ích trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể vật nuôi.
Nhằm tìm giải pháp nâng cao khả năng tái sử dụng rơm, rạ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, một nhóm các nhà khoa học chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành một số nghiên cứu xử lý kiềm hoá rơm tươi sau khi thu hoạch nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng và bảo quản được lâu dài trong việc dùng làm thức ăn chăn nuôi. Theo đó, kiềm hoá rơm tươi bằng urê cho phép bảo quản rơm không bị mốc, không bị tổn thất chất hữu cơ, làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hoá. Nhờ đó, bò ăn được nhiều rơm hơn và cho năng suất cao hơn so với ăn bằng rơm tươi hay khô mà không qua xử lý.
Ngoài ra, xử lý rơm tươi ngay sau khi thu hoạch không những cho phép cải thiện chất lượng dinh dưỡng của rơm mà còn khắc phục được những hạn chế của việc xử lý rơm khô (tốn nhiều thời gian và lao động phơi rơm; phụ thuộc nhiều vào thời tiết; mất nhiều chất dinh dưỡng và rơi vãi trong quá trình phơi). Từ đó, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người nông dân khai thác tốt nguồn phụ phẩm dồi dào này để chăn nuôi trâu, bò.
Người nông dân hoàn toàn có thể tự áp dụng phương pháp này để tạo ra giá trị từ rơm, rạ. Sử dụng công thức: 100kg rơm khô + 4kg urê + 100 lít nước. Có thể dùng hố ủ nửa chìm (như phương pháp ủ chua), hoặc xây bể nổi hoặc ủ trong bao nilon dầy hoặc ủ thành cây rơm xung quanh có ni lông bao phủ kín và có dây buộc chặt; tùy vào lượng rơm cần ủ mà chọn kích thước cho phù hợp. Đây là phương pháp làm cho rơm mềm, có mùi thơm dễ chịu. |
Hiện, kỹ thuật kiềm hóa rơm đã được chuyển giao cho nhiều địa phương và cơ sở chăn nuôi có quy mô khác nhau áp dụng và cho kết quả tốt. Tại Tuyên Quang, kỹ thuật bảo quản rơm tươi rất đơn giản, dễ làm, phù hợp với trình độ của người nông dân. Rơm ủ từ 3-6 tháng có màu vàng đậm, mềm. Trâu, bò ăn rơm ủ tiêu hoá tốt, lông mượt. Phương pháp bảo quản rơm tươi làm thức ăn cho đàn trâu, bò đã giúp cơ sở chăn nuôi bò sữa, các trang trại, các hộ gia đình chăn nuôi có nguồn thức ăn dự trữ trong vụ đông….
Phương pháp này cũng đã được chuyển giao cho Công ty CP Thực phẩm sữa TH ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, giúp tận dụng được hàng chục ngàn tấn rơm với hàm lượng đạm tăng cao gấp hơn hai lần so với rơm thông thường. Việc thu mua rơm, rạ làm thức ăn cho bò đã tạo ra nguồn thu nhập thêm đáng kể cho người nông dân trồng lúa, hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ trên đồng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái đồng ruộng.
Năm 2013, Viện Dầu khí Việt Nam đã công bố công trình nghiên cứu biến rơm, rạ và các phụ phẩm (trấu, bã mía) thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil).
Với hiệu suất thu hồi lỏng dầu sinh học, nguồn nguyên liệu rơm, rạ của Việt Nam có thể sản xuất được 31 triệu tấn bio-oil/năm để làm nhiên liệu thay thế; đồng thời, có thể nâng cấp để sản xuất xăng, dầu diezel trong tương lai gần. Nếu được ứng dụng vào thực tiễn, người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập nhờ cung cấp rơm, rạ cho các công ty sản xuất nhiên liệu, vừa giải quyết tốt bài toán đốt rơm, rạ ngoài đồng ruộng.