|
Người chăn nuôi trong xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đã được Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP) do ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ |
Với kết cấu khép kín giúp tái sử dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt, lượng khí biogas cung cấp khí đốt phục vụ nhu cầu đun nấu, thắp sáng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Nước thải sau hầm biogas chứa đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đa, trung, vi lượng, được sử dụng để bón cho vườn cây ăn quả và trồng cỏ đều rất tốt. Lượng chất thải chăn nuôi sau khi đã qua phân hủy ở hầm biogas có thể sử dụng làm phân bón, ít bị các mầm bệnh gây hại.
Công nghệ biogas đã được áp dụng phổ biến tại hầu hết các nước Châu Âu (Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Bỉ…) và nhiều quốc gia khác như: Nhật Bản, Mỹ, Canada…
Toàn xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) có trên 71.000 con gia súc, gia cầm, chính quyền xã đã tuyên truyền về lợi ích của việc lắp đặt hầm biogas cho các hộ chăn nuôi. Chi phí xây dựng hầm biogas không lớn, chỉ từ 8-12 triệu đồng/hầm có dung tích từ 6-12 m³, sử dụng cho 1 gia đình chăn nuôi từ 10-20 con lợn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi trong xã còn được Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp (LCASP) do ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ; Hội ND tỉnh cũng hỗ trợ xã xây dựng 12 hầm biogas tại các bản Hua Tạt và Suối Lìn. Đến nay, toàn xã có trên 70 hộ dân xây dựng hầm biogas.
Điển hình như gia đình chị Bàn Thanh Bình ở bản Suối Lìn đang nuôi 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt; nguồn chất thải qua xử lý biogas tạo chất đốt (tiết kiệm hơn 10 triệu đồng/năm) và nguồn điện thắp sáng. Hay như hộ anh Tráng A Cao ở bản Hua Tạt nuôi hơn 30 con lợn, 3 con bò; lắp đặt hệ thống biogas nên đã tận dụng nguồn chất đốt phục vụ trong sinh hoạt và nấu thức ăn cho đàn vật nuôi; khu vực chuồng trại luôn sạch sẽ nhờ hạn chế mùi hôi từ chất thải chăn nuôi.
Các cấp Hội ND trong tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng hầm bể biogas bằng vật liệu composite. Để tạo cơ chế thuận lợi, Hội ND tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 quy định cho hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh vay vốn được hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn có kết hợp xây dựng hầm bể biogas bằng vật liệu nhựa composite. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng 1,2 triệu đồng/bể; các hộ được vay tối đa 18 triệu đồng và hỗ trợ lãi suất 36 tháng (hộ nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất; các hộ khác 50% lãi suất). UBND tỉnh còn ban hành Quyết định số 303/QĐ-UBND quy định cho hội viên, nông dân thuộc 7 xã điểm xây dựng nông thôn mới được vay vốn và hỗ trợ lãi suất tiền vay để xây dựng công trình nhà tiêu và hệ thống chuồng trại chăn nuôi; mức vay tối đa 12 triệu đồng/hộ và được hỗ trợ lãi suất 24 tháng (hộ nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất; các hộ khác 50%).
Thực hiện Quyết định 30 và 303 của UBND tỉnh, đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành và ngân hàng tổ chức đăng ký, thẩm định, giải ngân cho hàng chục lượt hộ vay 124,4 tỷ đồng; hỗ trợ tiền và lãi suất vay gần 11,7 tỷ đồng để xây dựng hầm bể biogas và 3 công trình vệ sinh. Tổng số công trình xây dựng từ năm 2012 đến nay là 5.953 hầm biogas, góp phần đạt và duy trì tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội, tổng lượng chất thải rắn từ chăn nuôi gia súc khoảng trên 2,5 triệu tấn/năm, chăn nuôi gia cầm khoảng 600 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, trong chăn nuôi, vấn đề ô nhiễm nước thải chủ yếu từ hoạt động chăn nuôi lợn. Theo tính toán, nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 24 lít nước thải/con/ngày, như vậy cả năm sẽ có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.
Để xử lý tình trạng này, 15 năm qua, công nghệ khí sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi quy mô nông hộ. Bà con sử dụng công nghệ làm hầm biogas bằng nhựa composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt, năng lượng cho máy phát điện và còn là nguồn nguyên liệu để nuôi giun quế. Đến nay, toàn thành phố có 75% số trại nuôi bò sữa, 44% số trại nuôi bò thịt, 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas.
Điển hình như ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) hiện có 885 hộ dân chăn nuôi 4.357 con bò sữa và bò thịt; ngoài ra, còn hơn 100 hộ nuôi 7.775 con lợn, 24.673 con gia cầm nên lượng chất thải rất lớn. Được cán bộ huyện hướng dẫn việc chăn nuôi trọng điểm kỹ thuật xử lý chất thải, nhiều hộ gia đình đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải của đàn bò. Từ ngày làm hầm biogas, mùi hôi và ruồi, muỗi do chất thải chăn nuôi gây ra đã giảm đáng kể; nhiều gia đình còn tiết kiệm được từ 200.000 - 300.000 đồng tiền mua nhiên liệu đun nấu, nhờ sử dụng khí gas từ hầm biogas.
Trước đây, lượng chất thải của các áo nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Cái Nước tại tỉnh Cà Mau được chứa trong khu xử lý chất thải lâu ngày với số lượng lớn nên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, gần 10 hộ dân trong huyện đang áp dụng quy trình biogas trong chăn nuôi để xử lý chất thải nuôi tôm siêu thâm canh và bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Tiêu biểu là hộ ông Trần Quốc Việt ở ấp Tân Ánh, xã Phú Hưng với 3 ao tôm nuôi siêu thâm canh, diện tích tương đương 5.000 m2. Ông đã sử dụng bạt trải đầm tôm có chiều rộng 8 m, chiều dài hơn 20 m và dùng máy ép tấm bạt thành hình ống để làm túi ủ biogas, được đặt dưới ao xử lý chất thải. Một đầu túi ủ được bịt kín, đầu còn lại đấu nối với ống nhựa (đường kính 140 mm) dẫn đến khu vực ao tôm. Khi xi-phông, chất thải từ dưới ao nuôi thông qua hệ thống lược, tách phần xác tôm lột đưa ra ngoài phơi khô dùng làm phân, phần chất thải của tôm và thức ăn dư thừa được đưa về túi biogas để xử lý.
Với cách xử lý này, môi trường nguồn nước và không khí ở khu vực nuôi tôm siêu thâm canh của gia đình ông Việt luôn được đảm bảo; đồng thời, còn có nguồn khí gas phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc dùng bạt trải đầm tôm làm để làm túi biogas giá thành tuy có cao hơn so với cao su trắng bán trên thị trường nhưng bù lại an toàn hơn, không sợ bị rò rỉ khí gas và thời gian sử dụng có thể kéo dài từ 3-5 năm.
Có thể thấy, việc sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thuỷ sản đã được người dân tích cực áp dụng. Đây là một trong những điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.