Tăng cường quản lý, thu gom chất thải rắn
10:11 - 01/10/2020
(MTNT) - Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đã được các tỉnh, thành hưởng ứng tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Các địa phương cần tích cực triển khai thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn



Hiện, tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Phú Yên trung bình khoảng 524 tấn/ngày.


Năng lực thu gom của tỉnh chỉ đạt 448 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85,5%. Trên địa bàn tỉnh có 20 bãi chôn lấp chất thải tập trung.


Ngoài ra, một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương, rác thải từ lồng bè nuôi trồng thủy sản theo gió đưa vào đất liền các huyện ven biển của tỉnh chưa được thu gom xử lý triệt để cũng đang là một thách thức lớn về môi trường tại tỉnh.


Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải bằng xe chuyên dùng, nhiều mô hình hạn chế rác thải được triển khai tại tỉnh từng bước nâng cao ý thức của cộng đồng trong về tác hại của chất thải rắn như: mô hình thu gom rác từ lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ở Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu; thu tái chế chai nhựa và pin làm vật liệu xây dựng tại Trường cao đẳng nghề Phú Yên; tái chế rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học ở xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa và khách sạn Kaya.


Đồng thời, tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại, giảm thiểu phát thải, tái chế rác thải, biến rác thành tài nguyên.


Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu là địa phương được chọn để triển khai mô hình điểm thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Xuân Đài.


Phạm vi của mô hình có 224 hộ dân tham gia, thu gom ba lần/tuần. Mô hình này bước đầu giúp nâng cao ý thức của người dân về tác hại của rác thải đối với môi trường biển, giảm lượng rác thải ra vịnh.


Để phát huy hiệu quả mô hình, tới đây, phường sẽ nhân rộng mô hình thu gom rác thải vùng nuôi thủy sản ở các địa phương có nuôi trồng thủy sản trên biển, tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên biển.


Để xây dựng Phú Yên trở thành tỉnh xanh - sạch - đẹp, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao hiệu quả thu gom vận chuyển chất thải, nhân rộng các mô hình điểm về xử lí rác thải nhựa, nhựa đại dương, giám sát thu gom vận chuyển rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% lượng rác thải nhựa ra môi trường.


Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, UBND thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã có Công văn số 1551/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát về thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.



Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các xã, phường tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, duy trì tốt hoạt động vệ sinh môi trường tại khu dân cư, đổ rác thải đúng thời gian, địa điểm quy định; tuyệt đối không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là các khu vực sông, suối, ao hồ; triển khai thu gom, xử lý chất thải trên các sông, suối, ao hồ, cửa sông ven biển và những điểm du lịch trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng lâu ngày gây ô nhiễm môi trường.


Các xã, phường tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” và phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý đối với chất thải xây dựng, phế thải sản xuất, không để xảy ra tình trạng các phương tiện vận chuyển để rơi vãi đất thải, phế thải, vật liệu xây dựng trên các tuyến đường giao thông hoặc đổ thải, tập kết không đúng nơi quy định; đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp đổ rác hoặc tập kết rác thải không đúng nơi quy định.


Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, bước đầu đã tạo sự chuyển biến và đạt được một số kết quả.


Chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định; chính quyền cấp huyện, cấp xã đã quan tâm đầu tư hệ thống thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương; hoạt động truyền thông về môi trường được thực hiện; ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức được nâng lên; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị hàng năm được nâng lên. Kết quả quan trắc môi trường hàng năm, các chỉ số môi trường được đảm bảo; không phát sinh các khu vực ô nhiễm môi trường lớn.


Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số công trình thi công xây dựng thủy điện, giao thông, khai thác khoáng sản…, đổ thải không đúng vị trí gây cản trở dòng chảy các sông suối, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; chất thải sinh hoạt tại một số khu vực dân cư chưa được thu gom, xử lý đúng quy định.



Có thể nói, việc lạm dụng các sản phẩm từ nhựa đã trở thành thói quen trong sinh hoạt, những sản phẩm này thải ra môi trường sau khi sử dụng rất khó phân hủy, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người, do đó mỗi chúng ta cần chung tay đẩy lùi vấn nạn này nhằm đẩy lùi ô nhiễm.

 

Mai Liên

 

Nguồn:
https://baotainguyenmoitruong.vn/lai-chau-tang-cuong-quan-ly-chat-thai-ran-313017.html
https://nhandan.com.vn/vi-moi-truong-xanh/tang-cuong-quan-ly-chat-thai-ran-va-rac-thai-nhua-tai-phu-yen-475074/
https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-giam-sat-ve-thu-gom-xu-ly-rac-thai-tren-dia-ban-thanh-pho.htm

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn