Sử dụng phân bón sai cách gây ô nhiễm môi trường
14:45 - 28/09/2020
(MTNT)- Phân bón là loại hoá chất, nếu như sử dụng đúng theo quy định sẽ phát huy được những ưu thế, tác dụng, đem lại sự mầu mỡ cho đất đai, tạo thành sản phẩm trồng trọt nuôi sống con người, gia súc. Ngược lại, phân bón lại chính là một trong những tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và môi trường sống.
Để hạn chế tối đa lượng dư thừa trong đất do việc bón phân quá liều, bà con cần thay đổi chuyển từ bón vãi trên mặt đất sang vùi phân bón vào trong đất.


Theo số liệu của các chuyên gia Việt Nam, hiện nay hiệu suất sử dụng phân đạm mới chỉ đạt từ 30-45%, lân từ 40-45% và kali từ 40-50%, tuỳ theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón… Như vậy, còn 60 - 65% lượng đạm, tương đương với 1,77 triệu tấn urê; 55 - 60% lượng lân, tương đương với 2,07 triệu tấn supe lân và 55-60% lượng kali, tương đương với 344 nghìn tấn Kali Clorua (KCl) tuy bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng.
 
 
Số phân bón này, một phần còn lại ở trong đất, một phần bị rửa trôi theo nước mặt do mưa, theo các công trình thuỷ lợi ra các ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm. Ngoài ra còn bị rửa trôi theo chiều dọc, ngấm xuống tầng nước ngầm hoặc bị bay hơi do tác động của nhiệt độ gây ô nhiễm không khí.
 
 
Ở nước ta, hàng năm sản xuất hàng triệu tấn phân lân từ các nhà máy lớn (Supephotphat Lâm Thao, Long Thành, Đồng Nai, Văn Điển và Ninh Bình). Trong nguyên liệu sản xuất phân lân có chứa 3% Flo; khoảng 50 - 60% lượng Flo này nằm lại trong phân bón. Khi bón nhiều phân lân sẽ làm tăng hàm lượng Flo trong đất và làm ô nhiễm đất khi hàm lượng của nó đạt tới 10 mg/1kg đất. Đồng thời, trong chất thải của các nhà máy sản xuất phân lân có chứa 96,9% chất gây ô nhiễm (chủ yếu là Flo). Flo gây độc cho người và gia súc, kìm hãm hoạt động của một số enzyme, ngăn quá trình quang hợp và tổng hợp protein ở thực vật.
 
 
Khi bón đạm cho cây trồng, cây chỉ sử dụng được 40 - 60%, phần còn lại nằm trong đất và gây ô nhiễm đất. Các nhà nghiên cứu về dinh dưỡng cây trồng thường nói đến ảnh hưởng xấu của hàm lượng nitrat quá cao trong nông sản có thể gây ung thư. Việc bón thúc đạm sẽ làm cho hàm lượng nitrat tích lũy trên mặt đất và làm giảm chất lượng nước. Bón đạm cho cây trồng từ phân khoáng và phân hữu cơ còn có một lượng khí thải đưa vào không khí: Khí NH3 làm ô nhiễm môi trường không khí; khí NO2 làm ảnh hưởng đến tầng ôzôn (thường số lượng khí N2O sản sinh ra từ phân bón là 15%).
 
 
Nếu trong sản phẩm có chứa nhiều đạm, nhất là không cân đối thì đạm sẽ chuyển từ NH4- sang dạng Nitrat (NO3-) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thuỷ sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn do sử dụng nguồn nước. Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và photpho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người, nhất là trẻ em.
 
 
Hàm lượng NO3- tồn dư trong các loại rau rất cao. Nguyên nhân là do sử dụng không hợp lý liều lượng; tỷ lệ phân đạm vô cơ và hữu cơ bón cho cây; phương thức bón không đúng do chạy theo lợi nhuận (bón thúc trễ, sát với thời điểm thu hoạch); sử dụng nguồn nước tưới có hàm lượng NO3- rửa trôi cao.
 
 
Ngoài ra, thừa đạm làm cho vỏ tế bào cây trở nên mỏng, tạo điều kiện dễ dàng cho một số loài vi sinh vật gây bệnh xâm nhập; kích thích một số loài vi sinh vật trong đất xâm nhập vào rễ và gây hại cho cây. Sâu bệnh xuất hiện nhiều làm số lần phun thuốc tăng theo cũng sẽ làm ô nhiễm môi trường.
 
 
Trong số đó, thừa phân đạm trong sản xuất lúa là vấn đề đáng được quan tâm nhất. Hiện hầu hết nông dân đều bón quá dư thừa lượng đạm gây nên hiện tượng lúa lốp, tăng quá trình cảm nhiễm với sâu bệnh, dễ bị đổ ngã. Biểu hiện của việc bón dư thừa đạm qua quan sát bằng mắt thường cho thấy màu lá cây thường xanh mướt hoặc nếu quá dư thừa thì lá màu xanh đậm. Nếu sử dụng bảng so màu lá thì độ đậm của màu lá càng được thấy rõ hơn. Chương trình 3 giảm, 3 tăng cũng là những minh chứng cho việc lạm dụng bón quá dư thừa lượng đạm.
 
 
Phân vô cơ có nhiều tác dụng, đó là yếu tố cần thiết cho việc thâm canh tăng năng suất, thiếu phân vô cơ sẽ không thể cho năng suất cây trồng cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng đúng kỹ thuật vì nếu không sẽ gây ra hậu quả không tốt.
 
 
Trong phân chuồng, phân bắc chưa hoai mục có chứa nhiều mầm bệnh ảnh hưởng tới người và gia súc; còn có thể gây hại cho rễ cây. Vì thế, bón phân chuồng khi chưa hoai mục sẽ phản tác dụng.
 
 
Các yếu tố dinh dưỡng vi lượng như: Đồng (Cu), Kẽm (Zn)… rất cần thiết cho cây trồng sinh trưởng và phát triển; nâng cao khả năng chống chịu cho cây trồng. Tuy nhiên, khi lạm dụng các yếu tố trên lại trở thành những kim loại nặng, khi vượt quá mức sử dụng cho phép đều gây độc hại đối với con người và gia súc. Hiện nay với kỹ thuật sử dụng phân bón lá các loại phân bón vi lượng (trong đó có Cu và Zn) được bón trực tiếp cho cây dưới dạng Chelate (dạng mạch vòng) hoặc kết hợp với các chất khác để quá trình hấp thu vào cây được nhanh và thuận lợi, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Song, nếu sử dụng cho các loại rau ăn lá, cây chè và các loại quả không có vỏ bóc mà không chú ý tới thời gian cách ly và liều lượng theo đúng quy định thì các yếu tố dinh dưỡng trên lại trở thành độc hại.
 
 
Theo quy định hiện hành, các kim loại nặng có trong phân bón gồm: Asen (As), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg) và Cadimi (Cd). Các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E. Coli, Salmonella, Coliform (gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm).
Phân bón có chứa kim loại nặng và vi sinh vật gây hại thường gặp trong sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là rác thải đô thị, phế thải công nghiệp chế biến từ nông sản, thực phẩm, phế thải chăn nuôi… để tận dụng nguồn hữu cơ... Do đã có một số nhà máy sử dụng các nguồn nguyên liệu nêu trên để sản xuất ra các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh để bón trở lại cho cây trồng nên sẽ gây ra ô nhiễm thứ cấp vì chứa các kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây hại vượt mức quy định.
 
 
Để hạn chế tối đa lượng dư thừa trong đất do việc bón phân quá liều, bà con cần thay đổi chuyển từ bón vãi trên mặt đất sang vùi phân bón vào trong đất. Xét về mặt hoá học thì đất, các keo đất là những keo âm (-) còn các yếu tố dinh dưỡng hầu hết là mang điện tích dương (+). Khi bón phân vào đất, được vùi lấp cẩn thận, các keo đất sẽ giữ lại chất dinh dưỡng và nhả ra một cách từ từ tuỳ theo yêu cầu của cây trồng theo từng thời kỳ sinh trưởng. Các nghiên cứu cho thấy, bón phân có vùi lấp không chỉ có tác dụng hạn chế sự mất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng mà còn giảm bớt ô nhiễm môi trường (bón phân có vùi lấp đạt từ 70-80%; bón rải trên bề mặt chỉ đạt từ 20-30%).
 
 
Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các loại phân bón hoặc các chất có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng của phân bón. Hiện đã có một số loại phân bón hoặc các chế phẩm có khả năng làm tăng hiệu suất sử dụng đạm từ 25-50% khi sử dụng phối hợp với phân đạm. Cơ chế tăng hiệu suất sử dụng dinh dưỡng được xác định do việc hạn chế hoạt động của men phân giải Ureaza, men làm mất đạm; tăng khả năng lưu dẫn N cho cây trồng. Các loại phân bón có công dụng nêu trên như: NEB 26, Wehg, Agrotain… có thể giảm ¼ đến ½ lượng đạm so với lượng dùng thông thường mà cây trồng vẫn cho năng suất cao, chất lượng nông sản tốt.
 
 
Cần sử dụng các loại phân bón dạng chậm tan (slow release fertilizer) để cây trồng sử dụng một cách từ từ, tăng hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường.
 
 
Đồng thời, tích cực triển khai chương trình 3 giảm (giảm lượng đạm bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng hạt giống gieo đối với các tỉnh phía Nam hoặc giảm lượng nước tưới đối với các tỉnh phía Bắc); 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế), bón phân theo bảng so màu, tiết kiệm tối đa lượng đạm bón nhưng vẫn đem lại năng suất cao. Thực hiện bón phân cân đối, lượng đạm có thể giảm từ 1,7 kg/sào Bắc bộ, tương đương với 47 kg urê/ha tuỳ từng chân đất. Tổ chức hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc “năm đúng”: Đúng loại phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời vụ, đúng cách bón, góp phần tăng hiệu suất sử dụng phân bón, tránh lãng phí và giảm ô nhiễm môi trường.
 
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết năm 2019, có 23.097 sản phẩm phân bón đã được công nhận lưu hành. Trong đó, phân bón vô cơ có 19.049 sản phẩm (chiếm 82,5%), 4.048 sản phẩm phân bón hữu cơ, bao gồm cả phân bón sinh học (chiếm 17,5%). Cả nước có tổng số 814 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất đạt 32,27 triệu tấn/năm. Trong đó, 576 nhà máy sản xuất phân bón vô cơ (công suất 28,8 triệu tấn/năm, chiếm 89,3%), 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (công suất 3,47 triệu tấn/năm, chiếm 10,7%).
 
Thế Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn