Nâng cao hiệu quả mô hình bể thu gom bao bì thuốc BVTV
11:45 - 28/09/2020
(MTNT)- Hiện nay, tại nhiều địa phương, số lượng bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng còn ít, số bể chứa chưa đạt chuẩn còn cao. Nhiều bể chứa thiếu kinh phí duy tu, hoạt động, không có khu vực lưu chứa tập trung dẫn tới một số bể đã đầy nhưng chưa được thu gom, xử lý, làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh và các vùng sản xuất nông nghiệp.
Người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa.


Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có gần 300 bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, tập trung tại huyện Điện Biên (134 bể) và thành phố Điện Biên Phủ (71 bể). Tuy nhiên, nhiều bể chứa không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
 
 
Theo người dân, việc bố trí các bể thu gom chưa hợp lý như: Bể đặt gần khu dân cư; số lượng bể quá ít so với diện tích canh tác nên người dân phải đi quá xa mới có thể bỏ được vỏ thuốc BVTV; thiết kế bể còn bất tiện cho việc thu gom…
 
 
Tại xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, mỗi thôn đều được đầu tư xây dựng một bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân lại chưa có ý thức thu gom vỏ bao vào đúng nơi quy định.
 
 
Thậm chí ở một số nơi cơ quan chức năng đã xây dựng các bể chứa vỏ, gói thuốc BVTV ở vị trí thuận tiện ngay tại các cánh đồng nhưng nhiều người vẫn chưa hợp tác thực hiện. Hoặc có nơi, người dân dù tuân thủ quy định bỏ rác vào bể chứa nhưng khi đầy lại chưa được vận chuyển, xử lý theo quy định về chất thải nguy hại dẫn đến nguy cơ làm ô nhiễm môi trường. Cũng có trường hợp người dân cho tất cả các loại rác thải, vật liệu phế thải không phải là bao bì thuốc BVTV vào bể chứa gây khó khăn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
 
 
Là tỉnh trung du miền núi, Phú Thọ có trên 97 nghìn ha đất nông nghiệp, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 110 ngàn ha. Trong đó, cây lương thực có hạt trên 78 ngàn ha; cây lâu năm trên 31 ngàn ha (cây chè 16 ngàn ha, cây ăn quả trên 13 ngàn ha...). Nhờ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên hàng năm, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tương đối lớn, khoảng 100 tấn/năm. Như vậy, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 5 tấn vỏ, bao gói thuốc BVTV phát thải ra môi trường, tương đương với 5% lượng thuốc BVTV tiêu thụ.
 
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua các cấp, ngành đã tích cực triển khai các mô hình điểm về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; xây dựng, lắp đặt các bể thu gom tại các địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thu gom bao gói thuốc BVTV về đúng nơi quy định...
 
 
Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, cứ 3ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây lâu năm có sử dụng thuốc BVTV thì phải có 1 bể chứa bao gói thuốc BVTV. Như vậy tính trên tổng số diện tích gieo trồng hàng năm, ước tính toàn tỉnh cần có 18.000 bể chứa vỏ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, thực tế tỉnh hiện mới có 5.282 bể chứa (đạt 29,34% so với yêu cầu); bên cạnh đó, vẫn còn hơn 900 bể chứa được xây dựng giai đoạn đầu chưa đúng quy cách, vị trí đặt bể chưa hợp lý; một bộ phận người dân chưa thực hiện tốt việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, công tác tiêu hủy chưa được thực hiện đúng quy định...
 
 
Tại Quảng Trị, những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây các bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 3.000 bể chứa bao gói thuốc BVTV đặt tại các cánh đồng; tuy nhiên, thực tế lại cần đến 8.000 bể chứa. Khi các bể chứa đầy thì ngành chức năng lại chưa có giải pháp để xử lí nên vô tình đã gây ô nhiễm môi trường trở lại.
 
 
Năm 2019, chỉ tính riêng huyện Hướng Hóa đã sử dụng khoảng 12 tấn thuốc BVTV các loại, chủ yếu là thuốc trừ cỏ. Đa số các hộ dân sử dụng thuốc BVTV chưa thực hiện nghiêm việc thu gom bao gói thuốc BVTV về đúng nơi quy định;  vẫn còn thói quen tự ý vứt bỏ bừa bãi trên khe suối, nương rẫy, bờ ruộng dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nhiều địa phương vẫn còn xử lý rác thải thuốc BVTV theo hướng thông thường như chôn, đốt và chưa tuân thủ Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT.
 
 
Bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm chất thải nguy hại, ảnh hưởng tới môi trường, sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người. Thậm chí, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.
 
 
Việc thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng là một chuyện, nhưng xử lí loại rác thải này sao cho đúng cách lại là chuyện cần bàn bởi đây không phải là rác thải thông thường. Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lí bao gói thuốc sau sử dụng thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người sử dụng, đó là: “Người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa, không để chung bao gói thuốc sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Bao gói thuốc sau khi sử dụng xong thì không được sử dụng vào các mục đích khác, không tự ý xử lí, đem chôn, hoặc đốt”.
 
 
Những bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng nếu không được thu gom và tiêu hủy đúng quy định sẽ trở thành các loại rác thải nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giúp cho người dân hiểu rõ về tác hại của việc vứt bỏ tràn lan vỏ thuốc BVTV sau sử dụng; đồng thời, thông tin nhanh chóng, kịp thời, dễ hiểu các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng để người dân dễ tiếp thu và thực hiện.
 
 
Các cấp, ngành nên huy động nguồn lực để xây dựng các bể chứa theo đúng quy định và đảm bảo đủ số lượng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng;  thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến nghị người dân sử dụng hợp lý thuốc BVTV trên cây trồng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, theo nguyên tắc “4 đúng”; tích cực áp dụng biện pháp canh tác bền vững (SRI, 3 giảm 3 tăng, IPM, ICM...) đồng thời, thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, giữ cân bằng sinh học trên đồng ruộng, giảm được lượng bao gói không cần thiết phát sinh.
 
 
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ quá trình thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn để tránh thực hiện nửa vời, không đem lại hiệu quả như mong muốn; có biện pháp xử lý những cá nhân, đơn vị lơ là, thiếu ý thức trong thực hiện nhiệm vụ này.

Văn Quảng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn