Giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi từ đệm lót sinh học
08:45 - 28/09/2020
(MTNT)- Hiện nay, nhiều địa phương sử dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Nguyên tắc chung là sử dụng môi trường lên men, tạo thành các vật liệu có hàm lượng xenluloza cao, giúp cho hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả thông qua quá trình phân huỷ chất hữu cơ. 
Chi phí ban đầu cho đệm lót lbình quân 250.000 - 300.000 đồng/con lợn lứa đầu và bổ sung 120.000 - 150.000 đồng/con lợn các lứa tiếp theo.


Tại nhiều địa phương như: Hà Nam, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cà Mau..., hầu hết các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học đều thành công, phù hợp với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
 
 
HTX Thống Nhất –thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được UBND huyện, Hội ND, Trường Đại học Nông lâm Huế tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để tiến hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, chuồng nuôi được xây kiên cố, sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo kỹ thuật. Hiện, HTX có 7 trang trại vừa và lớn rải khắp các xã, thị trấn trong huyện, với tổng đàn lợn thịt được tái đàn sau khi hết dịch bệnh hồi cuối năm 2019 là hơn 6.000 con và 200 con lợn nái sinh sản.
 
 
Với phương pháp chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường nhờ lớp đệm lót có chứa hệ thống vi sinh vật có khả năng lên men, phân giải chất thải của lợn; sau đó, được xử lý tiếp bằng hầm biogas nên chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng.
 
 
Mô hình này ít chi phí lại vừa tiết kiệm sức lao động. Nguyên vật liệu sử dụng để làm đệm lót sinh học rất dễ tìm (gồm trấu, mùn cưa, bột cám, chế phẩm sinh học, dịch men) có chi phí tương đối thấp. Ước tính chi phí đầu tư ban đầu cho 100 m2 đệm sinh học chỉ tốn khoảng 7,5 triệu đồng; lớp đệm này có thể sử dụng từ 2-3 năm. Nhờ đó, giảm chi phí xây dựng chuồng trại, giảm 70% công lao động (vì phân, nước tiểu đã được tiêu hủy gần như toàn bộ); đồng thời tiết kiệm 80% lượng nước vệ sinh chuồng trại, tắm cho lợn. Ngoài ra, khi hệ thống đệm lót hết hạn sử dụng thì người chăn nuôi có thể dùng làm phân bón cho các loại cây trồng.
 
 
Ông Nguyễn Văn Tầm, thôn Lai Đông, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh sử dụng đệm lót sinh học từ năm 2018. Chỉ với 300.000 đồng chi phí cho 20kg rỉ mật đường, nửa kg men gốc trộn với 120ml nước và ủ trong 1 tuần; hỗn hợp này được mang phun trực tiếp vào đệm lót bằng trấu, mùn cưa, giúp gia đình ông xử lý nền chuồng hiệu quả, an toàn. Hiện ông có 3 chuồng nuôi với diện tích 1.200 m2 thả nuôi 10.000 con gà giống và gà thương phẩm.
 
 
Đệm lót được ông làm từ các nguyên liệu có độ xơ cao, trơ cứng nên không dễ bị làm mềm nhũn, không độc, không gây kích thích đối với gà có độ dày từ 30 – 40 cm. So với phương pháp rắc trấu truyền thống, việc áp dụng đệm lót sinh học để xử lý phân gà có nhiều ưu điểm trong phòng bệnh. Cùng với đó, gia đình ông tiêm vắc xin, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nên chất lượng con giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.
 
 
Toàn tỉnh đang có khoảng 30 cơ sở chăn nuôi sử dụng giải pháp đệm lót sinh học được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh triển khai ở các huyện: Yên Phong, Quế Võ, thị xã Từ Sơn.
 
 
Ông Đoàn Văn Cường, thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện vận động, chuyển giao mô hình ứng dụng chăn nuôi bò trên nền đệm lót sinh học.
 
 
Theo đó, người chăn nuôi được hỗ trợ toàn bộ chế phẩm vi sinh; cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học chăn nuôi bò. Đệm lót được làm bằng các nguyên liệu: Trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dừa... sử dụng chế phẩm EM thứ cấp phun đều lên nguyên liệu, sau đó dàn đều nguyên liệu ra nền chuồng (có độ dày khoảng 40cm), đậy kín bằng bạt hoặc nilon. Sau 1 tuần, đệm lót lên men vi sinh, tiến hành thả bò vào chuồng để chăn nuôi như bình thường.
 
 
Với quy mô chăn nuôi của gia đình ông thường xuyên từ 40 - 50 con và hiện là 52 con bò sinh sản, trước kia, khi chưa dùng đệm lót sinh học, mỗi ngày 2 lao động trong trang trại phải mất tối thiểu 5 giờ để xịt rửa, gom phân và nước tiểu của bò nhưng chuồng trại vẫn rất hôi. Sau khi dùng đệm lót sinh học, mỗi ngày chỉ cần 1 - 2 giờ để san, đảo đều phân trên bề mặt đệm lót, không vất vả lại sạch mùi hôi, chuồng trại khô ráo; tình trạng ruồi, muỗi ký sinh trên bò và ở trong chuồng trại cũng giảm trên 90%.
 
 
Đặc điểm của con bò là hàng ngày thải ra lượng phân, nước tiểu rất lớn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nền chuồng là nền bê tông, nền đất như thông thường dễ khiến con bò (nhất là bò đang mang thai) bị ngã do trơn trượt hoặc nếu mất vệ sinh khiến bò bị bệnh lở mồm long móng; vào ban đêm, không dám nằm hoặc bị chướng bụng do nền chuồng lạnh. Việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò có thể khắc phục hầu hết những hạn chế trên.
 
 
Đồng thời, chuồng trại rất vệ sinh, mùi hôi được xử lý triệt để do chất thải được các vi sinh phân hủy hết, góp phần bảo vệ môi trường. Công tác an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi bò được thực hiện có hiệu quả nhờ ứng dụng đệm lót sinh học vì trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt sẽ ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm phần chân, bụng cho bò giúp bò tiêu hóa tốt hơn, giảm hẳn tình trạng chướng bụng, bệnh lở mồm long móng, giúp người chăn nuôi hạn chế sử dụng thuốc thú y. Đối với nuôi bò sinh sản thì đệm lót sinh học còn xử lý dứt điểm tình trạng bò mẹ mang thai, bê con bị ngã do trơn trượt, gây thiệt hại kinh tế lớn.
 
 
Chi phí làm đệm lót sinh học khoảng 110.000 - 120.000 đồng/m2, thông thường sau 3 tháng bổ sung thêm giá thể (nguyên liệu trấu, mùn cưa, xơ dừa...) và sau khoảng 6 tháng thì thay thế nền đệm lót. Phần đệm lót sinh học này sau khi thay thế được tận dụng làm phân bón chất lượng cao cho cây trồng.
 
 
Tuy vậy, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
 
 
Nguyên liệu để làm đệm lót sử dụng 50-70% là mùn cưa, phoi bào, do đó để huy động nguồn nguyên liệu lớn là rất khó khăn, hạn chế việc triển khai ra diện rộng. Cần có nghiên cứu thử nghiệm các nguyên liệu khác từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế cho mùn cưa.
 
 
Chi phí ban đầu cho đệm lót là tương đối lớn, bình quân 250.000 - 300.000 đồng/con lợn lứa đầu và bổ sung 120.000 - 150.000 đồng/con lợn các lứa tiếp theo (theo Sở NN&PTNT Hà Nội).
 
 
Quá trình lên men của vi sinh vật trong đệm lót đã sinh nhiệt làm nhiệt độ chuồng nuôi tăng, luôn ở mức 30-40 độ C, có thể đến 45 độ C, do đó ảnh hưởng đến vật nuôi như gà ở giai đoạn vỗ béo, gà sinh sản và lợn trên 60 kg, nhất là vào mùa hè. Tốn diện tích chăn nuôi, khó áp dụng cho chăn nuôi công nghiệp vì không thể nuôi với mật độ cao. Phải tuân thủ kỹ thuật sử dụng và bảo quản đệm lót để phát huy khả năng phân hủy chất thải của vi sinh vật.
 
 
Do nuôi lưu cữu nhiều lứa trên nền đệm lót nhưng không được phun sát trùng, mầm bệnh tồn tại trong đệm lót có thể gây ô nhiễm; đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra với vật nuôi đang nuôi trên đệm lót sinh học, phải tiêu hủy toàn bộ đệm lót gây ảnh hưởng đến kinh tế cho người chăn nuôi.
 
 
Chưa có những nghiên cứu sâu, chuyên ngành về mặt phát thải, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt lợn, gà, trứng gà nuôi theo quy trình này, tác động của hệ vi sinh vật đến môi trường sống... Cần nghiên cứu và thử nghiệm máy cầm tay để xới, đảo đệm lót khi áp dụng ở quy mô chăn nuôi trang trại.
 
 
Nhiều mô hình đã không thành công do lợn có thói quen thải phân và nước tiểu một chỗ nên tại đó, đệm lót hay bị hỏng (khi không đảo hoặc hốt phân lợn đi); lợn vận động làm đệm lót bị nén chặt, hạn chế vi sinh vật trong đệm phát huy tác dụng phân hủy chất thải, ngoài ra, một số mô hình còn xuất hiện ngoại ký sinh trùng như: Mạt, rệp, ve, ghẻ...
 
 
Trong thực tế, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã khắc phục tình trạng nắng nóng trong mùa hè bằng cách cải tiến chuồng nuôi, 70% diện tích là nền làm đệm lót, 30% làm nền bê tông có gờ ngăn cách với nền đệm lót để có thể dùng nước chống nóng vào những ngày nhiệt độ cao, hoặc trồng cây xanh, cây dây leo phủ lên mái chuồng để tạo bóng mát. Những nơi có mạch nước ngầm cao gây ảnh hưởng đến nền đệm lót đã được cải tiến bằng cách xây dựng chuồng nổi.
 
 
Với mục đích giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, việc lựa chọn giải pháp chăn nuôi bò, gà, lợn trên nền đệm lót là phù hợp đối với gà có khối lượng cơ thể nhỏ (dưới 2 kg/con), gà không béo; bò, lợn có khối lượng dưới 60 kg/con. Người chăn nuôi phải tìm hiểu các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi của gia đình, lựa chọn giải pháp phù hợp nhất để phát triển chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và cho hiệu quả cao nhất.

Trần Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn