Tuyệt chiêu "thu phục yêu quái" sâu hành bằng 2 thứ "bảo bối" độc, lạ của nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Để duy trì, giữ vững chất lượng, xứng danh “thủ phủ” hành lá tại Huế, người dân Hương An (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, trong đó có hoạt động xuyên đêm “săn” sâu hành.
|
Ông Nguyễn Văn Vinh, phường Hương An, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế tranh thủ hái lá hành bị sâu gây hại. |
Ông Nguyễn Văn Vinh, lão nông gắn bó với hành lá nhiều năm nay cho biết: “Người trồng hành ở đây có hai vật bất ly thân, đó là cái bao và dụng cụ vợt. Thiếu nó, sâu hành phá hoại chỉ vài ngày là hỏng hết”.
Bắt sâu hành đã trở thành công việc hàng ngày, quen thuộc của những người dân theo nghiệp trồng hành. Lúc mới trồng, rễ chưa trụ vững, 100% người dân phải bắt sâu bằng tay, không được dùng vợt. 10 ngày sau, khi rễ cây đã bám chặt vào đất, họ mới dùng vợt bằng nilon, thau nhựa mỏng để vợt sâu.
Anh Lê Quang Đức, một nông dân trồng hành cho biết: Tất nhiên việc “săn” sâu hành rất vất vả vì bướm đẻ trứng liên tục. Sâu hành phát triển nhanh, sinh trưởng trong lá hành, chỉ khi kiếm ăn mới ra ngoài. Đó cũng là thời điểm chúng tôi ăn, ngủ cùng hành lá.
Hai thời điểm quan trọng để săn sâu hành là vào lúc sáng sớm và tối muộn. Buổi sáng thường từ 4h – 5h30, buổi tối từ sau 7h đến khuya. Ngoài hai thời điểm ấy, với những nông dân giàu kinh nghiệm, chỉ cần quan sát bụi hành, bà con có thể nhận biết cọng nào đã nhiễm sâu, cọng nào không để kịp thời loại bỏ.
Ngoài săn sâu hành ban đêm, ban ngày ngoài trồng, thu hoạch, tưới nước, phần thời gian còn lại người dân Hương An phải bám ruộng hành, ngắt bỏ từng cọng bị sâu bệnh để đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương An, TX Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: Trong quá trình chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hành lá, bà con nông dân đã có thêm hiểu biết và nhiều dụng cụ, công cụ hỗ trợ chăm sóc hành như bẫy dính sinh học, thuốc trừ sâu sinh học.
Tuy nhiên, do tập tính sinh sống trong lá, việc dùng thuốc trừ sâu đối với sâu hành rất khó đạt hiệu quả cao. Về bẫy dính, phải áp dụng đại trà để đạt hiệu quả tối đa; tránh tình trạng vô tình biến ruộng hành lá trở thành “rốn” dẫn dụ, thu hút sự phá hoại của côn trùng.
Hiện nay, tại phường Hương An, TX Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) có trên 700 hộ nông dân đang phát triển kinh tế từ hành lá, chiếm khoảng 80% tổng hộ làm nông nghiệp trên địa bàn. Hiện đã có 16,53 ha đạt chuẩn VietGAP trong xấp xỉ 85 ha hành tại địa phương.
Ông Nhàn thông tin: Thời điểm này cũng là giai đoạn thuận lợi nhất trong năm để hành lá phát triển, cũng là giai đoạn sâu bệnh bùng phát mạnh. Bà con nông dân hết sức quan tâm, chăm sóc ruộng hành, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, bỏ công sức để mong vụ mùa thắng lợi.
Hiện nay, do ảnh hưởng dịch COVID – 19, giá hành dao động từ 12 – 14 nghìn đồng/kg (giảm gần 10 nghìn đồng so với thời điểm tháng 7/2020). Nếu chăm sóc tốt và đạt năng suất, hành lá vẫn mang về thu nhập ổn định. Ông Vinh nói: “Trồng hành vất vả thật nhưng với năng suất 8 tạ/sào, mỗi năm có thể canh tác 4 vụ nên đời sống của chúng tôi khá bền vững”.
Theo ông Nhàn, thời điểm này đang giai đoạn thời tiết chuyển biến, bà con trồng và chăm sóc hành phải chú ý đảm bảo nguồn nước. Việc theo dõi thời tiết và có biện pháp chủ động, phòng ngừa nấm bệnh do mưa dông về chiều cũng rất cần được chú trọng. Với sâu hành, việc chăm sóc thường xuyên là điều kiện bắt buộc.
Việc kết hợp bẫy dính, thuốc trừ sâu sinh học và “săn” sâu hành đang cho hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu tác hại của sâu lên đến 40%. Đó không chỉ là năng suất mà còn là chất lượng hành lá và sức khỏe của người tiêu dùng. Là cách để người trồng hành phương Hương An , TX Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) “sống tốt” với cây hành, mang lại nông sản chất lượng cung ứng cho thị trường.