Giải pháp bền vững xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản
15:00 - 24/07/2020
(MTNT) – Những năm qua, ngành thủy sản nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả. Tiêu biểu như năm 2018, tổng sản lượng thủy sản nước ta đạt 7,7 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 9 tỷ USD; năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 8,54 tỷ USD.
|
Việc hướng dẫn và khuyến khích các hộ chăn nuôi lựa chọn các mô hình nuôi an toàn sinh học luôn là giải pháp được các cấp chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu trong những năm gần đây |
Nhờ đó, nước ta hiện cũng đã trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới. Như vậy, đồng nghĩa với việc nhờ sự phát triển nhanh và mạnh của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản còn có nhiều hạn chế. Đồng thời, còn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý; hệ thống hạ tầng còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn nhiều khó khăn; cách thức tổ chức sản xuất chưa hiệu quả… Do đó, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản hiện vẫn còn thấp và chưa phát huy hết những ưu thế sẵn có.
Bên cạnh đó, theo ước tính, bình quân mức độ thiệt hại do tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nước ta chiếm khoảng 5% GDP của cả nước, tương đương với gần 10 tỉ USD/năm. Chính vì thế, những năm gần đây, nông nghiệp, nông thôn có nhiều vấn đề đáng lo ngại, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, tình trạng phổ biến là trong sản xuất, chăn nuôi nói chung, bà con nông dân hiện đang tiến hành theo những phương thức cũ, lạc hậu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể như: Lạm dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp; lạm dụng thuốc trừ sâu; đối với việc xử lý các chất thải trong chăn nuôi còn bị bỏ ngỏ; xử lý các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp vẫn thường là đốt cháy trên đồng ruộng…
Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, vấn đề nổi cộm đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay chủ yếu thường xuất hiện ở các vùng nuôi tôm và cá da trơn với qui mô tập trung.
Cụ thể, để sản xuất ra 1 kg cá tra thành phẩm, người nuôi phải sử dụng từ 3- 5 kg thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, lượng thức ăn đàn cá hấp thụ chỉ chiếm khoảng 17%, phần lớn còn lại thường sẽ bị hòa tan vào môi trường nước và trở thành các chất hữu cơ phân hủy gây ô nhiễm môi trường nuôi một cách nghiêm trọng.
Đối với các vùng nuôi tôm, các mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm trên cát được nhiều địa phương đẩy mạnh, đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các hộ nuôi.
Hiện cả nước có trên 2.400 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó, có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất tôm giống tôm thẻ chân trắng. Tổng diện tích nuôi tôm khoảng trên 736.000 ha; sản lượng đạt trên 762.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2019 ước tính đạt 4,2 tỷ USD. Từ những kết quả đó, nhiều địa phương đã tập trung phát triển khá mạnh lĩnh vực này.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, năm 2019 có khoảng 6.793 ha diện tích tập trung nuôi trồng thủy sản trên tổng số 17.975 cơ sở. Chỉ tính riêng mô hình nuôi tôm trên cát cũng có 91 tổ chức và cá nhân tham gia; vùng nuôi lớn nhất tập trung ở các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Tuy nhiên, hầu hết đều là các cơ sở nuôi tôm công nghiệp nhỏ lẻ, chưa có hệ thống xử lý nước thải, do đó tiềm ẩn những nguy cơ xấu đối với nguồn nước.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên hầu hết các con sông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê toàn vùng có trên 685.800 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt và nước mặn, chiếm gần 60% tổng diện tích của cả nước.
Chín tháng năm 2019, toàn tỉnh Bạc Liêu có 6.522 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó, 3.352ha có tỷ lệ tôm bị thiệt hại trên 70% và 3.173 ha có tỷ lệ tôm thiệt hại từ 30 - 70%. Chủ yếu số lượng tôm bị thiệt hại là do bà con nông dân đang tiến hành nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Ngoài ra, có hơn 80 ha tôm nuôi siêu thâm canh của doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn cũng bị thiệt hại.
Còn tại An Giang, thống kê cho thấy toàn tỉnh có khoảng 102 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, phát sinh ra lượng nước thải bình quân từ 1.000 - 70.000 m3/ngày đêm…
Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan gây nên tình trạng kể trên; tuy nhiên, chủ yếu vẫn là do tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi và vấn đề biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, kể từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng tôm cá, nhuyễn thể liên tục bị chết hàng loạt ở khắp các địa phương trong cả nước đã và đang gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cũng như làm thiệt hại không hề nhỏ đến người nuôi.
Theo phân tích khoa học thì có nhiều yếu tố môi trường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản. Cụ thể như: Yếu tố lý học (nhiệt độ, màu sắc, độ trong của nước…); yếu tố hóa học (pH, ôxy hòa tan, độ mặn, độ cứng, kim loại nặng…); muối dinh dưỡng… Trong đó, đáng lo ngại hơn cả chính là các yếu tố ô nhiễm gây độc gồm: COD, NH3, NO2, H2S, kim loại nặng…
Nhìn chung, cơ chế gây ô nhiễm thường diễn biến theo con đường như sau: Do quá trình nuôi tôm, cá người ta thường sử dụng 2 dạng thức ăn chính là thức ăn xanh (cỏ, lá) và thức ăn tinh (các dạng cám công nghiệp, cám tự nhiên). Nếu nguồn thức ăn này không được kiểm soát tốt, những phần dư thừa sẽ lắng đọng lại và bị phân hủy bởi các vi sinh vật yếm khí, từ đó tạo ra các chất vô cơ, hữu cơ độc hại như CH4 làm giảm lượng oxi hòa tan trong nước.
Do đó, việc hình thành lớp bùn đáy là do tích tụ lâu ngày của các chất hữu cơ, cặn bã; đồng thời, đó còn là nơi sinh sống của các vi sinh vật gây thối, các loại khí độc (NH3, NO2, H2, H2S, CH4....); các vi sinh vật gây bệnh (Vibrio, Aeromonas, Ecoli…) cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật khác. Trong khi đó, hiện vấn đề xử lý nguồn bùn thải, chất thải trong nuôi trồng thuỷ sản còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy chuẩn môi trường quy định.
Thêm vào đó, lượng nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản không được kiểm soát, xử lý (hoặc chỉ thông qua quá trình lắng sơ bộ); sau đó sẽ được xả thải trực tiếp ra môi trường, gây tác động đáng kể đến chất lượng nguồn nước mặt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các loại dịch bệnh phát sinh. Đồng thời, khi có sự cố khiến tôm, cá nuôi đồng loại chết do dịch bệnh xảy ra, nếu không được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước mặt.
Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều hộ nuôi đã bơm bùn thải từ ao tôm trực tiếp xả ra các kênh mương nội đồng; hoặc thải nước trực tiếp ra các kênh thủy lợi hoặc ra biển… Việc này càng khiến dịch bệnh dễ lây lan, phát tán, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra, sau mỗi trận mưa lớn, môi trường ao nuôi cũng bị thay đổi, làm cho thủy hải sản bị sốc và dễ dẫn đến dịch bệnh. Tất cả những yếu tố kể trên đều gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước nuôi thủy sản cũng như sức khỏe của các loại vật nuôi sinh sống trong môi trường đó.
Từ đó, vấn đề tìm ra được những giải pháp mang tính toàn diện, hiệu quả và bền vững trong việc hạn chế và phòng tránh ô nhiễm môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là điều vô cùng quan trọng.
Mặc dù nước ta đã có Luật Môi trường, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn về môi trường... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến. Đồng thời, tích cực kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện đúng những luật định về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản, cần khuyến khích đẩy mạnh cải tiến để áp dụng nuôi theo các hình thức mới, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; áp dụng các phương thức nuôi cải tiến nhằm hạn chế ô nhiễm, xử lý các chất thải trong nuôi trồng thủy sản hợp lý.
Mặt khác, khi môi trường nuôi ngày càng xấu đi, việc hướng dẫn và khuyến khích các hộ chăn nuôi lựa chọn các mô hình nuôi an toàn sinh học luôn là giải pháp được các cấp chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu. Trong đó, quy trình áp dụng nuôi trồng thủy sản theo các mô hình như: VietGAP, Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh… đều là những mô hình tiên tiến, giúp tránh những tác động xấu tới nguồn nước cũng như mang lại hiệu quả kinh tế và giá trị thiết thực.
Thực tế cho thấy, hiện xu hướng nuôi tôm bằng các chế phẩm sinh học đang được nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long mạnh dạn áp dụng nhằm giúp tôm tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh. Nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được triển khai cho thấy kết quả rõ nét khi diện tích nuôi khoảng 90.000 ha nhưng đã mang lại năng suất gấp đôi so với cách nuôi theo kiểu truyền thống cũ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích; đồng thời, cung cấp sản phẩm tôm sạch và an toàn cho thị trường.
Để phát triển một cách bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong việc thực thi Luật bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý triệt để các hình thức vi phạm; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp... nhằm tăng cường hiệu lực quản lý về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Nghị định số 179, ngày 14/11/2014 Chính phủ, tại Khoản 2, Điều 19 đã quy định cụ thể: Theo đó, phạt hành chính từ 5 – 10 triệu đồng đối với những hành vi xả thải, hóa chất độc hại, chất thải nguy hại, các nguồn gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác vào môi trường nước không tuân theo đúng quy định của pháp Luật về bảo vệ môi trường. |
https://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/42149502-cac-giai-phap-phat-trien-ben-vung-nganh-thuy-san.html
https://drtom.vn/o-nhiem-moi-truong-nuoc-nuoi-tom.html
Hà Dũng