Lào Cai: Đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nông thôn
10:00 - 22/10/2019
(MTNT) – Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, quá trình phát triển nhanh đối với lĩnh vực kinh tế, xã hội đã làm phát sinh khối lượng lớn rác thải rắn từ sản xuất và sinh hoạt. Những năm qua, việc quản lý, thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn mặc dù đã được các cấp chính quyền quan tâm, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân và gây ô nhiễm môi trường.
|
Nhờ các cấp Hội luôn quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực |
Theo thống kê, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 460 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, tại khu vực đô thị, lượng rác thải thu gom vào khoảng 214 tấn/ngày; ở khu vực nông thôn là trên 220 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải chỉ đạt khoảng 70% vì hiện toàn tỉnh mới có 1 nhà máy xử lý rác thải, với công suất 174 tấn/ngày; có 18 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt nằm rải rác ở các huyện. Do đó, số rác thải còn lại chủ yếu vẫn đang được xử lý theo hình thức chôn lấp, thường xuyên dẫn đến nguy cơ quá tải ở các khu tập kết rác và gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, hàng năm, bà con nông dân sử dụng khoảng 200 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại; tập trung chủ yếu tại những vùng sản xuất nông nghiệp như: Lúa, ngô, chuối, dứa... Vì thế, lượng rác thải độc hại từ các loại vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phát sinh thêm khoảng 20 tấn/năm.
Ngoài ra, với đặc thù của một tỉnh đang đẩy mạnh việc đầu tư cho phát triển công nghiệp, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên toàn tỉnh vào khoảng 3,9 triệu tấn/năm. Trong đó, tập trung lớn nhất tại khu công nghiệp Tằng Loỏng với 3,8 triệu tấn; còn khoảng 1 triệu tấn nằm rải rác tại các khu công nghiệp như: Đông Phố Mới; Bắc Duyên Hải; Kim Thành.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức thu gom rác thải để xử lý trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ được triển khai tại các trung tâm huyện hoặc các xã, thị trấn có dân cư đông, sinh sống tập trung. Tại các xã còn lại, việc thu gom rác vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả của công tác tuyên truyền và ý thức của từng hộ gia đình.
Thông thường, các hộ dân đều tự đào hố rác ngay gần nhà và xử lý bằng cách chôn, đốt. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hộ dân chưa có hố rác gia đình nên toàn bộ số rác thải sinh hoạt thường được xả trực tiếp ra môi trường. Việc làm này khiến hoạt động thu gom trở nên khó khăn.
Rác thải trong sinh hoạt của người dân nông thôn chủ yếu là các thành phần rất khó phân hủy, tồn tại lâu trong môi trường như: Túi ni lông, vỏ chai nhựa, kim loại... Bên cạnh đó, hầu hết rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con như: Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp… sau khi thu hoạch cũng xả trực tiếp ra môi trường mà không có biện pháp xử lý nào, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trên địa bàn huyện Bắc Hà, ước tính mỗi ngày phát sinh ra môi trường khoảng trên 8 tấn rác thải sinh hoạt. Chính quyền huyện phải chi trên 4 tỷ đồng/năm để thuê Xí nghiệp Môi trường huyện trực tiếp thu gom, vận chuyển về bãi rác tập trung tại xã Lùng Phình để tiến hành việc chôn lấp hợp vệ sinh theo quy định. Còn lại đối với lượng rác thải là vật liệu xây dựng thì huyện có bãi rác riêng ở xã Bản Phố.
Tuy nhiên, số lượng rác sinh hoạt được chuyển về bãi rác Lùng Phình hiện chỉ thu gom đơn thuần chứ chưa thực hiện phân loại rác. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giúp mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường như: Hạn chế mùi hôi, nước rỉ rác; giảm thiểu ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm, nước mặt... Song vì nhiều lý do khác nhau, quá trình triển khai việc phân loại rác còn khó thực hiện đối với chính quyền huyện.
Những năm gần đây, huyện Bảo Yên là một trong những địa phương đang có quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh. Đáp ứng với sự chuyển mình đó, đã có nhiều khu dân cư mới được đầu tư xây dựng ở những khu vực trung tâm của các xã, thị trấn, khu du lịch… Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hiện bình quân mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện khoảng hơn 58 tấn. Trong đó, lượng rác thải được thu gom hàng ngày trên 50 tấn; lượng chất thải được tái chế 15 m3; khối lượng rác tiêu hủy, xử lý 35 tấn; 0,045 tấn rác thải được phân loại tại nguồn.
Mặc dù chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo đảm vệ sinh môi trường; lồng ghép giữa việc quy hoạch, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội với xây dựng nông thôn mới ở địa phương; hình thành các tổ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nhiều xã trên địa bàn; xóa bỏ một số bãi rác gây ô nhiễm môi trường…. Tuy nhiên, hoạt động thu gom rác thải còn chưa đạt hiệu quả.
Gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên “nóng” ở địa bàn huyện Bảo Thắng. Nguyên nhân chính là do việc ùn ứ, quá tải của bãi rác thải tại khu vực thôn Xuân Đâu, xã Xuân Quang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống cũng như hoạt động sản xuất, chăn nuôi của bà con nông dân.
Theo đó, bãi rác được chính quyền huyện quy hoạch trên diện tích khoảng 2,5 ha tại địa bàn thôn Xuân Đâu và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2002 để chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Huyện đã đứng ra ký hợp đồng với một Công ty môi trường trên địa bàn để tiến hành thu gom, vận chuyển và tập kết tới đây.
Hiện bình quân mỗi ngày, tại bãi rác có khoảng 23 tấn rác thải sinh hoạt tập kết về. Trong đó, có 15 tấn rác từ thị trấn Phố Lu và thị trấn Tằng Loỏng; 7 - 8 tấn rác thải từ các xã lân cận như Phong Niên, Xuân Quang… được thu gom và xử lý.
Tuy nhiên, do quá trình chôn lấp chỉ được tiến hành bằng hình thức thủ công, chủ yếu là rắc vôi và phun hóa chất diệt côn trùng mà không được trang bị hệ thống chống thấm đáy, hệ thống thu gom nước mặt, nước rỉ rác… đảm bảo kỹ thuật nên nước thải bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Điều đáng nói là bãi rác nằm cạnh khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân; ngoài ra, khoảng cách tới khu dân cư cũng chưa đầy 200m. Do đó, khi chưa xử lý, lượng nước thải từ bãi rác hàng ngày vẫn rỉ và ngấm vào nguồn nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân.
Trước thực trạng trên, chính quyền tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý rác tại thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển- thành phố Lào Cai. Với diện tích 30ha, nhà máy được lắp đặt công nghệ hiện đại để xử lý rác với công suất tối đa 147 tấn/ngày.
Chức năng của nhà máy đang tiến hành là chế biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, phân khoáng và thu hồi các thành phần có thể tái chế, nhằm giữ gìn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện tại, nhà máy đang duy trì hoạt động sản xuất từ 10- 12 tấn phân hữu cơ/ngày; đồng thời, tiến hành cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho 20 khách hàng với khối lượng bán ra bình quân 6- 8 tấn/ngày.
Việc biến rác thải sinh hoạt, chất thải động vật, những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trở thành nguồn phân bón hữu cơ có ích hiện đang được xem là giải pháp tối ưu. Không những giúp làm sạch môi trường sinh thái, việc tận dụng rác thải để chế biến và tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp, vừa cung cấp những sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng.
Để tăng hiệu suất xử lý của nhà máy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai việc thực hiện thí điểm Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn các huyện gồm: Bát Xát; Bảo Thắng; thành phố Lào Cai; thị trấn Sa Pa.
Theo đó, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự phân loại và xử lý rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, hoặc xử lý tập trung ở các khu vực sản xuất nông nghiệp. Rác thải được người dân phân loại thành: Rác tái chế; rác khó phân hủy; rác dễ phân hủy.
Qua một thời gian triển khai Đề án cho thấy có nhiều kết quả khả quan; về cơ bản tỷ lệ phân loại rác tại nguồn đều đạt yêu cầu. Cụ thể: Thành phố Lào Cai đạt 86,7%; thị trấn Sa Pa đạt khoảng 70%; thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) đạt khoảng 80%; thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) đạt khoảng 50%.
Bên cạnh những nỗ lực triển khai, khuyến khích người dân từng bước hình thành thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt; việc đưa các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng khoa học công nghệ gắn với bảo vệ môi trường nông thôn góp phần cải thiện môi trường. Tiêu biểu như các mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình khí sinh học hay trồng trọt kết hợp với chăn nuôi để xử lý toàn diện chất thải…
Thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ môi trường; tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị cho xử lý rác thải nhằm quản lý và bảo vệ tốt môi trường nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục và nâng cao nhận thức trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp về quản lý hiệu quả rác thải rắn để bảo vệ môi trường; tăng cường việc thanh tra, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý rác thải trên địa bàn.
Thùy Dương