Vĩnh Phúc: Phát huy hiệu quả các mô hình xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt nông thôn
(MTNT) – Những năm gần đây, việc xử lý nguồn rác thải, nước thải sinh hoạt ở các địa bàn nông thôn là nỗi lo chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
|
Nhờ triển khai tốt việc thu gom và xử lý rác thải, nước thải góp phần giúp nhiều địa phương giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh |
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ có sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn; việc tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực trong công tác quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vấn đề thu gom và xử lý rác thải, nước thải của một số địa phương bước đầu đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh; nhiều mô hình được xem là “điểm sáng” để các tỉnh, thành nghiên cứu, học tập.
Theo số liệu thống kê, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện ước tính khoảng 830 tấn/ngày. Trong đó, đối với khu vực đô thị vào khoảng 180 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt trên 90%; khu vực nông thôn khoảng 650 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 69%.
Hiện nay, rác thải ở khu vực đô thị chủ yếu vẫn được xử lý bằng cách chôn lấp tại các bãi rác tạm ở khu công nghiệp Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên) và phường Xuân Hòa (thành phố Phúc Yên). Ở nông thôn, có khoảng 230 bãi rác thải với diện tích thu gom từ 300 - 2000 m2.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do lượng rác thải phát sinh quá lớn, hầu hết các bãi rác này đều đang trong tình trạng quá tải. Thêm vào đó, hình thức chôn lấp tại các địa phương cũng còn khá thủ công, thô sơ, chưa đảm bảo các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc mở rộng, xây dựng bãi rác mới còn gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương hạn chế về quỹ đất hoặc không được người dân đồng tình ủng hộ.
Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải sinh hoạt nói riêng, chính quyền tỉnh đã tiến hành việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường trong từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội.
Đến nay, 100% xã, thị trấn đã có bãi rác tập trung và thành lập được các Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường hoặc mô hình tổ dịch vụ vệ sinh môi trường. Hiện các đơn vị này đang duy trì hoạt động thu gom với tần suất từ 2- 3 lần/tuần đã giải quyết cơ bản vấn đề thu gom, xử lý rác thải nông thôn. 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập được Ban chỉ đạo vệ sinh môi trường và quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, nhờ các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên đã đạt được những kết quả bước đầu.
Hiện toàn huyện đã có 6 HTX vệ sinh môi trường, trên 20 tổ vệ sinh môi trường tiến hành tổ chức thực hiện việc thu gom rác đều đặn mỗi lần/ngày. Đồng thời, nhân viên của các tổ đội vệ sinh môi trường này cũng tiến hành thu gom, vận chuyển rác từ các hộ dân, các tuyến đường trên khắp địa bàn rồi chuyển về khu lò đốt rác tập trung của huyện.
Cùng với đó, để giữ gìn môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để giúp người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Huyện cũng chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm các bãi rác thải tự phát không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; tập trung các nguồn lực xây dựng mô hình thí điểm bảo vệ môi trường nông thôn; ban hành phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải…
Đáng chú ý, chính quyền huyện còn quan tâm đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cho các tổ đội vệ sinh. Cụ thể gồm: Trang bị hơn 1.580 thùng chứa rác thải cho các xã, thị trấn; gần 720 xe chở rác cho HTX dịch vụ vệ sinh môi trường. Ngoài ra, vận động nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hưởng ứng việc đóng góp tiền, công sức để thực hiện tốt các tiêu chí môi trường ở địa phương.
Định kỳ vào các ngày mùng 10 và 20 hàng tháng, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đồng loạt ra quân, tổng động viên người dân tham gia tiến hành quét dọn, làm vệ sinh từ nhà ra ngõ; nạo vét, khơi thông cống rãnh từ thôn, xóm, khu dân cư cho đến các cơ quan, công sở.
Trên địa bàn huyện Yên Lạc, các cấp chính quyền tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực, chung tay bảo vệ môi trường. Hiện toàn huyện có trên 90% lượng rác thải được thu gom và xử lý; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 99%; hệ thống rãnh thoát nước được đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nạo vét, khơi thông… Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước từng bước được cải thiện rõ rệt.
Với 65 bãi xử lý rác thải đang có trên địa bàn, hiện nay, 9/17 xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng xong mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên.
Ngoài ra, 17/17 xã, thị trấn thành lập được mô hình HTX đảm nhận các hoạt động về môi trường và đang tiến hành thu gom rác thải với tần suất từ 2- 3,5 ngày/lần.
Để giải quyết và xử lý tốt hơn nữa công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện, chính quyền huyện cũng đang tiếp tục quy hoạch thêm 01 khu xử lý rác thải tập trung tại xã Hồng Châu với diện tích 5 ha. Giai đoạn 2016- 2020, huyện quy hoạch 11,28 ha đất phục vụ việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, đồng thời mở rộng diện tích những bãi chôn lấp rác thải ở các xã, thị trấn.
Thời gian tới, để đạt mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 sẽ có khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn được thu gom và xử lý theo quy định, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh còn rất cần có sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ về kinh phí, cơ chế, nhân lực hoạt động.
Liên Phương
http://vca.org.vn/vinh-phuc-diem-sang-bao-ve-moi-truong-khu-vuc-nong-thon-a19677.html
http://vinhphuctv.vn/tin-bai/tai-nguyen-va-moi-truong/vinh-tuong-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-nong-thon/51-927-272049
http://www.vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/VanHoaXaHoi/View_detail.aspx?ItemID=9476