Phát triển ngành chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường
15:00 - 31/07/2019
(MTNT) - Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở nước ta đang phát triển nhanh chóng, có xu hướng chuyển dịch dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung với hình thức trang trại. Đây vốn được xem là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nói chung.

Khuyến khích bà con nông dân đầu tư xây dựng các mô hình xử lý toàn diện chất thải trong chăn nuôi quy mô trang trại để bảo vệ môi trường


 
Theo con số thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, hiện cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và hơn 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, phổ biến nhất là ngành chăn nuôi lợn (khoảng 4 triệu hộ) và chăn nuôi gia cầm (gần 8 triệu hộ). Tuy nhiên, với tổng đàn vật nuôi khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc, ước tính khối lượng nguồn chất thải và nước thải trong quá trình chăn nuôi đem thải ra môi trường quả là một con số khổng lồ, với khoảng 84,5 triệu tấn/năm.

 
Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 20% số chất thải được người chăn nuôi đem sử dụng hiệu quả như: Tạo nguồn khí sinh học làm chất đốt; ủ thành phân bón hữu cơ; làm thức ăn nuôi giun quế, nuôi cá… Như vậy, vẫn còn tới 80% lượng chất thải trong chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn lại được thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Vì thế, bên cạnh những giá trị kinh tế do chăn nuôi đem lại, sự phát triển với tốc độ nhanh và mạnh của lĩnh vực này cũng đã và đang gây ra những áp lực nặng nề lên các yếu tố môi trường do phân của đàn vật nuôi chứa nhiều chất không những gây ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nước mặt và cả nguồn nước ngầm.

 
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chính quyền và ngành chức năng của các địa phương đã tích cực vận động, hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng nhiều giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điển hình là việc Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) triển khai gói tài trợ xây dựng các mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi quy mô trang trại của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp (gọi tắt là dự án LCASP) từ năm 2014.

 
Theo đó, mô hình được triển khai áp dụng tại 10 địa phương gồm: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Sau 5 năm triển khai thực hiện, hầu hết các trang trại áp dụng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi LCASP đều đã mang lại kết quả tích cực.

 
Trên địa bàn huyện Mộc Châu- tỉnh Sơn La, sau thời gian được hỗ trợ để triển khai dự án LCASP cho thấy đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 477 bể biogas, với mức kinh phí hỗ từ 3- 5 triệu đồng/hộ gia đình.

 
Dự án không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con đồng bào các dân tộc trong huyện giải quyết cơ bản nhiều vấn đề gây ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm được cả về chi phí và thời gian. Đặc biệt là giải quyết tốt vấn đề về chất đốt dùng trong sinh hoạt, giúp bà con ổn định cuộc sống, không còn phá rừng bừa bãi. Nhận thấy tính hiệu quả của việc sử dụng hầm khí biogas trong chăn nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chủ động xây lắp và đưa vào sử dụng mô hình này, quy mô trang trại cũng ngày càng được mở rộng thêm.

 
Điển hình như tại xã Phiêng Luông- huyện Mộc Châu, hiện đã có 22 công trình các bon thấp được triển khai xây dựng. Từ khi có dự án đã giúp người dân trong xã nâng cao về nhận thức, dần chuyển đổi từ quy mô chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi chuồng trại tập trung, sử dụng hầm biogas trong xử lý chất thải, nước thải.

 
Gia đình ông Triệu Văn Den, người dân tộc Dao sinh sống ở bản Suối Khen, trước đây nuôi 15 con lợn nhưng vẫn theo tập quán cũ nên thường thả rông; chất thải của lợn gây ra nhiều mùi hôi thối, vương vãi khắp nơi khiến người dân trong bản phàn nàn. Từ năm 2018, được dự án LCASP hỗ trợ 5 triệu đồng, ông quyết định xây dựng hầm bể biogas. Đến nay, môi trường chăn nuôi của gia đình ông trở nên sạch sẽ, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, lượng phân hữu cơ vi sinh hình thành sau quá trình ủ khí dưới hầm bể biogas còn được ông dùng để bơm tưới cho cây ăn quả, rau màu.

 
Hay như gia đình ông Triệu Văn Quân ở bản Tám Ba, nhận thấy hiệu quả rõ ràng về lượng khí đốt, nguồn nước, chất thải… ông mạnh dạn bàn với gia đình quyết tâm thuê thợ về lắp đặt bể biogas với công suất 7m3 để phục vụ cho đàn lợn 15 con đang nuôi trong chuồng. Được sự hỗ trợ cả về nguồn kinh phí lẫn tư vấn kỹ thuật từ cán bộ dự án, ông rất phấn khởi và tự tin mô hình sẽ thành công, gia đình ông cũng sẽ không còn phải phá rừng để lấy củi về đun nấu như trước kia nữa, tình làng nghĩa xóm cũng được giữ gìn bền vững.
 

Là một trong ba huyện 30A của tỉnh, huyện Si Ma Cai- tỉnh Lào Cai vốn có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Sau thời gian thực hiện việc triển khai dự án LCASP tại một số địa bàn của huyện đã cho thấy đạt được những kết quả tích cực.

 
Một điển hình thực hiện có hiệu quả dự án là gia đình ông Sùng Seo Nhà ở thôn Chư Sang, xã Cán Cấu- huyện Si Ma Cai. Tham gia dự án, ông được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng rau, chăm bón cây ăn quả ngay tại gia đình. Việc làm này không chỉ hạn chế được ô nhiễm môi trường, còn giúp tạo ra nguồn phân bón đáng kể phục vụ trồng trọt; ngoài ra, các hộ dân cũng tiết kiệm được chi phí sản xuất, lại thân thiện với môi trường để hướng tới việc sản xuất nông nghiệp an toàn và phát triển bền vững.

 
Từ hiệu quả của 5 hầm bể biogas được lắp đặt ban đầu, Ban Quản lý dự án đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tổ chức các đoàn đi tham quan học tập tại các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi. Sau đó, thông qua vai trò tuyên truyền, vận động của các tổ chức Hội, đoàn thể trên địa bàn để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, nhân rộng mô hình tới các xã, thôn, bản.

 
Thông qua việc các cấp các ngành tích cực hỗ trợ người dân triển khai dự án, vào năm 2018, huyện đã trở thành điểm sáng của toàn tỉnh trong việc triển khai dự án LCASP hiệu quả. Hiện toàn huyện đã lắp đặt được 126 hầm bể biogas; các hộ dân trong dự án còn được trang bị thêm các bếp sinh học, hướng dẫn ủ phân hữu cơ vi sinh… Qua đó, nhận thức của người chăn nuôi được nâng cao, kiến thức về sản xuất nông nghiệp các bon thấp được tuyên truyền và nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

 
Bằng những hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực, các dự án LCASP khi triển khai đã giúp cho người dân tại nhiều địa phương phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. Dự án chủ yếu hỗ trợ người dân trên địa bàn xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp; đồng thời, phổ biến kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp. Từ đó, góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và những tác động xấu của biến đổi khí hậu tới đời sống của bà con nông dân.


https://nongnghiep.vn/chan-nuoi-sach-khong-pha-rung-post241110.html
https://nongnghiep.vn/thay-doi-nhan-thuc-chan-nuoi-post241791.html

Hà Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn