(MTNT) – Đây là mô góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Đồng thời, còn giúp bảo vệ sức khỏe cũng như hạn chế tình trạng dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi.
|
Mô hình hầm biogas trong chăn nuôi đã giúp hàng nghìn hộ nông dân tiết kiệm được phần lớn chi phí về chất đốt, điện, phân bón hữu cơ |
Mô hình hầm biogas đã giúp hàng nghìn hộ nông dân tiết kiệm được phần lớn chi phí về chất đốt, điện, phân bón hữu cơ… Với thực tế giá nguyên, nhiên liệu đang ngày càng tăng cao như hiện nay, việc ứng dụng mô hình biogas là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm bớt chi phí trong sinh hoạt và sản xuất, giúp tăng lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi.
Từ đó, tại nhiều tỉnh, thành phố, bên cạnh việc hỗ trợ bà con nông dân duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, chính quyền các địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con xây dựng mô hình hầm chứa biogas để phục vụ sinh hoạt và bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân phát triển mô hình.
Tỉnh Bến Tre có tổng đàn vật nuôi cũng như số lượng hộ chăn nuôi lợn theo quy mô nông hộ khá cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, hiện nay, địa bàn chăn nuôi được phân bổ đều tại khắp các địa phương trong tỉnh. Cụ thể: Mô hình chăn nuôi bò tập trung ở huyện Ba Tri; chăn nuôi gia cầm tập trung ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành; chăn nuôi lợn tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành...
Về quy mô, các hộ dân tập trung đầu tư cho mô hình chăn nuôi lợn ở mức vừa và nhỏ là chủ yếu. Do đó, mô hình này hiện đang chiếm tỷ lệ khá cao, từ 70- 80% tổng số cơ sở chăn nuôi. Trong đó, tập trung đông nhất là tại xã Cẩm Sơn- huyện Mỏ Cày Nam.
Hệ lụy tất yếu kéo theo của việc phát triển mạnh quy mô chăn nuôi nông hộ đó là ngày càng có nguy cơ gia tăng tình hình ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do số lượng lớn các chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Do đó, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí…). Ngoài ra, còn làm ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề chăn nuôi cũng như đe dọa trực tiếp đến môi trường sống và sức khoẻ của cộng đồng dân cư.
Do đó, để kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, các cấp các ngành trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ, xây dựng một số mô hình sinh học xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ.
Đồng thời, từ năm 2018- 2019, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai việc hỗ trợ các mô hình xử lý chất thải ứng với từng quy mô nuôi; đánh giá hiệu quả các mô hình và đưa ra những đề xuất, giải pháp để nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Toàn tỉnh phấn đấu 80% các hộ chăn nuôi có diện tích chuồng nuôi trên 50 m2 thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường; có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành; phải có giải pháp cụ thể trong việc xử lý chất thải. Qua đó, sẽ dần hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với công tác bảo vệ môi trường và an toàn sinh học.
Tại địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, mỗi huyện sẽ chọn ra 3 xã có mức độ chăn nuôi nhiều để tiến hành thí điểm. Theo đó, mỗi xã tập trung triển khai 3 mô hình chăn nuôi lợn với các hình thức sau: Đối với quy mô nhỏ (có số lượng dưới 20 con/mô hình); với quy mô trung bình (nuôi từ 20- 30 con); quy mô lớn (nuôi từ 30- 50 con).
Kết quả, sau khi tiến hành triển khai 3 mô hình túi biogas kết hợp chế phẩm sinh học và 6 mô hình hầm biogas kết hợp nuôi cá cho thấy: Tất cả các mô hình đều đem lại hiệu quả đối với quy mô của các hộ chăn nuôi có ít đất hoặc không có mương vườn. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc phát triển đa dạng các mô hình giúp cải thiện sinh kế cho các nông hộ vì bà con sẽ không phải tốn tiền để mua chất đốt; mô hình còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tại An Giang, mô hình nuôi bò vỗ béo đang phát triển mạnh tại xã Khánh Hòa- huyện Châu Phú. Từ mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh và mạnh đàn bò cũng đang gặp phải những khó khăn trong việc quản lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Được ngành chức năng tuyên truyền, vận động việc sử dụng hầm khí biogas trong chăn nuôi, nhiều hộ đã chủ động đầu tư xây dựng mô hình.
Điển hình như: Gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở ấp Khánh An, xã Khánh Hòa, trước đây, do chưa xây dựng hầm biogas nên nước thải từ chăn nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Từ khi đầu tư xây dựng hầm biogas, chuồng trại chăn nuôi trở nên sạch sẽ, thoáng mát hơn.
Hiện nay, anh Tâm thường xuyên duy trì nuôi trong chuồng khoảng 10 con bò vỗ béo. Kể từ ngày có hầm biogas, cả khu chuồng trại của gia đình anh không còn bốc mùi hôi thối, bà con trong xóm không phải kêu ca phàn nàn như trước. Không những thế, với nguồn khí gas dồi dào còn giúp gia đình anh giảm chi phí chất đốt, nhờ đó tăng thêm lợi nhuận từ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hầm biogas còn giúp bà con nông dân giảm được công lao động bởi không phải mất nhiều thời gian dọn dẹp và vệ sinh chuồng trại như trước.
Hộ ông Trần Minh Tâm cùng ở ấp Khánh An hiện cũng đang sử dụng nguồn khí gas sinh học từ hầm biogas để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, nếu như trước đây, mỗi ngày ông phải rất vất vả làm vệ sinh chuồng trại từ 2- 3 lần, vừa mất thời gian lại không hết mùi hôi thối thì nay, nhờ có hệ thống hầm biogas xử lý chất thải hiệu quả, ông không còn mất nhiều thời gian dọn dẹp mà vẫn đảm bảo môi trường sạch sẽ, không hôi thối. Việc này không những giúp gia đình ông tiết kiệm một phần chi phí mà còn có thêm thời gian để làm nhiều việc khác giúp tăng nguồn thu nhập.
Tại Hà Nội, gia đình ông Đặng Đình Tới ở thôn Hưng Thịnh, xã Trần Phú- huyện Chương Mỹ nhờ thấy được những hiệu quả rõ rệt của việc sử dụng mô hình hầm biogas trong chăn nuôi đem lại cũng đã đầu tư 20 triệu đồng xây dựng hệ thống hầm biogas nhằm xử lý được phân và nước thải của 40 con lợn trong khu chuồng nuôi.
Không chỉ có lợi ích khi được dùng khí gas miễn phí để phục vụ nhu cầu chất đốt trong sinh hoạt gia đình; những chất thải sau quá trình ủ hoai dưới hầm biogas còn được ông dùng làm phân bón hữu cơ. Sau khi đem bón cho khu vườn trồng 300 cây bưởi Diễn, ông nhận thấy kết quả lượng phân bón rất tốt cho quá trình sinh trưởng của cây trồng. Ngoài ra, ông còn lắp đặt thêm thiết bị đun bình nóng– lạnh sử dụng bằng khí gas thay cho bình sử dụng điện, nhờ đó lại tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Ước tính, từ ngày có hầm biogas, gia đình ông tiết kiệm được khoảng từ 17- 18 triệu đồng/năm.
Hay như hộ anh Lê Văn Công ở thôn Ứng Hòa, xã Lam Điền- huyện Chương Mỹ cũng xây dựng và sử dụng hầm biogas khoảng 2 năm. Chuồng nuôi với quy mô 10 con lợn nái ngoài việc giúp gia đình anh có nguồn nhiên liệu đun nấu, số bã thải ủ hoai mục từ hầm biogas còn được anh tái sử dụng làm thức ăn nuôi cá. Từ hiệu quả có được, sắp tới, gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển đàn lợn thịt nhằm gia tăng thu nhập.
Có thể thấy, việc xây dựng mô hình hầm biogas để xử lý các chất thải từ chăn nuôi đã và đang mang lại tác dụng rất lớn đối với bà con nông dân. Nguồn phân hữu cơ sau khi đưa vào bể chứa, được phân hủy hết sẽ làm giảm tối đa mùi hôi; ngoài ra, các loài như ruồi, muỗi và ký sinh trùng hầu như cũng sẽ bị tiêu diệt hết trong bể chứa này.
Bên cạnh đó, sử dụng hầm biogas còn có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch, giúp bà con tiết kiệm chi phí mua chất đốt, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ đó, mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Như Cương