Ủ cá thành phân bón cho mít Thái, bán 50 tấn trái/năm, thu tiền tỷ
Với kinh nghiệm trong nhiều năm gắn bó với cây mít Thái, ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã phát triển vườn cây mít theo hướng an toàn nên năng suất, chất lượng luôn bảo đảm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Khánh đã ủ phân cá bón cho vườn mít Thái.
|
Ông Khánh ủ phân cá để bón cho vườn mít Thái, mít không hạt. |
Những năm trước đây, gia đình ông Khánh chủ yếu trồng cà phê, cây hoa màu, nhưng do năng suất không ổn định dẫn đến thu nhập không cao so với công sức bỏ ra. Đến năm 2014, ông quyết định trồng xen 600 cây mít Thái, 150 cây mít không hạt, với nhiều loại cây khác trên diện tích 3,6 ha.
Thời gian đầu, ông Khánh đã đọc tài liệu từ sách báo, đến các nhà vườn để tham khảo kinh nghiệm chăm sóc mít Thái. Từ đó, ông đã áp dụng phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, tự ủ phân bằng nguyên liệu hữu cơ, sử dụng xác cá để làm phân bón cho vườn cây.
Theo ông Khánh, vùng đất này khá phì nhiêu, nhưng khả năng giữ độ ẩm của tầng đất mặt thấp, do đó chỉ thích nghi với cây ăn trái. Ông Khánh cho biết: “Trồng mít Thái không khó vì loại cây này thích nghi rất tốt với đất đai, thời tiết nơi đây. Mít Thái trồng rất nhanh cho quả, chỉ sau 18 tháng sẽ cho thu hoạch”.
Để vườn mít đạt năng suất, ông Khánh đã áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc và phòng bệnh cho vườn cây như thường xuyên cắt tỉa cành hư, trừ nấm, không để rêu xanh bám vào cây. Mùa ra hoa, đậu quả thì tỉa bớt trái non, bọc trái bằng túi chuyên sử dụng cho trái mít…
Theo đó, để cho cây mít ra hoa rải vụ, vào mùa khô, ông Khánh đã đầu tư hệ thống béc tưới cho vườn cây với mật độ tưới 10 ngày 1 lần, giúp cây nuôi trái trong mùa khô đạt chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, để trái mít đạt trọng lượng tối đa, ông đã cắt tỉa và chỉ để mỗi cuống một trái và tùy theo cây, mỗi cây trung bình chỉ để từ 5 – 7 trái. Trong quá trình mít nuôi trái, ông cũng thường xuyên tỉa bỏ những trái bị vẹo, ong chích, nhằm bảo đảm cho cây và trái phát triển tốt.
Cây mít trong thời kỳ bắt đầu hình thành trái cần một lượng phân bón nhất định. Ngoài bổ sung một số loại phân bón hóa học cao cấp giúp cây phân hóa mầm hoa, chất lượng trái tốt, ông Khánh chủ yếu tự ngâm ủ phân cá, phân hữu cơ để bón cho cây. Theo ông Khánh, khi sử dụng phân cá, vườn cây của gia đình xanh tốt quanh năm và ra trái đều, trọng lượng trái lớn. Nhờ vậy, ông hạn chế được lượng phân bón hóa học cũng như các loại chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật khác.
Ông Khánh cho biết thêm: “Cây mít cũng rất mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh. Trong đó, phổ biến nhất là bệnh do côn trùng chích hút như: Rầy phấn trắng, ruồi vàng; các bệnh thối trái, thối nứt thân gây hại…”.
Để phòng trừ, ngoài việc thường xuyên theo dõi vườn, ông Khánh còn dùng túi lưới để bọc trái từ khi còn nhỏ. Đặc biệt, khi mưa nhiều, ẩm độ cao, cây mít thường bị các nấm bệnh tấn công gây nứt thân xì mủ, khô cành… Do đó, người trồng mít cần phải phun phòng bằng các loại thuốc trừ nấm, ưu tiên thuốc có nguồn gốc sinh học vào trong những tháng mùa mưa.
Hiện nay, vườn mít của ông Khánh ngày nào cũng có thương lái đến hỏi mua để xuất đi các tỉnh. Với trọng lượng trái đồng đều, ít bị xơ đen, nhiều múi, cơm dày, vỏ mỏng, vị ngọt ngon, vườn mít của ông hái đến đâu bán hết đến đấy. Mỗi năm, mít cho thu 2 đợt chính, còn lại thu rải đều quanh năm. Loại mít này cho trái to, mỗi trái nặng 7 - 15 kg.
Tính bình quân mỗi cây mít Thái cho khoảng 60 kg quả/năm thì vườn mít 750 gốc của ông Khánh cho thu hoạch khoảng hơn 50 tấn/năm. Với giá bán tại vườn vào khoảng 20.000-23.000 đồng/kg, có thời điểm 45.000 đồng/kg, gia đình ông thu về cả tỷ đồng. Ngoài trồng mít, ông Khánh còn trồng xen thêm sầu riêng nên giá trị thu nhập từ vườn cây của gia đình ông những năm trở lại đây khá cao. |