Ninh Bình: Gương nông dân tiên phong áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường
17:10 - 27/02/2024
(Cổng ĐT HND) – Được trực tiếp tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường do Hội ND tỉnh tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, ông Phạm Thế Luân- hội viên nông dân ở xóm 13, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh là một trong những hộ tiên phong áp dụng thành công kỹ thuật, mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Luân chia sẻ kinh nghiệm nuôi sâu canxi cho các hộ nông dân

 
​Ông Luân chia sẻ: Trước đây, ông và rất nhiều hộ dân trong xóm thường cho một lớp trấu dưới nền chuồng gà, lượng phân gà ngày một nhiều đã tạo ra mùi hôi thối, ẩm ướt nên cứ khoảng 2 - 3 ngày sẽ phải dọn chuồng, đàn gà lại hay bị bệnh và chậm lớn. Từ khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày của Hội ND tỉnh, mọi thứ đã thay đổi, công việc chăn nuôi của gia đình ông trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Tham gia thực hiện mô hình, ông Luân được Ban quản lý dự án Hội ND tỉnh hỗ trợ kinh phí cải tạo chuồng gà và chế phẩm vi sinh. Kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày khá đơn giản, với 3 bước thực hiện gồm: Dựng mới hoặc cải tạo chuồng gà; tạo lớp đệm lót sinh học dày; thu hoạch phân ủ. Trong đó, cần lưu ý chuồng gà đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng, không dùng quá 30% trấu trong lớp đệm lót sinh học dày từ 20 - 30cm, phun chế phẩm vi sinh, bổ sung nước để giữ ẩm lớp đệm lót.
 
Qua áp dụng kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, gia đình ông rất phấn khởi vì không còn phải dọn chuồng gà nhiều như trước, chuồng nuôi trở nên thông thoáng, không còn mùi hôi. Nhờ đó, đàn gà khỏe mạnh hơn, lông óng mượt, ít bị bệnh và nhanh lớn.
 
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đồng thời xử lý được lượng phân thải của đàn lợn và thức ăn thừa hàng ngày, ông Luân cũng là hộ nông dân tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật nuôi sâu canxi khi tham gia Dự án xử lý rác thải của Hội ND tỉnh.
 
Ban đầu, ông tận dụng phân lợn và thức ăn thừa để nuôi thử nghiệm 10 gam trứng sâu canxi. Sau khoảng 15 - 20 ngày, thu được 15 kg nhộng sâu canxi dùng làm thức ăn cho đàn gà. Sâu canxi rất giàu dinh dưỡng (nhiều chất béo, canxi, các khoáng chất và vitamin) giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn. Nhờ đó, giúp nông dân giảm thiểu chi phí trong điều kiện giá thức ăn chăn nuôi cao như hiện nay, mặt khác phân sâu canxi sau khi được ủ còn là chất cải tạo đất hiệu quả.
 
Sau khi nuôi thành công sâu canxi, ông Luân còn mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tự nhân giống sâu canxi. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, sau một vài lần điều chỉnh kích thước lồng nuôi ruồi lính đen, vị trí đặt lồng, điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng hợp lý, ông đã thu được hàng chục gam trứng sâu canxi, tạo ra nguồn giống chủ động cho gia đình và cung cấp cho một số hộ nông dân trong xã có nhu cầu. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhờ nuôi sâu canxi mà lượng thức ăn thừa của gia đình ông được tận dụng, xử lý hiệu quả.
 
Ông Đỗ Gia Hiểu- Chủ tịch Hội ND xã Khánh Công (huyện Yên Khánh) cho biết: Không chỉ áp dụng thành công kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật nuôi sâu canxi tại gia đình, ông Phạm Thế Luân còn tích cực tham gia cùng Hội ND xã trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nông dân trên địa bàn cùng thực hiện. Từ đó, với mong muốn chung tay xử lý lượng rác thải hiệu quả, giúp gia tăng thu nhập cho người nông dân, tạo ra một môi trường tốt hơn cho cộng đồng.
Nguồn: hoinongdan.org.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn