Những trang trại không thải thứ gì ra môi trường
08:41 - 27/02/2023
Hậu Giang đang có hàng chục trang trại nông nghiệp khép kín, không thải bất kỳ thứ gì ra môi trường. Những công nhân nông nghiệp đã 'bí mật' xử lý chúng ngay tại chỗ. 

Những trang trại tuần hoàn, khép kín
 
Sản xuất nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều tài nguyên đất, nước và gây ô nhiễm môi trường khi những tồn dư hóa chất, các phế, phụ phẩm bị thải ra. Thế nhưng, ở Hậu Giang đang có hàng chục trang trại sản xuất nông nghiệp khép kín khiến không ít người bất ngờ, tò mò. Họ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chẳng thấy thải ra bất cứ thứ gì, kể cả phân động vật. Họ đã âm thầm xử lý ngay trong khuôn viên trang trại.
 
 
Một ngày cuối năm 2022, chúng tôi theo chân cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất của những trang trại nông nghiệp khép kín này. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là trang trại của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong (ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp). Thoạt nhìn từ ngoài vào, nơi đây giống nhà xưởng hơn là trang trại sản xuất nông nghiệp. Trong khuôn viên hơn 1ha, được xây dựng khung nhà thép, trên nóc là điện mặt trời áp mái, tạo thành ngôi nhà chung cho nhiều cây, con cùng sinh sống.
 
 
Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong cho biết, để sản xuất chuỗi nông nghiệp tuần hoàn cần vốn đầu tư lớn, công nghệ cao mới tích hợp được đa giá trị. Trong đó, riêng hệ thống điện mặt trời công ty đã đầu tư lên tới 20 tỷ đồng, song đã tận dụng được mái nhà để che chắn, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết bất lợi đối với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn phía dưới, đồng thời nâng cao được giá trị sử dụng đất trên cùng diện tích.
 
 
Riêng mảng nông nghiệp, đơn vị đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để phát triển kinh tế tuần hoàn khép kín, tận dụng nguồn rơm sẵn có tại địa phương chăn nuôi bò thịt, trồng nấm rơm. Chất thải của bò và rơm mục sau trồng nấm được phối trộn để nuôi trùn quế. Thu hoạch trùn quế dùng làm thức ăn nuôi cá và gia cầm.
 
 
Phân trùn quế trồng cỏ, bắp sinh khối để ủ chua làm thức ăn cho bò. Ngay cả nước thải nuôi cá cũng được tận thu xử lý, tưới cây. Tất cả tạo thành vòng tròn khép kín, không bỏ hoặc thải ra bất cứ thứ gì gây ô nhiễm môi trường. 
 
 
Theo bà Lữ Thị Nhật Hằng, hiện nay sản của phẩm của đơn vị cung ứng ra thị trường hàng ngày gồm có nấm rơm, trứng gà, trứng chim trĩ, trùn sinh khối, trùn đông lạnh, phân bón hữu cơ từ phân trùn quế. Ngoài ra, còn có các sản phẩm bán theo đợt thu hoạch như bò thịt, gà, vịt nuôi thả vườn, cá thát lát, các sặc rằn… Đặc biệt, tất cả các sản phẩm đều được ngành chức năng hỗ trợ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code, rất thuận tiện cho người tiêu dùng tìm hiểu quy trình sản xuất trước khi quyết định mua hàng, an tâm sử dụng.
 
 
Tương tự, hộ ông Trần Văn Sơn (xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cũng đã biến diện tích đất sản xuất truyền thống của gia đình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Ông Sơn chọn mô hình nuôi bò và được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, được nhận hỗ trợ 6 con bò giống và thức ăn chăn nuôi, trong đó nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại gia đình đối ứng.
 
 
Ông Sơn chia sẻ: “Để thực hiện chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, tôi đã sử dụng 2.000m2 đất để trồng cỏ voi cho bò ăn, lấy phân bò nuôi trùn quế. Thịt trùn quế được thu hoạch làm thức ăn nuôi lươn, phân trùn quế, phân bò tôi đem bón cho cỏ, khóm.
 
 
Ngoài ra, tôi còn tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp như thân cây bắp, rơm để làm thức ăn cho bò. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp trách nhiệm, kinh tế tuần hoàn, giúp tận dụng được tất cả các nguồn nguyên vật liệu từ đầu ra của sản phẩm này để làm đầu vào cho sản phẩm khác, bảo vệ môi trường được tốt hơn”.
 
“Sản lượng các sản phẩm trong chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đạt được lợi nhuận cao hơn từ 10% trở lên so với mô hình sản xuất truyền thống bên ngoài. Tận dụng phế, phụ phẩm của các đối tượng làm giảm ít nhất 30% chi phí đầu vào cho một số đối tượng còn lại trong chuỗi tuần hoàn, giúp tăng lợi nhuận của cả mô hình”, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết.

Biến chất thải nông nghiệp thành tiền
 
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2022, Trung tâm đã hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật cho 16 hộ nông dân trong tỉnh thực hiện mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình có thể chọn chuỗi tuần hoàn khác nhau nhưng phải khép kín.
 
 
Chăn nuôi có các đối tượng bò, heo, dê, lấy phân nuôi trùn quế, ủ phân hữu cơ và biogas, thu hoạch trùn quế làm thức ăn cho lươn, cá, gà, vịt. Phân trùn quế làm phân bón hữu cơ cho cỏ và rau, màu, trồng các loại cây ăn trái như mãng cầu xiêm, mít, cam, quýt…
 
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi kinh tế tuần hoàn giúp nông dân giảm ít nhất 30% chi phí đầu vào. Ảnh: Trung Chánh

 
Theo ông Tân, phát triển chuỗi kinh tế tuần hoàn không chỉ tận dụng được tất cả các phế phụ phẩm, biến thứ bỏ đi thành tiền mà còn là nông nghiệp trách nhiệm, đạo làm nông nghiệp tử tế. Về mặt kinh tế, sẽ tận dụng nguyên liệu thô đưa vào quá trình sản xuất, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi, quay trở lại quy trình sản xuất dưới dạng chất thải là đầu vào của đối tượng khác, tiết kiệm chi phí đầu tư.
 
 
Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
 
 
Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường...
 
 
Mỗi mắt xích trong chuỗi kinh tế tuần hoàn đều mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như trồng nấm rơm trong nhà và sản xuất phân hữu cơ mang lại doanh thu cho nông dân trên 100 triệu đồng/năm/100m2 nhà trồng nấm, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 80 triệu đồng. Mô hình này tận dụng phụ phẩm trong canh lúa để trồng nấm rơm theo kỹ thuật tiên tiến là trồng trong nhà có gắn thiết bị cảm biến nhiệt độ, phun sương… giúp tăng thêm thu nhập nông hộ.
 
 
Ngoài ra, phụ phẩm là rơm rạ sau chất nấm được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón lại cho cây trồng, tránh lãng phí và góp phần bảo vệ môi trường.
 
 
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình kinh tế tuần hoàn, chế biến sâu để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp...
 
 
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Lê Quốc Thanh đánh giá cao hiệu quả mà những trang trại sản xuất nông nghiệp khép kín ở Hậu Giang đang thực hiện. Phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy quy trình canh tác hữu cơ là chính, sản phẩm làm ra rất an toàn, không gây hại cho môi trường.
 

Đặc biệt, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã chú trọng, hỗ trợ các chủ trang trại thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử. Bằng việc quét mã QR code, người tiêu dùng có thể chứng kiến cả quy trình sản xuất, được các cơ quan nhà nước chứng nhận hợp quy, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu chính đáng là tiêu dùng thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn