Vận động nông dân áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững
(MTNT) - Chăn nuôi là một ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng của nước ta; đồng thời cũng là một trong những nguồn chính cung cấp các loại thực phẩm thiết yếu cho người dân. Thực tế cho thấy, việc tiêu thụ thịt, cá, trứng vẫn đang là thành phần chủ yếu trong mỗi bữa ăn của người dân (trong đó thịt lợn và thịt gà thường chiếm tỷ trọng cao).
Đáng chú ý, đây cũng là ngành kinh tế giúp cho nông dân gia tăng thu nhập; mặt khác còn giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động ở địa bàn nông thôn. Hiện nay, ngành chăn nuôi vẫn đang là nguồn sinh kế chủ yếu của gần 10 triệu người dân trong cả nước; tuy nhiên, có trên 50% các nông hộ đang duy trì hoạt động chăn nuôi vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ.
|
Nền chuồng nuôi đã được các hộ chăn nuôi phủ bằng đệm lót sinh học giúp toàn bộ chất thải được vi sinh phân hủy, không thải bỏ các chất độc hại ra môi trường bên ngoài |
Những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp đã và đang phát triển nhanh chóng về cả số lượng lẫn quy mô. Mặc dù hoạt động này giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhưng mặt trái đó là các yếu tố về môi trường cũng dễ bị ô nhiễm hơn.
Vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra chủ yếu là từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết nhưng đem chôn lấp hoặc tiêu hủy không đúng kỹ thuật... Theo một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30- 40 lần so với không khí bên ngoài.
Đối với các cơ sở chăn nuôi, những loại chất thải gây ô nhiễm môi trường cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người và làm giảm sức đề kháng trên đàn vật nuôi. Từ đó, dễ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng các chi phí phòng trị bệnh khiến cho năng suất chăn nuôi bị giảm sút, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nếu như sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm giảm sút cũng sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh…
Nguyên nhân là do chính quyền và người dân chưa có cách xử lý các chất thải trong chăn nuôi một cách triệt để. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang còn có những bất cập như: Tình trạng đàn vật nuôi bị nhiễm chất cấm; tồn đọng dư lượng kháng sinh… làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Từ thực trạng đó, việc vận động người nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách. Việc làm này không chỉ giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt được dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, mang lại nhiều lợi ích mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung.
Tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững, thời gian qua, chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh xác định rõ việc cần phải hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Theo thống kê, hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh đang có khoảng 15 triệu con. Chăn nuôi gia cầm đang chuyển dịch dần theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô trang trại, chủ yếu hình thành ở các vùng chăn nuôi trọng điểm. Với hơn 400 trang trại chăn nuôi gia cầm, đến nay, có một số chuỗi liên kết sản xuất từ chăn nuôi- giết mổ- chế biến- tiêu thụ đã được hình thành và đi vào hoạt động ổn định.
Nhằm khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm, chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ. Qua đánh giá, các dự án đã và đang thu được những kết quả khả quan.
Tiêu biểu như: Dự án "“Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên”; dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học” tại 6 hộ dân ở các xóm Cây Khế, Gia Trống thuộc xã Yên Đổ- huyện Phú Lương.
Cụ thể, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên” đã được đặt hàng với Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự án với mong muốn giúp các trang trại sản xuất ra các con giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các địa phương miền núi cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Giai đoạn 2018- 2020, dự án này được triển khai bao gồm mô hình chăn nuôi gà sinh sản với quy mô 4.000 con gà mái sinh sản giống Lương Phượng và 400 con gà trống Ri với 2 hộ dân được hỗ trợ tham gia.
Trong thời gian triển khai dự án, với việc áp dụng những yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học đã giúp giảm thiểu tỷ lệ dịch bệnh. Các cơ sở áp dụng tất cả các biện pháp từ cách ly, khử trùng, những biện pháp được áp dụng trong chăn nuôi an toàn sinh học nhằm làm cho môi trường chăn nuôi ở từng cơ sở được sạch sẽ, giúp người nuôi có thói quen thực hiện tốt những điều kiện chặt chẽ về vệ sinh chăn nuôi.
Hộ ông Nguyễn Văn Tuyên ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đã tham gia vào Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh nhằm tạo dựng và phát triển thương hiệu gà đồi Phú Bình. Hiện, gia đình ông có khoảng 1,5 ha diện tích phát triển mô hình; trong đó, khoảng 750 m2 được xây dựng thành chuồng trại nuôi gà, đáp ứng qui mô thả nuôi mỗi lứa khoảng 6.000 con gà Ri và gà Ri lai. Đây đều là 2 giống gà dễ nuôi, lại phù hợp với điều kiện bán chăn thả ở địa phương, nhờ cho chất lượng thịt gà thơm ngon, săn chắc nên rất được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng.
Trước đây, gia đình ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trong vùng vẫn chủ yếu tiến hành nuôi gà theo phương pháp truyền thống. Từ khi triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học, ông nhận thấy đã có nhiều ưu điểm vượt trội như: Kỹ thuật lựa chọn con giống được nâng cao; việc kiểm soát chất lượng đầu vào dễ dàng và đảm bảo.
Cùng với đó, vì không muốn để bị động hay phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn công nghiệp, gia đình ông cũng đã thử nghiệm việc nuôi giống ruồi lính đen để phối trộn vào thức ăn theo hướng tự nhiên, an toàn sinh học dùng làm thức ăn trong chăn nuôi gà. Kết quả cho thấy rất khả quan khi ông kiểm soát được chất lượng thức ăn cho đàn gia cầm, giúp giảm chi phí đầu vào và gia tăng lợi nhuận.
Trong những năm qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã gặp không ít khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Theo thống kê, năm 2021, toàn tỉnh có tới hơn 2.800 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục; dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra tại 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số hơn 5.500 con lợn các loại bị mắc bệnh, bị chết buộc phải chôn hủy theo qui định.
Bên cạnh đó, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra với 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại các xã gồm: Xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ); xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong); xã Trung Sơn (huyện Gio Linh). Ngoài ra, phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng). Tổng số gia cầm bị bệnh, chết buộc phải tiêu hủy tới gần 10.800 con…
Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại khá nặng nề cho hàng ngàn hộ chăn nuôi thì tại những trang trại, gia trại, nông hộ bảo đảm các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học lại ít bị ảnh hưởng, giữ cho đàn vật nuôi được an toàn, khỏe mạnh trước dịch bệnh.
Hộ chị Trương Thị Thanh Tâm ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính (huyện Cam Lộ) luôn coi trọng các vấn đề an toàn sinh học và đem áp dụng cho trang trại chăn nuôi của gia đình. Vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển chăn nuôi gà, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, hệ thống chuồng trại của gia đình chị được đầu tư xây dựng khép kín, cách xa khu dân cư. Người và phương tiện khi ra vào chuồng trại đều phải thực hiện nghiêm việc sát khuẩn để loại bỏ các nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào.
Nền chuồng được chị cho phủ bằng đệm lót sinh học làm từ trấu và men vi sinh giúp xử lý tốt phân gà và hạn chế mùi hôi. Đồng thời, theo định kì, chị thực hiện tiêm vắc xin đúng quy định; làm vệ sinh máng ăn, máng uống cho đàn gà mỗi ngày và tiến hành sát trùng, vệ sinh chuồng trại hàng tuần. Nhờ đó đã giúp hạn chế tối đa việc đàn gà bị nhiễm dịch bệnh. Mặt khác, trước khi xuất bán khoảng một tháng, đàn gà được chị cho ăn loại thức ăn phối trộn từ bột ngô, cám gạo… đã ủ lên men để đảm bảo không bị tồn dư lượng thức ăn công nghiệp.
Nhờ đó, hiệu quả trong việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học của gia đình chị ngày càng rõ nét. Cụ thể như: Tỉ lệ gà nuôi sống đạt trên 98%; chi phí mua thức ăn và kháng sinh giảm; đàn gà giữ an toàn trước dịch bệnh; mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng lên...
Hiện, với quy mô trang trại có diện tích gần 1 ha, chị Tâm đã cho xây dựng thành 3 khu chuồng nuôi riêng biệt để tiện theo dõi và chăm sóc. Ước tính bình quân mỗi tháng, chị cho xuất bán từ 1.500 - 2.000 con gà thịt, mang lại nguồn lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí. Từ hiệu quả của mô hình mang lại, đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi gà có qui mô lớn trên địa bàn xã đều đã tích cực áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Hay như hộ bà Đào Thị Thắm ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng) cũng đã mạnh dạn áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho đàn lợn trong trang trại của gia đình.
Khi quyết định áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bà luôn phải tuân thủ các quy định như: Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch của nơi bán, khi mới mua về phải được nuôi ở một chuồng hoàn toàn riêng biệt, có chế độ chăm sóc, phòng bệnh hợp lý; chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, sát trùng theo định kỳ… Người nào ra vào khu chuồng trại đều phải thực hiện việc sát khuẩn để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trang trại.
Một điểm mới của mô hình đó là để xử lý chất thải, nền chuồng nuôi đã được phủ bằng đệm lót sinh học (gồm mùn cưa, trấu, bột ngô, rỉ mật đường và chế phẩm vi sinh). Nhờ đó, toàn bộ chất thải của đàn lợn đều được vi sinh phân hủy, không thải các chất độc hại ra môi trường bên ngoài giống như việc nuôi theo cách thông thường. Trong quá trình nuôi, bà cũng sử dụng thức ăn được phối trộn từ các nguyên liệu thông dụng như bột ngô, cám gạo, khô dầu đậu tương, bột cá… được ủ lên men trong vòng 36- 48 giờ giúp vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cho đàn vật nuôi.
Ngoài ra, bà Thắm còn chịu khó bổ sung các loại cây cỏ thảo dược tự nhiên ủ men vi sinh (cây xuyến chi, cam thảo đất, lá ổi, lá cây khuynh diệp, cây an xoa, lá chè…); định kỳ cho đàn lợn uống dịch tỏi lên men để tăng sức đề kháng và tăng khả năng phòng trừ dịch bệnh. Kết quả rất khả quan khi đem so sánh trong cùng một thời gian chăn nuôi cho thấy chi phí thức ăn đã giảm khoảng 1/3 so với khi nuôi bằng thức ăn công nghiệp; trọng lượng đàn lợn vẫn đảm bảo; mùi hôi do chất thải của lợn được giảm tới 80- 90%.
Từ những kết quả đạt được bước đầu cho thấy để hoạt động chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, các trang trại, gia trại cần đầu tư xây dựng các khu chuồng trại chăn nuôi khép kín; đồng thời, tăng cường việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, đối với các nông hộ cũng cần chú trọng đến nguồn giống, thức ăn, thuốc thú y… thường xuyên làm vệ sinh khu vực chuồng nuôi, đảm bảo các điều kiện theo qui định để đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, mang lại năng suất và giá trị kinh tế rõ rệt.