Những năm qua, nuôi trùn quế cung cấp phân bón cho cây trồng ngày càng được nông dân quan tâm vì đây là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao.
Tại Tây Ninh, mô hình nuôi trùn quế được triển khai ở một số địa phương, nhiều nhất ở Tân Biên, Tân Châu, Hoà Thành... Trong đó, mô hình nuôi trùn quế của ông Nguyễn Văn Ta (sinh năm 1956, ở ấp Trường Cửu, xã Trường Hoà) được xem là tiên phong tại Hoà Thành.
Thoát nghèo từ nuôi trùn quế
Quan tâm và nghiên cứu về mô hình nuôi trùn quế đã lâu nhưng vì gia đình kinh tế khó khăn, ông Ta không có vốn để thực hiện nuôi trùn quế.
Năm 2018, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện, ông Ta mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thực hiện cơ sở nuôi trùn quế thí điểm của xã.
|
Mô hình nuôi trùn quế giúp gia đình ông Nguyễn Văn Ta thoát nghèo |
Thời gian đầu, ông Ta gặp không ít khó khăn khi hiện thực hoá mô hình. Để tiết kiệm chi phí, hầu hết các công đoạn đều do ông tự làm. Ban đầu, ông đầu tư chuồng nuôi khoảng 10m2 và mua khoảng 100kg con giống trùn quế. Tuy nhiên, ông không nuôi hết cả chuồng mà chỉ nuôi thử nghiệm với diện tích nhỏ khoảng 3m2. Vừa làm, ông vừa nghiên cứu thêm kiến thức, tài liệu trên sách báo, internet và tham quan thực tế tại một số cơ sở nuôi trùn quế khác trong tỉnh.
Nhân rộng mô hình
Khởi nghiệp ở tuổi ngoài 60, ông Ta vẫn rất hăng say, nhiệt huyết và luôn có niềm tin vào mô hình này. Sau khi nuôi thử nghiệm thành công, ông Ta nhân rộng hết diện tích chuồng.
Năm 2021, ông Ta tiếp tục được Hội Nông dân xã xét cho vay thêm 20 triệu đồng từ nguồn góp vốn xoay vòng. Có thêm kinh phí, ông đầu tư thêm 2 chuồng nuôi trùn nhỏ. Tổng diện tích nuôi trùn quế hiện tại hơn 30m2. Trung bình, mỗi tháng trùn quế tiêu thụ khoảng 4,5 tấn phân bò, thời gian thu hoạch phân trùn quế khoảng 1 tháng/lần.
Theo ông Ta, mô hình nuôi trùn quế khá đơn giản, người nuôi cần bảo đảm các yếu tố cơ bản gồm: con giống, chuồng trại, chất nền, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, thức ăn. Sau đó là nhân giống và thu hoạch. Mỗi yếu tố cần phải có kỹ thuật riêng.
Kinh nghiệm được đúc kết dần qua thời gian quan sát, chăm sóc trùn quế. Nhiều người nuôi trùn quế bằng các phụ phẩm sinh học khác nhưng ông Ta chỉ dùng duy nhất phân bò, vì theo ông, phân bò tốt và an toàn cho hệ tiêu hoá của trùn quế nhất. Bên cạnh đó, cũng ít mùi, không gây ô nhiễm môi trường nuôi.
“Nếu có kinh nghiệm nuôi trùn quế thì công việc này khá nhàn, một người làm vẫn được, chỉ phải thuê thêm công khi thu hoạch phân trùn vào bao, nén viên... Người nuôi cần bảo đảm cung cấp thức ăn, nước giữ ẩm và che chắn bảo vệ cho trùn quế không bị kiến, dế nhũi và một số động vật khác cắn chết. Ngoài ra, người nuôi phải bảo đảm chuồng trại ở nơi ít nắng, giữ ẩm thường xuyên”, ông Ta chia sẻ kinh nghiệm nuôi trùn quế.
Thời gian đầu, ông chủ yếu nuôi trùn quế để rút kinh nghiệm chăm sóc, nhân giống và mở rộng diện tích nuôi. Vài tháng trở lại đây, ông bắt đầu vào giai đoạn thu hoạch phân trùn quế để bán vì trùn quế lúc này đã cho phân ổn định. Mỗi tháng, ông bán được khoảng 2 tấn phân trùn quế với giá 6 triệu đồng/tấn. Biết được cơ sở nuôi trùn quế của ông Ta, nhiều nhà vườn chủ động liên hệ mua, đầu ra cho sản phẩm ngày càng ổn định.
Theo ông Ta, phân bón trùn quế được nhà nông ưa chuộng vì hàm lượng đạm cao. Khi sử dụng phân trùn quế bón cây sẽ tạo thành vi sinh giúp cây phát triển, đồng thời góp phần cải tạo đất trồng. Với nhu cầu ngày càng tăng, ông Ta dự định sẽ mở rộng thêm chuồng trại để tăng diện tích nuôi trùn quế trong thời gian tới. Ngoài ra, ông cũng sẽ đầu tư thêm máy nén viên và bao bì để sản phẩm ra thị trường chỉn chu, đẹp mắt và bảo đảm vệ sinh hơn.
Đánh giá về hiệu quả mô hình nuôi trùn quế của ông Ta, ông Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Hoà, chia sẻ: “Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho hội viên 4 ấp đến cơ sở nuôi trùn quế của ông Ta học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình cho các hộ hội viên có nhu cầu. Mô hình nuôi trùn quế không cần diện tích rộng, ít công chăm sóc, phù hợp với các hộ gia đình muốn tăng thêm thu nhập”.