Mô hình nuôi lợn điển hình thu tiền tỷ của một nông dân Thái Bình
07:52 - 31/08/2022
9 năm gắn bó với chăn nuôi, trải qua không ít khó khăn, anh Nguyễn Văn Tiềm, thôn Ái Quốc, xã Hợp Tiến (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã vượt khó xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế, thu về cả tỷ đồng mỗi năm. Đây là 1 trong 2 mô hình chăn nuôi lợn điển hình của xã.
Mô hình chăn nuôi lợn thu tiền tỷ của anh Nguyễn Văn Tiềm, thôn Ái Quốc, xã Hợp Tiến (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).


Trước đây, người dân địa phương vẫn gọi anh là “anh Tiềm lợn con” vì chủ yếu buôn bán lợn giống. Không quản nắng mưa, hàng ngày trên chiếc xe máy cũ và chiếc lồng sắt phía sau, anh Tiềm rong ruổi khắp các huyện để tìm giống lợn tốt về bán cho bà con.

Công việc tưởng chừng vất vả nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với dự định mà anh ấp ủ từ lâu. Nhờ được tham quan thực tế và học hỏi từ những trang trại nuôi lợn lớn, anh có thêm nhiều kinh nghiệm và nắm được kỹ thuật nuôi lợn.

Năm 2013, anh Tiềm bỏ nghề buôn lợn giống chuyển sang làm mô hình chăn nuôi lợn. Với số vốn khởi nghiệp khoảng 100 triệu đồng, anh xây dựng chuồng trại và mua 50 con lợn giống về nuôi. Mỗi năm, gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 3 - 4 tấn lợn thịt thu về trên 500 triệu đồng. Đến đầu năm 2015, khi mọi thứ dần đi vào ổn định, anh tiếp tục xây thêm chuồng trại và mua thêm 20 con lợn nái để chủ động về con giống.Năm 2017, khi việc chăn nuôi đang thuận buồm xuôi gió thì 100 con lợn thịt đang phát triển của gia đình anh bị chết vì mắc bệnh tụ huyết trùng, thiệt hại trên 150 triệu đồng. Đến năm 2018, khó khăn lại một lần nữa thử thách gia đình anh khi dịch lở mồm long móng xuất hiện. Anh phải nhanh chóng xuất chuồng số lượng lợn thịt còn lại của mình với giá thấp để mong thu hồi vốn.

“Thời điểm ấy, giá lợn thịt cũng xuống dốc không phanh, lợn hơi bán với giá rẻ như cho” - anh Tiềm chia sẻ.

Quyết không để chuồng nuôi bị bỏ trống, anh Tiềm huy động vốn để mua thêm lợn giống cùng đàn lợn nái còn sót lại để tiếp tục chăn nuôi. Sau những bài học đắt giá, anh đã nhận ra những vấn đề trong cách chăn nuôi của mình.

Anh chia sẻ: Để có đàn lợn khỏe mạnh, tôi phải tìm mua ở những nơi cung cấp lợn giống uy tín, chất lượng. Sau đó tôi dành nhiều thời gian để học hỏi kỹ thuật các trang trại lớn trong tỉnh để tìm ra giải pháp tăng sức đề kháng, bảo vệ đàn lợn của mình khỏi dịch bệnh.

Chuồng trại cũng được nâng cấp, phun khử khuẩn thường xuyên tạo môi trường an toàn, sạch sẽ cho đàn lợn phát triển. Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi khoa học và theo dõi kỹ sự phát triển của vật nuôi, đàn lợn 120 con của gia đình đã khỏe mạnh vượt qua bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2020.

Đến đầu năm 2021, gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 10 tấn lợn, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Nhìn đàn lợn béo tốt, hồng hào trong chuồng anh Tiềm không giấu được niềm vui, tin tưởng năm nay gia đình anh sẽ lại thắng lợi.Ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết: Mô hình chăn nuôi lợn của anh Tiềm là điển hình trong phát triển sản xuất của xã. Anh Tiềm cũng là tấm gương để nhiều nông dân học hỏi và làm theo.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã khuyến khích hội viên tích cực phát triển kinh tế, mở rộng quy mô chăn nuôi, học tập kinh nghiệm chăn nuôi của anh Tiềm để đầu tư nuôi lợn và các loại gia súc, gia cầm khác. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân để họ áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Với sự chăm chỉ, linh hoạt của mình, anh Tiềm đã thành công vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Thế nhưng, hiệu quả của các mô hình chăn nuôi lợn tại địa phương vẫn còn gặp nhiều bất cập do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức Hội Nông dân cần quan tâm hỗ trợ hội viên về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, kết nối tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho bà con... giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.



 
Nguồn: Báo Thái Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn