Đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ là mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp của Xuân Lộc (Đồng Nai) trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Công ty TNHH Trang Trại Việt triển khai đề tài từ năm 2019 với điểm nổi bật là tất cả chất thải từ phân đến xác gà, gà loại thải đều trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, vừa giúp chủ trại tăng thu nhập, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Xử lý cả triệu tấn phân gà
Chăn nuôi gà trang trại hiện chiếm khoảng 91% tổng đàn với tổng số 366 trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện các trang trại chăn nuôi đều có hệ thống xử lý chất thải; trong đó, đệm lót sinh học là giải pháp có nhiều ưu thế nên được đa số các trang trại chăn nuôi gà sử dụng.
Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Trang Trại Việt, tổng khối lượng phân gà phát sinh tại các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn Đồng Nai là gần 1,46 triệu tấn/năm, gồm phân gà lẫn trấu tại trang trại chăn nuôi gà thịt và gà hậu bị; phân gà tươi ở trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Tỷ lệ gà bị loại, gà chết của đàn gà thịt chiếm khoảng 5,6%/lứa; gà đẻ trứng khoảng 0,01%/ngày. Như vậy, với trại gà 1 lứa nuôi khoảng 50 tấn gà, gà bị chết, loại thải khoảng 500 tấn, 1 năm 6 lứa thì có khoảng 3 ngàn tấn gà chết, gà loại. Đây là lượng chất thải rất lớn cần rất nhiều chi phí để xử lý.
|
Mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học tại trang trại chăn nuôi ở xã Long Đức, H.Long Thành. Ảnh: Phan Anh |
Bà Nguyễn Thị Bích, chủ trại nuôi gà công nghiệp ở xã Long Đức (huyện Long Thành) chia sẻ: Từ khi đầu tư đệm lót sinh học kết hợp men vi sinh làm thảm lót nền với hệ thống lọc khí và dàn nước phun sương tạo độ ẩm, chuồng trại chăn nuôi hầu như không còn mùi hôi. Chủ trang trại giảm được các chi phí xử lý môi trường, gà ít bị bệnh, nhanh lớn hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Sau lứa nuôi, doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ đến tận nơi thu gom chất thải, người nuôi không tốn chi phí xử lý mà còn bán được tiền. Đây là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
“Ngoài ra, theo quy định về môi trường, gà chết trong quá trình chăn nuôi phải được xử lý bằng hình thức chôn hoặc đốt tại trại, đây cũng là một khó khăn không nhỏ cho người nuôi. Hiện số gà này được doanh nghiệp thu gom làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ tạo thuận lợi hơn nhiều cho trang trại trong chăn nuôi”, bà Hạnh nói.
Quy trình liên kết khép kín
Liên kết quản lý, xử lý, thu gom và sản xuất phân bón hữu cơ từ phân và xác hữu cơ trong các trang trại chăn nuôi là mô hình khép kín mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất lẫn người chăn nuôi.
Theo cách làm truyền thống, sau mỗi đợt thu hoạch, các trang trại chăn nuôi gà thường tự thu lớp phân bón rồi bán cho thương lái. Thương lái mua về, một phần lượng phân bón này được bán trực tiếp cho nông dân trồng trọt mà không qua bất kỳ quá trình xử lý nào. Cách làm này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm nông sản đầu ra của nông dân do nguồn phân này có thể chứa mầm bệnh. Phần lớn nguồn phân này sẽ được bán cho các công ty sản xuất phân hữu cơ nhỏ lẻ. Với cách làm này, xác gà, phân gà tươi không được vận chuyển đi hàng ngày mà để tồn tại khu vực chuồng trại gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường.
Đến thăm Công ty TNHH Trang Trại Việt tháng 6/2018, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Đây là hình mẫu của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt là đã tạo được lợi thế cạnh tranh khi xây dựng thành công chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt”.
|
Theo ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt, việc doanh nghiệp xây dựng quy trình khép kín từ thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều lợi ích thiết thực. Ở đây, xác gà chết, gà loại thải được công ty sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển hàng ngày về nhà máy để xử lý theo quy trình. Phân được thu gom khi hết lứa gà; nhờ được thu gom và xử lý kịp thời nên đảm bảo được vấn đề ô nhiễm môi trường. Mọi công đoạn thu gom và xử lý toàn bộ phế phụ phẩm phát sinh từ các trang trại đều do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp cũng là đơn vị cung cấp trấu, chế phẩm, công tác vệ sinh chuồng trại, rải đệm sinh học trước khi thả gà cũng do doanh nghiệp chi trả nên chủ trại chăn nuôi giảm được chi phí và công thu gom, xử lý phế, phụ phẩm, chất thải.
Hiện nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của doanh nghiệp đạt công suất 200 tấn/ngày với thị trường tiêu thụ mở rộng trên cả nước. Doanh nghiệp đang tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi với mục tiêu nâng công suất lên 500 tấn/ngày, hướng đến thị trường xuất khẩu.
“Mô hình này không chỉ ứng dụng với chăn nuôi gà mà có thể mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải trong chăn nuôi heo, giải quyết vấn đề rất lớn về môi trường hiện nay là xử lý chất thải trong chăn nuôi”, ông Tính khẳng định.