Lợi ích từ mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”- hướng đến một nền nông nghiệp bền vững
16:04 - 25/10/2021
(MTNT) – Thời gian qua, từ thực tế trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân cho thấy các loại thuốc bảo vệ thực vật đang đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với việc giữ vững năng suất và chất lượng cho cây trồng. Đồng thời, còn góp phần lớn vào việc duy trì và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Nhiều loại rác thải nhựa, vỏ bao bì sau khi tập kết sẽ được chuyển tới các địa điểm xử lí rác thải rắn tập trung để tiêu hủy theo qui định, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa bàn nông thôn


 
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này chính là việc người dân tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang còn lạm dụng quá mức các loại thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch các loại cây ăn quả, rau ăn lá. Chính tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng chủng loại, liều lượng của người nông dân; cùng với đó là tình trạng vứt bừa bãi các loại bao bì, vỏ chai độc hại sau khi sử dụng ra ngoài môi trường đã làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người cũng như gây ô nhiễm môi trường.

 
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện bình quân mỗi năm, các địa phương trong cả nước đã sử dụng hàng trăm nghìn tấn hóa chất từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Trong số đó, khoảng 30% là các loại thuốc diệt cỏ với những thành phần hóa chất độc hại.

 
Mặt khác, nhiều mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa có sự kiểm soát chặt chẽ, thuốc hết hạn sử dụng còn được bày bán tràn lan; hoặc những loại thuốc không thích hợp với chủng loại cây trồng và sâu bệnh, nằm ngoài danh mục, chưa có giấy phép… vẫn được lưu hành. Đáng sợ hơn là vẫn còn tình trạng thuốc hoa học tuy nằm trong danh mục cấm nhưng vẫn được bày bán trên thị trường...

 
Trong một kết quả nghiên cứu đã được công bố của Viện Bảo vệ thực vật- trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì trung bình số lượng thuốc còn bám lại trên các vỏ bao bì chiếm tới 1,85% tỷ trọng của bao bì và đây đều là những chất độc hại. Do đó, nếu như những loại hóa chất này bị hòa lẫn theo nước mưa, ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống… thì đều là những tác nhân điển hình gây ra căn bệnh ung thư cho con người...

 
Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, thông thường, bà con nông dân sẽ phải chờ cho đủ thời gian để thuốc hóa học phân hủy an toàn rồi mới tiến hành thu hoạch và xuất bán. Tuy nhiên, do những lợi ích trước mắt nên có nhiều loại sản phẩm nông sản vẫn được người sản xuất thu hái ngay sau khi phun và mang bán ra thị trường. Việc làm này sẽ khiến cho những dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư làm suy giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường; đồng thời, dễ gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính đối với người tiêu dùng cũng như tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm…

 
Ngoài ra, trong quá trình bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt các loại sâu bệnh, nếu như lạm dụng quá liều thì vô hình chung cũng sẽ diệt luôn cả những loài côn trùng có ích, các vi sinh vật có lợi (thiên địch). Từ đó, gia tăng tình trạng dịch bệnh phát sinh trên cây trồng, làm tăng chi phí sản xuất và tăng cả giá thành của sản phẩm…

 
Trước những tồn tại kể trên, để góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân đối với công tác bảo vệ môi trường, Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng với Tập đoàn Lộc Trời đã phối hợp với 22 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam xây dựng, triển khai mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Trong đó, ưu tiên và tập trung thực hiện thí điểm tại địa bàn các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới.

 
Theo đó, mục tiêu chính của chương trình là vận động bà con nông dân tích cực thu gom toàn bộ số vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, đem vận chuyển về nhà máy để tiến hành tiêu hủy an toàn, không làm ảnh hưởng tới môi trường. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong quá trình sử dụng, xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

 
Đồng thời, bà con nông dân còn được tập huấn về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; lại được trang bị những kiến thức về việc áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật như: “Ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, “công nghệ sinh thái” trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng... Từ đó, làm giảm đáng kể số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân.

 
Từ khi chương trình được triển khai đã giúp xây dựng và hình thành 167 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới của 22 tỉnh, thành. Tổng diện tích của các mô hình đạt hơn 8.000 ha, với sự tham gia trực tiếp của trên 7.700 hộ nông dân. Các mô hình chủ yếu đang áp dụng với các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế và xuất khẩu như: Lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, hồ tiêu, khoai lang, hành tím…

 
Bên cạnh đó, mô hình cũng đã thành lập 3 vùng chuyên thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các địa phương gồm: Huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp); huyện Châu Thành (tỉnh An Giang); huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang).

 
Ngoài ra, giúp liên kết với 5 Hợp tác xã nông nghiệp ở địa bàn các tỉnh như: Long An, Đồng Tháp, An Giang trong việc xây dựng các hố chứa để thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, chính quyền các địa phương đã vận động bà con nông dân tiến hành thu gom và tiêu hủy được hơn 34,876 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

 
Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố nhờ có sự quan tâm chỉ đạo và ủng hộ của chính quyền các cấp nên đã triển khai thực hiện mô hình rất tốt, mang lại nhiều kết quả thiết thực.

 
Tại tỉnh Kiên Giang, để triển khai thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đạt hiệu quả, ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành tập huấn cho hàng ngàn lượt nông dân về cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

 
Theo đó, toàn tỉnh đã tiến hành thu gom được trên 3,3 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đem đi tiêu hủy. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, ngành chức năng đã phối hợp cùng với các đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức cho bà con nông dân tiến hành thu gom được 3.338 kg vỏ chai, bao, gói đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Qua đó, loại bỏ dần thói quen xấu vứt bỏ các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện trên đồng ruộng của bà con nông dân như trước đây; góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

 
Kết quả, huyện Châu Thành là địa phương đã tích cực triển khai và tiến hành thu gom nhiều nhất với 1.020 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật; huyện Giồng Riềng cũng đã thu gom được 900 kg. Ngoài ra, tại một số địa bàn khác vốn là khu vực trọng điểm trồng lúa của tỉnh như các huyện: Tân Hiệp, Hòn Đất, Giang Thành… bình quân cũng thu gom được từ 300 - 500 kg/huyện.

 
Cùng với đó, số lượng vỏ bao bì sau khi thu gom về trong đợt 1 với trọng lượng hơn 2,5 tấn đã được đem đi tiêu hủy tại lò nung nhiệt độ cao của Nhà máy Xi măng Insee đóng tại địa bàn huyện Kiên Lương. Số lượng còn lại cũng đang chờ Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh mang tiêu hủy theo đúng quy định.

 
Những năm qua, tỉnh Trà Vinh cũng là một trong những địa phương tham gia tích cực chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, nhờ chương trình đã giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nền sản xuất nông nghiệp nói chung của tỉnh.

 
Cụ thể, sau gần 10 năm triển khai chương trình, toàn tỉnh đã xây dựng được 80 hố chứa và thu gom hơn 12,9 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức 967 buổi tập huấn, hướng dẫn cho hơn 30.000 nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. 

 
Ðáng chú ý, tại nhiều địa phương trong tỉnh còn tích cực xây dựng mô hình “Công nghệ sinh thái” ruộng lúa bờ hoa để vừa tạo cảnh quan tươi đẹp cho diện mạo nông thôn lại vừa tiến hành phòng trừ dịch hại theo hướng sinh học an toàn. Từ những kết quả đạt được, chương trình đã góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Qua đó, góp phần thiết thực trong việc triển khai thực hiện tốt tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới.

 
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” cũng được xây dựng và triển khai làm điểm trên đối tượng là cây hồ tiêu tại địa bàn xã Hòa Hiệp- huyện Xuyên Mộc. Năm 2019, các cấp chính quyền địa phương đầu tư kinh phí, cho lắp đặt 5 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và vận động 500 hộ nông dân trên địa bàn tham gia.

 
Sau một năm triển khai mô hình, đã có 936 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng được bà con nông dân tiến hành thu gom và đem đi tiêu hủy theo đúng quy định. Ngoài ra, ngành chức năng trên địa bàn còn phối hợp tổ chức 50 lớp tập huấn cho hơn 1.760 lượt bà con nông dân tham gia; dán 100 tấm áp phích tại các nơi công cộng và phát hơn 1.760 tờ rơi để tuyên truyền, vận động các hộ nông dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng công tác bảo vệ môi trường.

 
Từ những hiệu quả đạt được của giai đoạn một (năm 2012 - 2017), bước sang giai đoạn hai (năm 2017 - 2021), chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã chuyển đổi cách xây dựng các mô hình điểm gắn liền với một xã nông thôn mới điển hình hoặc nâng cao tại địa phương. Đồng thời, chương trình còn hướng dẫn người dân tham gia vào các mô hình sản xuất nông sản an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo hướng VietGAP; sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, tạo được sự liên kết giữa các công ty xuất nhập khẩu nông sản với các tổ hợp tác, Hợp tác xã tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với đầu ra của nông sản.

 

Văn Lộc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn